Tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên động vật

15/12/2021 - 06:14

BDK - Theo nhận định của cơ quan chức năng, nguy cơ dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản và bệnh dại trong thời gian tới còn rất cao. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật năm 2022 trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh trên động vật, góp phần bảo vệ sản xuất chăn nuôi và sức khỏe cộng đồng.

Kiểm soát tốt dịch bệnh tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi.

Kiểm soát tốt dịch bệnh tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi.

Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có xảy ra một số ổ dịch như: bệnh lở mồm long móng (LMLM) xuất hiện 1 ổ dịch tại xã Phú Long, huyện Bình Đại với 1 hộ chăn nuôi có bò bệnh (3 con bệnh trên tổng đàn 5 con), ổ dịch nhanh chóng được khống chế, không lây lan diện rộng. Xuất hiện bệnh viêm da nổi cục (VDNC) với 778 con bò mắc bệnh ở 522 hộ thuộc 141 ấp, 50 xã, 8 huyện, thành phố, có 184 con bò bị chết do bệnh đã được tiêu hủy. Ngoài ra, trong tháng 9 và tháng 11-2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) với 3 ổ dịch tại xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam và xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc với 629 con heo bệnh ở 3 hộ (tổng đàn 881 con), đã thực hiện tiêu hủy 629 con.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, nguy cơ dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản và bệnh dại ở chó, mèo trong thời gian tới còn rất cao do mầm bệnh đã và đang lưu hành trong đàn vật nuôi và ngoài môi trường. Đặc biệt đối với bệnh DTHCP và VDNC là bệnh nguy hiểm nhất, có tốc độ lây lan cao.

Hiện UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhằm tăng cường quản lý chăn nuôi, giám sát và kiểm soát dịch bệnh để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh trên động vật, góp phần bảo vệ sản xuất chăn nuôi và sức khỏe cộng đồng.

Về nội dung phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2022, UBND tỉnh quy định về việc tiêm phòng định kỳ do người nuôi tự bảo đảm kinh phí đối với các bệnh: bệnh ở trâu, bò như LMLM, VDNC; bệnh ở heo như LMLM, dịch tả heo, tai xanh; bệnh ở gà như cúm gia cầm (thể độc lực cao), niu-cát-xơn; bệnh ở vịt, vịt xiêm như cúm gia cầm (thể độc lực cao).

Các chương trình tiêm phòng bắt buộc có hỗ trợ vắc-xin áp dụng trong trường hợp: lượng vắc-xin LMLM, tai xanh, VDNC dự trữ chống dịch trong năm 2021 không sử dụng hết được chuyển sang chương trình tiêm phòng bắt buộc và Nhà nước hỗ trợ vắc-xin, áp dụng cho quy mô chăn nuôi nông hộ thuộc khu vực có ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao trong năm 2022.

Nội dung kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2022 có mục tiêu chung là tổ chức phòng bệnh, khống chế và kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi và xây dựng cơ sở sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Đáng chú ý là tỉnh sẽ xây dựng 6 mô hình nuôi tôm nước lợ an toàn dịch bệnh đối với các bệnh nguy hiểm trên tôm tại 3 huyện: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú.

Việc quản lý đàn chó, mèo cũng được UBND tỉnh quy định trách nhiệm đối với chủ nuôi chó, mèo như phải đăng ký, khai báo nuôi chó, mèo với UBND cấp xã. Cam kết không để chó chạy rông. Nếu để tình trạng chó thả rông cắn người thì phải chịu mọi chi phí tiêm phòng dại cho người bị chó cắn.

UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức quản lý, lập danh sách hộ nuôi chó. Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương để quyết định thành lập đội bắt chó thả rông, chó không đeo rọ mõm, chó nghi mắc bệnh dại, cưỡng chế tiêm vắc-xin dại cho chó. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính trong quản lý nuôi chó theo quy định của pháp luật.

Từ đầu năm đến cuối tháng 11-2021, trên địa bàn tỉnh có 9 trường hợp người tử vong liên quan đến bệnh dại động vật. Trong những năm qua, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh còn rất thấp (dưới 20% mỗi năm), đây là một trong những nguyên nhân làm cho dịch bệnh phát sinh và bùng phát mạnh vào năm 2021.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN