Tăng cường công tác phòng chống mưa, bão trên địa bàn tỉnh

30/10/2020 - 07:04

BDK - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) cho biết, đã triển khai văn bản chỉ đạo, chủ động phòng tránh, ứng phó đề phòng ảnh hưởng của mưa lũ kết hợp với triều cường xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Sạt lở ở cồn Ngoài xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri. Ảnh: Hoàng Trung

Sạt lở ở cồn Ngoài xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri. Ảnh: Hoàng Trung

Các địa phương, đơn vị chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ triều cường, mực nước trên các sông, kênh rạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng triển khai ứng phó tại chỗ, đảm bảo an toàn cho lúa, hoa màu, các vùng cây ăn trái, diện tích nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, kiểm tra hệ thống đê bao, cống, bọng. Đặc biệt, đê bao các cồn, đê bao các vườn cây ăn trái, ngư trường. Tổ chức gia cố những nơi còn thấp, xung yếu, các khu dân cư đang sinh sống ven sông, những khu vực có nguy cơ sạt lở. Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến thông tin về tình hình mưa lũ, triều cường trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, tổ chức có liên quan đến chủ động phòng tránh, ứng phó.

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Bến Tre, tình hình mưa trên địa bàn tỉnh những tháng cuối năm 2020 cao hơn năm 2019. Cụ thể, khu vực các huyện phía Tây, gồm: Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và TP. Bến Tre phổ biến ở 1.500 - 1.700mm. Tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 15%.

Thời điểm kết thúc mùa mưa cuối tháng 11-2020, dự báo sẽ xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, sét và gió giật mạnh. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện từ 4 - 6 cơn, trong đó có khoảng 2 - 4 cơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam. Đặc biệt, tháng 11-2020 cũng là thời điểm xảy ra liên tục các đợt triều cường với mức đỉnh triều rất cao, cụ thể vào đợt từ ngày 30-10 đến 5-11-2020, từ ngày 13 đến 19-11-2020 và từ  ngày 28-11 đến 4-12-2020.

Thạnh Phú nằm cuối dải cù lao Minh. Toàn huyện có 36.244 hộ, với 150.499 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Để ứng phó với tình hình thời tiết như hiện nay, huyện đã tổ chức kiểm tra, ban hành các văn bản chỉ đạo các ban, ngành, doàn thể huyện, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 (ngày 2 và 3-8-2020), mưa giông, gió xoáy mạnh, đã ảnh hưởng và gây thiệt hại về nhà ở trên địa bàn huyện. Qua thống kê, toàn huyện có 2 căn nhà sập, 8 căn bị tốc mái. Đến nay, UBND huyện đã phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện và các ngành có liên quan hỗ trợ nhân dân khắc phục, sửa chữa các nhà bị tốc mái để ổn định cuộc sống. Đồng thời, huyện phối hợp vận động kinh phí để xây dựng mới các căn nhà bị sập.

Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương cho biết, UBND huyện tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền trong nhân dân, nhằm nâng cao ý thức ứng phó trước và trong mùa mưa bão, xâm nhập mặn năm 2020. Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện duy trì công tác trực. Huyện rà soát bổ sung phương án phòng chống bão mạnh và siêu bão và công tác sơ tán dân ở các xã. Kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn để đảm bảo ứng phó với mùa mưa bão.

Tranh thủ các nguồn vốn tiếp tục hỗ trợ một số lớp tập huấn về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho các xã ven sông, biển. Các ngành chức năng huyện thường xuyên theo dõi và khuyến cáo nhân dân thực hiện tốt lịch thời vụ phục vụ sản xuất cho phù hợp. Hướng dẫn khôi phục các vùng sản xuất bị ảnh hưởng, đặc biệt là diện tích nuôi thủy sản. “Thường xuyên kiểm tra các hệ thống đê bao, cống và bờ bao; kịp thời sửa chữa nếu xảy ra trường hợp hư hỏng; phối hợp vận hành hệ thống công trình thủy lợi, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất (có thể) thiệt hại trên cây trồng và vật nuôi”, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương cho biết.

Một đoạn đê bao cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách bị sạt lở. Ảnh: Thanh Đồng

Một đoạn đê bao cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách bị sạt lở. Ảnh: Thanh Đồng

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, thời gian qua, tình hình sạt lở bờ sông, rạch xảy ra ở các vị trí giáp sông Hàm Luông và Cổ Chiên. Nghiêm trọng nhất là các ấp Phú Hòa - Hòa Thận - Lộc Hiệp, xã Vĩnh Bình, đoạn kè đan ven sông Chợ Lách, đê Cái Hàng, xã Hưng Khánh Trung B, đê Hòa I xã Vĩnh Hòa… và các đê cồn. Hiện đê bao của huyện đảm bảo chống lũ cơ bản an toàn. Tuy nhiên, công tác trữ nước còn nhiều hạn chế, do hệ thống kênh rạch bị bồi lắng, công tác nạo vét có thưc hiện nhưng chưa tập trung, nắp cống trong trữ nước chưa được thực hiện đồng bộ.

Phương án ứng phó bão, lũ tại Chợ Lách trong thời gian tới là tiếp tục gia cố tôn cao các đê, bờ bao. Đặc biệt, huyện quan tâm đê bao các cồn và khu vực ven sông lớn, khoảng 80km đê cần tôn cao. Đồng thời, vận động chằng, neo nhà cửa, cắt tỉa cành cây quanh nhà.

C. Trúc - Th. Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích