Tăng cường giám sát thực hiện “3 tại chỗ”

04/08/2021 - 06:12

BDK - Trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, tại 2 khu công nghiệp của tỉnh có 34 doanh nghiệp (DN) đăng ký và đáp ứng yêu cầu thực hiện “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ). Hầu hết các DN đều sắp xếp, bố trí giảm lực lượng lao động tại các khâu sản xuất từ 50 - 75%. Trong đợt giãn cách xã hội tiếp theo, có 2/34 DN ngừng hoạt động.

Các doanh nghiệp sắp xếp, bố trí giảm lực lượng lao động tại các khâu sản xuất từ 50 - 75%. Ảnh: C. Trúc

Các doanh nghiệp sắp xếp, bố trí giảm lực lượng lao động tại các khâu sản xuất từ 50 - 75%. Ảnh: C. Trúc

Tổng số lao động thực tế tại 34 DN hơn 33 ngàn người. Khi triển khai phương án “3 tại chỗ” trong đợt đầu tiên, 34 DN này bố trí cho lao động ở lại DN để tiếp tục sản xuất, với hơn 6.700 người. Điển hình như Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới 488/1.230 lao động, Công ty cổ phần Sản xuất thương mại Phương Đông 139/300 lao động, Công ty TNHH Thế Giới Việt 688/1.087 lao động ở lại làm việc. Số lao động còn lại được DN cho tạm nghỉ ở nhà để giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Ông Đoàn Viết Hồng - Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cho biết, đợt giãn cách thứ hai còn lại 32 DN thực hiện “3 tại chỗ”, 2 DN tạm dừng hoạt động. Ban Quản lý cũng đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Công đoàn ngành kiểm tra một số DN. Kết quả cho thấy, phần lớn các DN đạt yêu cầu. Ban Quản lý đã có công văn nhắc nhở, yêu cầu một số DN thực hiện nghiêm túc “3 tại chỗ”.

Ngoài 2 DN tạm dừng hoạt động, còn một số DN xin phép cho DN tạm dừng một phần. Đến thời điểm hiện nay, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đã chấp thuận cho 700 công nhân về nhà.

“Đối với DN ngừng sản xuất hoặc người lao động ngừng làm việc tại DN để trở về nhà thì theo quy định, DN phải thông báo cho Ban nắm danh sách, địa chỉ cụ thể nơi đi, nơi đến, lộ trình và thông báo cho các huyện, thành phố biết ngay. Công nhân trên đường đi về có 2 loại giấy tờ bắt buộc là thông báo đường đi, đường đến và giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính trong thời gian còn hiệu lực”, ông Đoàn Viết Hồng cho biết.

Hiện nay, có trường hợp một số công nhân không phải người tại Bến Tre và có nhu cầu về quê, Ban sẽ phối hợp với Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh, nắm chắc danh sách để vận động họ tiếp tục ở lại trong thời gian này.

Đối với những công nhân đang ở trọ, muốn về địa phương thì có giấy xét nghiệm nhanh âm tính, xin giấy đi đường ở xã. Vì thế, các xã có quản lý nhà trọ cần quan tâm phối hợp, nắm danh sách để xác nhận cho những trường hợp này có giấy đi đường. Vấn đề hiện nay, các khu công nghiệp tỉnh cần Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các DN có ca F0 để tiếp tục cách ly.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ nhấn mạnh: Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cần tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực hiện “3 tại chỗ” tại các DN. Kiên quyết cho dừng hoạt động đối với DN không đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ” hoặc thực hiện thiếu thực chất. DN nào thực hiện “3 tại chỗ” nhưng không đảm bảo, tiếp tục để xảy ra trường hợp dương tính Covid-19 thì phải xử lý ngay, không để ảnh hưởng tình hình chung về công tác phòng chống dịch của tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Y tế quan tâm ưu tiên nguồn vắc-xin cho công nhân lao động.

C. Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích