Tạo “thế đứng” vững chắc để hội nhập

20/02/2019 - 09:38

BDK - Một số doanh nghiệp (DN) ở tỉnh đã và đang tự tạo cho mình một thế đứng vững chắc để hòa mình vào xu thế hội nhập với nền kinh tế thế giới. Không chỉ đầu tư thay dây chuyền sản xuất, nhiều DN còn tự chế tạo máy, xây dựng thương hiệu cho riêng mình trên bản đồ kinh tế quốc gia, thậm chí quốc tế.

Sản phẩm mặt nạ dừa qua máy soi, kiểm soát. Ảnh: T. Thảo

Sản phẩm mặt nạ dừa qua máy soi, kiểm soát. Ảnh: T. Thảo

Thay đổi dây chuyền sản xuất

Năm 2019 là năm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, cùng với các hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam đã thực thi, các DN Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển. Bước vào thời kỳ cạnh tranh không chỉ trong nước, các sản phẩm của tỉnh đang khẳng định thế đứng của mình trên thị trường quốc tế. Việc “chen chân” này không dễ dàng mà cần có tầm nhìn và sự đầu tư đúng hướng. Các DN tỉnh cho rằng, họ mạnh dạn đầu tư vì tin vào sản phẩm của mình chất lượng và muốn bạn bè thế giới biết đến mình.

Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long (công ty), Phường 8, TP. Bến Tre tiền thân là một hợp tác xã đã nâng lên thành DN. Quá trình từ một đơn vị chuyên cung cấp sản phẩm thô đến một DN có thương hiệu riêng và đi đầu trong lĩnh vực mỹ phẩm từ dừa ở tỉnh không đơn giản. Bà Trương Thị Cẩm Hồng - Giám đốc công ty đã mất hơn 10 năm nghiên cứu cho ra sản phẩm làm đẹp độc quyền “mặt nạ từ nước dừa thiên nhiên”. Sau hơn 5 năm sản xuất với số lượng ngày càng lớn, mặt nạ từ nước dừa thiên nhiên của công ty có bước đột phá khi vào thị trường mỹ phẩm Hàn Quốc vào năm 2014.

Trong 3 năm (2016 - 2018), công ty thay đổi 100% dây chuyền sản xuất. Công ty mở rộng mặt bằng sản xuất, tốn khoảng 3,2 tỷ đồng để chuyển đổi thiết bị sản xuất, công nghệ. Các thiết bị vận hành bằng tay đến nay được thay thế bằng thiết bị tự động, như: máy định hình sản phẩm, máy soi kiểm tra, đóng gói tự động. Riêng nồi hấp tiệt trùng có kinh phí khoảng 440 triệu đồng (trong đó Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ 195 triệu đồng). Đến nay, dây chuyền sản xuất mặt nạ dừa đã được đồng bộ, tăng năng suất từ 6 ngàn miếng mặt nạ/ngày lên 34 ngàn miếng/ngày. Song song đó, lượng nhân công giảm 30% so với trước khi thay dây chuyền sản xuất, thu nhập công nhân cũng tăng lên bình quân 1 triệu đồng/người/tháng.

Bà Trương Thị Cẩm Hồng cho biết: “Nhiều năm liên tiếp tôi đi khắp các hội chợ quốc tế chuyên về thiết bị công nghệ, không ai nhận đơn đặt hàng làm máy soi sản phẩm mặt nạ dừa vì sản phẩm này quá mới lạ”. Bà trở về Bến Tre thuê thợ cơ khí vào xưởng thực hiện công trình tự bà nghiên cứu “máy soi kiểm tra, phân loại sản phẩm mặt nạ dừa tự động”. Hơn 2 năm ròng rã, bà Hồng đã thành công, thiết bị vận hành như bà mong ước. Nhờ đó, sản phẩm mặt nạ dừa do công ty sản xuất có độ tương đồng, kiểm soát loại bỏ chính xác mặt nạ thủng, rách, biến dạng, sót tạp chất… và đạt độ an toàn cao. Sản phẩm mặt nạ dừa chinh phục được nhiều thị trường trong và ngoài nước.

Công nhân tại Công ty Lương Quới - An Định. Ảnh: Cẩm Trúc

Công nhân tại Công ty Lương Quới - An Định. Ảnh: Cẩm Trúc

Cần sự đồng hành

Không riêng gì thế mạnh ngành dừa, vùng trồng cây ăn trái rộng lớn ở tỉnh với diện tích 28.584ha, sản lượng trái cây thu hoạch cả năm ước đạt hơn 322 ngàn tấn trong năm 2018, tăng 3,75% so với năm 2017. Toàn tỉnh có 22 tổ hợp tác, tổ liên kết được chứng nhận GAP; trong đó, có 18 tổ được chứng nhận VietGAP, 4 tổ chứng nhận GlobalGAP.

Vùng trồng cây ăn trái chiếm số lượng lớn và đa dạng phải kể đến huyện Chợ Lách. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách đang trở thành DN tiên phong trong lĩnh vực cấp đông trái cây, thu gom trái cây xuất khẩu với số lượng lớn và đều đặn cho các thị trường như Trung Quốc, Mỹ… Cuối năm 2018, đã chính thức vận hành cấp đông một số sản phẩm trái cây đặc sản cung cấp cho thị trường quốc tế, nhà máy đóng gói có diện tích hơn 4.000m2, đạt tiêu chuẩn FSSC 22000, phục vụ sơ chế, chế biến, gia công đóng gói và cấp đông các sản phẩm trái cây đặc sản. Để thương hiệu trái cây Việt Nam vươn xa, công ty đang thực hiện mở rộng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, hợp tác với nông dân vùng trồng chuyên canh đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, code Mỹ cho ra sản phẩm an toàn, kiểm soát chất lượng từ khâu trồng đến thu hoạch, đóng gói.

Bà Ngô Tường Vy - Phó giám đốc công ty cho biết, thị trường chính ngạch Trung Quốc là mục tiêu chính mà công ty của bà đang nhắm tới. Theo bà Vy, Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng, họ cần sản phẩm có số lượng lớn, mỗi tháng có thể nhận từ 500 - 1.000 container trái cây của công ty nhưng phải đảm bảo có hàng đều đặn và trái cây phải chất lượng (có kiểm định, chứng minh nguồn gốc…). Nếu mình làm tốt, trái cây chất lượng thì không sợ rủi ro.

 

Đồng thời, bà Vy bày tỏ: Chúng tôi chỉ sợ là trái cây Bến Tre đụng hàng dội chợ khi thu hoạch cùng thời điểm với một số nước trong khu vực như chôm chôm chẳng hạn, vì nội chi phí vận chuyển của ta không thể cạnh tranh với các nước. Kế đến là kiểm soát chất lượng, cụ thể sầu riêng Việt Nam khó cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan bởi chúng ta chưa có thống nhất chung về độ già của sầu riêng khi cắt như người Thái đã làm. Thêm vào đó là nông dân không có thông tin giá cả thị trường trong nước và các nước trong khu vực có cùng sản phẩm...

Bước vào thời kỳ hội nhập, các DN cho rằng, họ cần Nhà nước đồng hành bằng việc cung cấp thông tin, sản lượng của sản phẩm cho DN và đối tác nước ngoài; điều tiết mùa vụ phù hợp với khu vực trong và ngoài nước; cung cấp thông tin giá cả thị trường trong và ngoài nước cho người nông dân; hỗ trợ DN thực hiện các dự án thay đổi thiết bị công nghệ và thủ tục hành chính khi chứng minh nguồn gốc sản phẩm…

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích