Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Chỉ thị số 2631 về việc tăng cường quản lý hoạt động nghề cá trên biển. Theo đó, đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thành lập lực lượng liên ngành đồng loạt ra quân kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hoạt động sai vùng,
vi phạm các quy định về ngư cụ khai thác, sử dụng nguồn sáng có công suất vượt quá quy định, khai thác thủy sản ở các vùng cấm, đối tượng cấm và các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp khác. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt ở mức cao nhất theo Nghị định số 31 của Chính phủ.
Các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường ngăn chặn và xử lý nghiêm các chủ tàu, thuyền trưởng, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố tổ chức cho tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài; đồng thời, xử lý nghiêm các tàu cá nước ngoài vào hoạt động và thu mua sản phẩm thủy sản bất hợp pháp trên các vùng biển của Việt Nam. Tăng cường kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh toàn bộ công tác đăng ký, đăng kiểm; rà soát, kiểm tra và có biện pháp trang bị thông tin tàu cá theo quy định, đảm bảo tàu cá có đủ điều kiện an toàn kỹ thuật và thiết bị thông tin mới được xuất bến hoạt động khai thác hải sản trên biển. Công tác đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và đào tạo nghề cho ngư dân cần phải được quan tâm. Xử lý nghiêm các chủ tàu vi phạm các quy định về đăng ký, đăng kiểm, trang bị phương tiện thông tin liên lạc và các cá nhân, đơn vị quản lý nhà nước lợi dụng chức vụ, quyền hạn tự đặt ra quy định trái phép gây khó khăn và thiệt hại cho ngư dân và doanh nghiệp.
Các cơ quan chuyên ngành tổ chức sản xuất trên biển theo mô hình tổ, đội sản xuất và mô hình đồng quản lý, hướng dẫn ngư dân đi khai thác thủy sản xa bờ tổ chức theo mô hình tổ, đội trên biển; hỗ trợ ngư dân xây dựng quy chế hoạt động và phương tiện để bảo đảm tổ hoạt động có hiệu quả. Chủ động ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân tham gia khai thác theo mô hình tổ, đội, đồng quản lý trong phạm vi của tỉnh, thành phố. Phát triển mô hình quản lý nguồn lợi thủy sản ven bờ dựa vào cộng đồng, khuyến khích cộng đồng và ngư dân cùng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản; giao mặt nước ven bờ cho chính quyền cấp huyện, cấp xã tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hình thức cộng đồng, chính quyền cùng quản lý.