Tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

07/03/2013 - 15:15

Từ đầu năm đến nay, tuy không có phát sinh ổ dịch tai xanh ở heo nhưng nguy cơ lây lan, phát sinh dịch bệnh rất cao. Nguyên nhân do 2 năm qua trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh nên xuất hiện tình trạng chủ quan, lơ là của người chăn nuôi, đặc biệt là hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ chưa tự giác mua vắc-xin tai xanh để tiêm phòng cho đàn heo nuôi.

Về việc này, Thạc sĩ Phan Trung Nghĩa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, hiện nay, Nhà nước chỉ hỗ trợ tiêm vắc-xin cho heo sinh sản. Các địa bàn chăn nuôi tập trung có nguy cơ xảy ra dịch cao là Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm.

Để chủ động phòng ngừa và kịp thời phát hiện, dập tắt các ổ dịch có thể xảy ra, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và bệnh tai xanh ở heo. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo hệ thống chuyên ngành, phối hợp với chính quyền địa phương, mạng lưới thú y cơ sở chủ động thu thập thông tin, tổ chức kiểm tra nhằm sớm phát hiện các trường hợp có bệnh hoặc nghi nhiễm để có biện pháp xử lý, bao vây kịp thời; tổ chức tiêm phòng đầy đủ các bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm theo quy định, nhất là vùng có nguy cơ cao. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên tổ chức các hoạt động kiểm tra liên ngành để kiểm soát chặt chẽ, xử lý kịp thời các trường hợp lén lút vận chuyển gia súc, gia cầm từ ngoài tỉnh vào hoặc giết mổ, mua bán nhưng chưa qua kiểm soát của cơ quan thú y. Có kế hoạch triển khai tháng tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trong tháng 3-2013. UBND các huyện, thành phố kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm từ huyện đến xã. Phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo để theo dõi chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch, ứng phó kịp thời với các diễn biến dịch. Huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống cũng như tổ chức lực lượng thường trực, bố trí sẵn nhân lực, vật tư, kiểm tra giám sát dịch bệnh. Thực hiện theo phương châm “Phòng là chính, cơ sở là chính, người dân là chính”. 

Theo Chi cục Thú y, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã chủ động tham mưu UBND tỉnh thực hiện 6 kế hoạch phòng, chống dịch, đồng thời phê duyệt kinh phí để Chi cục chuẩn bị đầy đủ vắc-xin, vật tư thiết bị phục vụ công tác phòng, chống và ứng phó khi có dịch. Chi cục có kế hoạch tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng từ ngày 15-3 đến hết tháng 3-2013, đồng thời tổ chức kiểm tra giám sát các huyện chăn nuôi trọng điểm. Thạc sĩ Phan Trung Nghĩa cũng đặc biệt lưu ý: Hiện nay tình hình xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe đàn vật nuôi. Người chăn nuôi cần chủ động dự trữ nguồn nước. Khi dịch tiêu chảy xảy ra, bà con cần phối hợp với nhân viên Thú y xã để tích cực điều trị. 

C. TRÚC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN