Tăng cường công tác thú y thủy sản và phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản

25/03/2022 - 12:36

BDK.VN - Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, trong năm 2021 diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại là 565,92 ha, trong đó có 41ha nhuyễn thể và 524,92 ha tôm nuôi do dịch bệnh.

Nuôi tôm biển ở Ba Tri.

Nuôi tôm biển ở Ba Tri.

Từ đầu năm 2022 đến nay, các bệnh nguy hiểm nêu trên đã gây thiệt hại 59ha tôm nuôi và đang có chiều hướng lây lan nhanh, đồng thời kết quả thông tin quan trắc môi trường dịch bệnh tại các kênh rạch trong thời gian gần đây đã phát hiện mầm bệnh tôm (đốm trắng, hoại tử cơ quan tạo máu, cơ quan biểu mô và hoại tử gan tụy cấp tính) chiếm tỷ lệ khá cao so với cùng kỳ năm 2021.

Nguyên nhân do hộ nuôi xử lý tôm chết, nghi mắc bệnh chưa đúng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y; chưa kiểm soát hiệu quả việc sử dụng hóa chất, thuốc thú y; công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh thuốc thú y chưa mang lại hiệu quả; công tác quản lý chất lượng giống còn mang tính hình thức, chưa kiểm soát được chất lượng giống nhập về các vùng nuôi của tỉnh. Những tồn tại, bất cập nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất và tổ chức phòng, chống dịch bệnh.

Để ngăn chặn có hiệu quả, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tăng cường công tác giám sát dịch bệnh thủy sản, đặc biệt tại các vùng nuôi thủy sản trọng điểm nhằm theo dõi, nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh, hiện tượng thủy sản chết bất thường để thống kê, báo cáo chính xác thực trạng dịch bệnh; tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm xác định nguyên nhân, điều tra dịch tễ, tổng hợp, báo cáo theo đúng quy định; hướng dẫn các giải pháp xử lý cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát chủ động dịch bệnh, quan trắc môi trường để kịp thời cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp xử lý hiệu quả. Tăng cường quản lý chất lượng nguồn nước cấp, hướng dẫn xử lý nước thải, chất thải, hỗ trợ người nuôi tôm biển hóa chất xử lý ao nuôi bị bệnh kịp thời, không làm ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi kết quả giám sát dịch bệnh và quan trắc môi trường giữa Chi cục Chăn nuôi và Thú y và Chi cục Thủy sản, đảm bảo thống nhất số liệu về hiện trạng sản xuất, nuôi và dịch bệnh.

Tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền việc xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản để xuất khẩu. Xây dựng các mô hình cơ sở nuôi tôm biển an toàn dịch bệnh theo kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Tin, ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN