Tăng cường công tác quản lý về bảo vệ môi trường

30/09/2024 - 05:32

BDK - Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh xem môi trường là điều kiện, yếu tố tiên quyết cho phát triển. Hiện nay, công tác BVMT tại tỉnh tiếp tục được tăng cường quản lý, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh khảo sát bãi rác huyện Thạnh Phú.

Kiểm soát chất lượng môi trường

Thời gian qua, ngành chuyên môn và cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tích cực quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường, góp phần nâng dần Chỉ số BVMT (PEPI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Văn Ngoan cho biết: Chỉ số PEPI của tỉnh năm 2020 là 53,47 điểm, thuộc nhóm trung bình trong cả nước. Năm 2021, chỉ số nâng lên 66,27 điểm, đứng vị trí 27/63 các tỉnh, thành. Năm 2022 là 63,7 điểm, đứng vị trí 10/63 các tỉnh, thành. Chỉ số PGI từ vị trí 62/63 tỉnh, thành vào năm 2022, tỉnh đã phấn đấu đạt 22,53 điểm, xếp vị trí 19/63 tỉnh, thành vào năm 2023, tăng 43 bậc so với năm 2022.

Để tiếp tục nâng cao các chỉ số PEPI, PGI cũng như triển khai hiệu quả Luật BVMT năm 2020, tỉnh đang tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT. Tỉnh đặt ra chỉ tiêu đến cuối năm 2025 phải triển khai thực thi có hiệu quả Luật BVMT. Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ BVMT thành phần (nước, không khí và đất), kiểm soát chất thải, bảo vệ đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phấn đấu nâng tỷ lệ 95% các cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý nước thải đạt theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Cơ sở sản xuất có lưu lượng xả thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động theo quy định đạt 100%.

Phấn đấu có 2 cụm công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; 2 khu đô thị (TP. Bến Tre, thị trấn Châu Thành) xây dựng được hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Các khu công nghiệp, đô thị và thương mại đầu tư mới phải hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động chính thức. Duy trì 100% nước thải và rác thải y tế được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Xử lý và hạn chế được ô nhiễm do rác thải sinh hoạt. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải đô thị đạt 95%, nông thôn 70%. Phân loại rác thải tại nguồn chiếm tỷ lệ 70%. Tỷ lệ rác thải nhựa được thu gom, tái chế chiếm tỷ lệ trên 50%. Tỷ lệ sử dụng túi nylon, bao bì thân thiện môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên 90%. Tỷ lệ các khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch khách sạn không sử dụng túi nylon, nhựa khó phân hủy trên 90%.

Theo Phó giám đốc Sở TN&MT Võ Văn Ngoan, từ quan điểm tiếp cận của Luật BVMT năm 2020, coi trong chất thải có phần tài nguyên, với mục tiêu tận dụng tối đa giá trị của các sản phẩm thải bỏ và thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn cho sự phát triển bền vững. Để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh tập trung nâng cao năng lực về BVMT ở các cấp, ngành và ý thức BVMT trong người dân. Hướng tới xây dựng xã hội có trách nhiệm, hành động BVMT để cơ bản kiểm soát được các nguồn xả thải, giải quyết các vấn đề ô nhiễm. Từ đó, tiến dần đến xây dựng môi trường tỉnh xanh - sạch - đẹp.

Mục tiêu phát triển bền vững

Với những nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong công tác BVMT, thời gian qua, các ngành chuyên môn đã và đang phối hợp giải quyết đối với Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre và khẩn trương tái cơ cấu nhà máy. Cụ thể, xây dựng Nhà đốt chất thải rắn phát điện. Đối với các địa phương tập trung xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác các huyện, xóa bỏ bãi rác ở các xã, các điểm đen về rác thải; kiểm soát hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường từ khói than thiêu kết.

Theo Phó giám đốc Sở TN&MT Võ Văn Ngoan, để triển khai Luật BVMT 2020, tỉnh sẽ tranh thủ các nguồn tài chính đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh. Giải quyết ô nhiễm môi trường các kênh, rạch trong nội ô đô thị. Ưu tiên trước hết cho TP. Bến Tre phấn đấu vào năm 2030 là đô thị thông minh, hiện đại, tiên tiến trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ không để hình thành các khu đô thị mới, khu dân cư mà không đảm bảo hạ tầng môi trường về thoát nước, thu gom và xử lý nước thải tập trung.

Theo lộ trình, sau năm 2025, tỉnh áp dụng tính tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác trên khối lượng rác thải phát sinh thông qua túi rác được phân loại tại nguồn. Cùng với đó, tỉnh sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vứt rác ra môi trường, không thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

Phó giám đốc Sở TN&MT Võ Văn Ngoan cho biết thêm, một mục tiêu hướng đến là giảm thiểu rác thải nhựa. Theo chức năng, nhiệm vụ phân công, ngành TN&MT, cơ quan liên quan và địa phương sẽ tăng cường quản lý rác thải nguy hại trong hoạt động sản xuất, bao bì vỏ thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Tương lai tiến đến thu gom, xử lý rác thải nguy hại trong hộ gia đình. Từng bước đẩy mạnh thực hiện kinh tế tuần hoàn. Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ BVMT đối với dự án đầu tư mới thông qua thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cương quyết từ chối tiếp nhận, đầu tư dự án gây ô nhiễm môi trường.

“Công tác phân loại rác thải tại nguồn hiện chưa được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn chỉ đạt 25%, còn thấp so với yêu cầu. Trong thu gom chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều khu vực nông thôn. Các quy định về định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý còn thiếu. Trong xử lý công nghệ chôn lấp vẫn là chủ yếu (76%). Nguồn vốn từ khu vực tư nhân còn khiêm tốn, 75% cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt được Nhà nước hỗ trợ vận hành. Dù vậy, với mục tiêu được xác định, tỉnh quyết tâm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý môi trường, góp phần tạo môi trường xanh, sạch và đáng sống cho người dân”.

(Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Văn Ngoan)

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN