
Giới thiệu các sản phẩm từ Dự án AMD Bến Tre. Ảnh: T.Huyền
Qua giám sát giữa kỳ vào cuối năm 2017 và giám sát thường niên cuối năm 2018, đoàn chuyên gia IFAD đánh giá: Mặt được, khả năng đạt được các mục tiêu phát triển; tiếp cận mục tiêu và tầm bao phủ được đánh giá là đạt yêu cầu. Tiến độ thực hiện chung được đánh giá tương đối đạt yêu cầu. Dự án cơ bản đi đúng trọng tâm và phát huy tác dụng, đáp ứng mục tiêu, đạt nhiều kết quả hữu hiệu trên các lĩnh vực tác động; nhất là về phạm vi, quy mô và tác động vào nhóm đối tượng mục tiêu; góp phần xây dựng năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) cho các nhóm thụ hưởng; đầu tư các hoạt động tạo sinh kế bền vững cho nông dân, tăng thu nhập và tác động giảm nghèo; tăng năng lực về lập kế hoạch SEDP thích ứng và quản lý tri thức.
Thích ứng với BĐKH được đánh giá là đạt yêu cầu. Nguồn nhân lực sẵn có ở các cấp, các ngành đã được tận dụng và tham gia mạnh hơn, nhiều hơn đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động dự án và thực hiện đa dạng sinh kế, nhân rộng các mô hình nông nghiệp, phi nông nghiệp.
Các hoạt động chuỗi giá trị với sự tham gia của các đối tác liên quan đã được thực hành ngày càng rõ nét hơn trong các hoạt động dự án, các mô hình trình diễn, các quỹ đầu tư, nhất là Quỹ CFAF và lồng ghép chặt chẽ với Quỹ WDF. Nhiều mô hình nông nghiệp và phi nông nghiệp đạt kết quả, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người nghèo, cận nghèo. Các hoạt động liên kết với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp được tăng cường trong và ngoài phạm vi của dự án.
Các quỹ đầu tư CFAF gắn với WDF, PPP và CIF được triển khai đồng bộ, giúp đa dạng sinh kế theo hệ thống canh tác nông nghiệp, tạo sản phẩm mới và việc làm cho lao động nông thôn. Chất lượng công tác quản lý dự án, công tác quản lý tài chính và tỷ lệ giải ngân đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại cần được quan tâm giải quyết hiện nay và trong giai đoạn còn lại của dự án. Đó là mối liên kết giữa các hợp phần và tiểu hợp phần chưa được thúc đẩy một cách hệ thống và có thể bỏ qua cơ hội phối hợp thực hiện. Việc tiếp cận nguồn vốn cho các nhóm hoặc các công ty để bù đắp rủi ro trong việc áp dụng các hoạt động BĐKH nên trở thành trọng tâm của dự án. Tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác công tư với trọng tâm là liên kết các nhà sản xuất chủ chốt để tăng cường các chuỗi giá trị của địa phương. Một số can thiệp của dự án chỉ đóng góp gián tiếp vào hoạt động thích ứng với BĐKH. Nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH ra ngoài nhóm mục tiêu. Tăng cường chức năng quan trắc độ mặn và chất lượng nguồn nước bằng cách xây dựng cơ chế đồng vận, phối hợp giữa hai phương thức hiện đang được dự án tài trợ. Hỗ trợ thêm cho các cơ quan, sở ngành, địa phương để chuẩn bị kế hoạch hành động thích ứng với BĐKH theo ngành và chu kỳ tiếp theo của quy trình lập kế hoạch trung hạn (2021 - 2025). Đến nay, chưa có nhiều hoạt động phối hợp với các sáng kiến và dự án khác để đảm bảo rằng các can thiệp tài trợ của Dự án AMD có thể được nhân rộng thông qua các chương trình khác. Cần chú trọng hơn đến việc cải thiện định hướng mục tiêu và nhân rộng, cũng như bàn giao trách nhiệm cho các cơ quan đối tác; kế hoạch công tác và ngân sách các tháng còn lại của năm 2019.
Trọng tâm của kế hoạch hành động các tháng còn lại của năm 2019 là chú trọng thực hiện kế hoạch phát triển 8 chuỗi giá trị cấp tỉnh và 10 chuỗi cấp huyện gắn với triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ và người dân, các quỹ đầu tư sinh kế và công trình (CIF) phục vụ phát triển chuỗi. Tập trung nâng cao năng lực thích ứng cho các bên liên quan trong lập kế hoạch kinh tế - xã hội lồng ghép BĐKH, kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai cấp xã; năng lực nghiên cứu, xây dựng các đề xuất tạo sinh kế bền vững thích ứng BĐKH và các kỹ năng quản lý dự án. Tiếp tục thực hiện các nghiên cứu thích ứng mới… |
Vũ Tiến