Phun sát trùng phương tiện rỗng vào tỉnh vận chuyển gia súc. Ảnh: T.Thảo
Để chủ động thực hiện hiệu quả các giải pháp ngăn chặn bệnh lở mồm long móng bùng phát trở lại và hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy vừa có văn bản yêu cầu các ban đảng tỉnh, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các sở, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể tỉnh và các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy khẩn trương thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức của toàn hệ thống chính trị, người dân, đặc biệt là người chăn nuôi về những nguy hại của việc phát sinh dịch bệnh và tầm quan trọng, tính cấp bách buộc phải thực hiện các giải pháp phòng chống dịch. Vận động người dân tự giác khai báo dịch bệnh, không vứt gia súc bị bệnh, chết ra kênh rạch, môi trường xung quanh làm phát tán dịch bệnh; hướng dẫn người dân thực hiện hiệu quả các giải pháp xử lý triệt để mầm bệnh nhằm tránh lây lan dịch bệnh.
Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, nhất là Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn (heo) châu Phi; Công điện khẩn số 1237/CĐ-BNN-TY ngày 22-2-2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường kiểm soát, buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn để phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, Công văn số 979/UBND-KT ngày 6-3-2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường kiểm soát lợn nhập tỉnh giết mổ hoặc vận chuyển ngang qua tỉnh và các văn bản chỉ đạo khác của UBND tỉnh.
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo tập trung các nguồn lực, tăng cường công tác quản lý phòng chống dịch bệnh trên động vật nuôi; tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc, kiên quyết xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khắc phục một phần thiệt hại, ổn định sản xuất tại các khu vực xảy ra dịch bệnh.
Rà soát, củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật Thú y; chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, nhất là tại các khu vực đã xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng, các khu vực có nguy cơ cao; xây dựng kế hoạch ứng phó kịp thời khi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo hoặc báo cáo thiếu trung thực về tình hình dịch bệnh.
Giám sát chặt chẽ tình hình vệ sinh tiêu độc, lưu thông, vận chuyển, kinh doanh, giết mổ heo, sản phẩm từ heo...; kiên quyết không để xảy ra tình trạng heo ngoài tỉnh tạm nhập để được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch của Bến Tre rồi tái xuất sang các tỉnh, thành khác tiêu thụ.
Đảng ủy Công an tỉnh phối hợp với Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tập trung các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng, tăng cường nắm tình hình, tổ chức kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ heo, sản phẩm từ heo trái phép; có biện pháp giáo dục, tuyên truyền nhân dân khu vực biển, khu vực tiếp giáp các tỉnh biết không tham gia, không tiếp tay cho buôn lậu làm tăng nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh.
Các huyện ủy, thành ủy tập trung lãnh đạo, chủ động tổ chức phòng chống dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, thu gom, trung chuyển, giết mổ gia súc tại địa phương; tập trung chỉ đạo, giám sát nhân viên thú y tăng cường bám sát cơ sở, thực hiện nghiêm chức năng, nhiệm vụ theo quy định.
* Theo quan sát từ ngày 5 đến 13-3-2019, số lượng heo nhập về tỉnh qua chốt kiểm tra cầu Rạch Miễu khá nhiều, tổng số hơn 4.549 con; trong đó, heo về láng là 2.440 con, heo nuôi là 1.510 con và quá cảnh là gần 599 con.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phát đi văn bản gởi Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai và các tỉnh có liên quan về việc phối hợp trong công tác kiểm dịch vận chuyển heo vào tỉnh Bến Tre với mục đích giết mổ. Yêu cầu phối hợp trong công tác cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật với mục đích giết mổ vào tỉnh Bến Tre phải phù hợp với công suất giết mổ của lò.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã đính kèm văn bản trên với danh sách 7 cơ sở giết mổ và số lượng giết mổ/ngày trên địa bàn tỉnh; trong đó, các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Ba Tri, Chợ Lách, TP. Bến Tre mỗi huyện 1 cơ sở giết mổ và huyện Châu Thành 2 cơ sở giết mổ.
* Ngày 11-3-2019, Tỉnh ủy ban hành công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên heo. Theo đó, công văn yêu cầu thực hiện 6 đầu việc, đáng chú ý là nội dung giám sát chặt chẽ tình hình vệ sinh tiêu độc, lưu thông, vận chuyển, kinh doanh, giết mổ heo, sản phẩm từ heo; kiên quyết không để xảy ra tình trạng heo ngoài tỉnh tạm nhập để được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch của tỉnh rồi tái xuất sang các tỉnh, thành khác tiêu thụ.
PV - Thạch Thảo