Tăng cường hướng nghiệp cho học sinh

03/08/2018 - 07:30

BDK - Nhiều phụ huynh và học sinh cứ nghĩ “không đỗ vào lớp 10 công lập coi như tương lai của các em sẽ khép lại”; trong khi đó, chọn con đường học nghề ở các trường trung cấp, cao đẳng giúp các em học nhanh, mau có việc làm nhưng ít được quan tâm.

Học sinh THPT huyện Bình Đại được giới thiệu ngành nghề đào tạo tại Trường Cao đẳng Đồng Khởi nhân chuyến tham quan trường.

Học sinh THPT huyện Bình Đại được giới thiệu ngành nghề đào tạo tại Trường Cao đẳng Đồng Khởi nhân chuyến tham quan trường.

Trường nghề khó tuyển sinh

L.T.P là học sinh giỏi của Trường THCS Vĩnh Phúc, TP. Bến Tre, kỳ thi vào lớp 10 công lập mới đây, kết quả không đủ điểm, P. trượt trong sự ngỡ ngàng của gia đình, giáo viên và bạn bè. Cha mẹ đã trách P. rất nhiều và em quyết định đi làm kiếm tiền. Bên cạnh đó, không ít phụ huynh đã chọn, nhắm sẵn một tiệm uốc tóc, hàn tiện nào đó gần nhà hay trong bà con thân thuộc để gửi con học nghề phòng khi con em trượt lớp 10.

Đối với nhiều phụ huynh và học sinh, trượt lớp 10 đồng nghĩa với “cánh cửa cuộc đời” khép lại và các em chỉ còn con đường đi làm thuê, làm mướn, gia đình nào khá giả thì cho đi học đại một nghề nào đó, thường thì nữ học uốn tóc, nam học nghề hàn tiện nhôm, sắt. Trong khi đó, công tác tuyển sinh tại các trường trung cấp, cao đẳng ở tỉnh khá khó khăn. Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bến Tre cho hay: “Trong tuyển sinh THCS, THPT vào học sơ cấp, trung cấp, cao đẳng gặp nhiều khó khăn. Năm 2017, trường chỉ tuyển sinh được 54% chỉ tiêu đào tạo các ngành ở sơ cấp, trung cấp mặc dù trường đào tạo rất nhiều ngành ở các lĩnh vực y dược, văn hóa nghệ thuật, du lịch, nông lâm thủy sản, kinh tế tài chính, kỹ thuật công nghiệp, ngoại ngữ tin học”. Mối quan ngại chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng, trung cấp, sơ cấp không đạt trong năm 2018 còn cao hơn những năm trước, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo không đưa ra mức điểm ngưỡng vào đại học.

Bên cạnh đó, Trường Cao đẳng Đồng Khởi, thời gian qua, nhà trường đã thực hiện nhiều hình thức quảng bá cơ hội học nghề đến học sinh, phụ huynh như: phối hợp với các trường THPT tổ chức cho học sinh chuyến thăm trường, trải nghiệm 1 ngày làm sinh viên, tư vấn dưới cờ tại các trường; thậm chí đến gõ cửa từng nhà vận động học sinh đi học. Anh Nguyễn Đức Hòa - Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường Cao đẳng Đồng Khởi cho biết, các giáo viên của trường đã đến gõ cửa từng nhà để kêu gọi các em học sinh vào trung cấp, cao đẳng học nghề chính quy nhưng cứ 10 em thì chỉ có 1 em ra lớp nhưng là vào học ở trung tâm giáo dục thường xuyên chứ không vào học nghề.

Tư vấn hướng nghiệp

Lý giải nguyên nhân vì sao phụ huynh và học sinh ít chọn vào học trung cấp, cao đẳng, chúng tôi nhận được câu trả lời khá giống nhau từ đại diện Phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và ban giám hiệu một số trường cao đẳng, đó là tư tưởng trọng bằng cấp còn khá nặng nề, “cái mác” đại học vẫn hấp dẫn hơn là trung cấp, cao đẳng. Việc đào tạo nhân lực hiện nay phải theo hình tháp thì mới đúng thực chất, đó là số lượng học đại học phải ít hơn số học cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nhưng thực tế ngược lại; tình trạng “thừa thầy - thiếu thợ” đang diễn ra và lượng sinh viên đại học tốt nghiệp ra trường không có việc làm là rất nhiều. Nếu tình trạng này tiếp diễn, lao động Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà, nhường chỗ cho lao động có tay nghề của các nước khác và trở thành lao động phổ thông.

Những người làm công tác quản lý cho rằng, công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh thường diễn ra vào giữa học kỳ 2 của năm cuối cấp, không có đội ngũ giáo viên chuyên về hướng nghiệp, thời lượng cho công tác hướng nghiệp tại nhà trường ít, 1 tháng có 1 tiết; chưa kể nhiều giáo viên chỉ làm qua loa, không xem trọng công tác hướng nghiệp nên phụ huynh và học sinh thiếu thông tin lựa chọn con đường học nghề.

Đào tạo theo nhu cầu

Thống kê của Trường Cao đẳng Đồng Khởi cho thấy, 98% sinh viên, học sinh của trường sau khi tốt nghiệp đều có việc làm. Thạc sĩ Ngô Quốc Phong - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đồng Khởi bày tỏ: “Chúng tôi đào tạo theo nhu cầu, đơn hàng của doanh nghiệp nhưng thường không tuyển sinh được đủ số lượng theo yêu cầu”.

Là doanh nghiệp chuyên thiết kế, tư vấn giám sát, thi công trong ngành điện, anh Lê Thanh Hải - Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Việt Hiệp Thành (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Mười mấy năm rồi tôi tuyển rất nhiều kỹ sư ngành điện nhưng các bạn không làm được việc, các kỹ sư này thầy cũng không phải thầy mà thợ cũng không phải thợ, cứ dở dở ương ương, tôi rất nản. Rút kinh nghiệm, bây giờ doanh nghiệp của tôi không tuyển kỹ sư nữa, mà sinh viên cao đẳng đã qua thực tế đào tạo lại rất được việc”. Đội ngũ lao động của công ty trên 60 người, hầu hết là lao động đã qua đào tạo từ các trường cao đẳng ở Bến Tre. “Với kiến thức cơ bản của trường cung cấp, tôi chỉ cần kèm các em 1 - 2 tuần là làm được hết, mức lương cho các em mới ra trường là 300 ngàn đồng/ngày và chúng tôi vẫn luôn thiếu nhân lực như vậy” - anh Hải cho biết.

Em Trần Minh Chiến, sinh 1995, ngụ xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh trong ngành điện nói: “Chọn học cao đẳng, thời gian học ngắn, ra trường lại có việc làm ngay, hiện em có mức lương cơ bản từ 10 - 12 triệu đồng/tháng sau khi vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Đồng Khởi”. Được biết, theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, Nhà nước có chính sách ưu đãi cho học sinh THCS vào trung cấp được miễn học phí, các em còn được học lên cao đẳng.

Quyết định số 522/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, theo đó, mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%; phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN