
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH May mặc Thiên Ân (Thạnh Phú). Ảnh: CTV
Nhu cầu tìm việc làm
Vào tháng 7-2021, hàng chục ngàn LĐ, thậm chí hàng trăm ngàn LĐ đã trở về quê Bến Tre theo đường được tổ chức đón và về tự phát. Hiện tỉnh chưa có thống kê chính xác về số LĐ chọn ở lại quê hương để làm việc, nhưng ước tính con số này không hề ít.
Chị Nguyễn Thị Quyên, ngụ huyện Thạnh Phú, có 13 năm ở TP. Hồ Chí Minh làm việc cho một công ty chuyên sản xuất, kinh doanh giày. Khi dịch Covid-19 bùng phát, chị Quyên đã trở về quê nhà và chọn ở lại địa phương. Chị nói: “Trước đây, tôi làm ở Công ty Pouyuen Việt Nam được 13 năm, tay nghề cũng có rồi, dịch quá nên tôi về quê. Rồi chính quyền địa phương mới giới thiệu cho tôi vào Công ty TNHH May mặc Thiên Ân ở quê. Hiện lương tôi cũng đã ổn định, với lại được gần cha mẹ, con cái, chứ ở TP. Hồ Chí Minh tôi chỉ sống có một mình”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhiên (Thạnh Phú) chia sẻ: “Làm ở TP. Hồ Chí Minh lương cao hơn so với ở quê vài triệu, nhưng tốn chi phí sinh hoạt như: tiền thuê phòng trọ, ăn uống nên tính ra dư không được bao nhiêu. Về quê làm tiền ít hơn nhưng có dư nhờ chi phí sinh hoạt ít và được gần con cái, gia đình”.
Hiện doanh nghiệp (DN) tuyển dụng khá nhiều LĐ có tay nghề trở về quê sau ảnh hưởng dịch Covid-19. Ông Đoàn Trung Thiên - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Thiên Ân (Thạnh Phú) cho hay: Người LĐ có tay nghề sẽ nhận 100% lương, chưa có tay nghề thì nhận 60% lương. Người LĐ làm việc ở quê có điều kiện chăm sóc gia đình nhiều hơn, buổi sáng đưa con đi học rồi đến chỗ làm, chiều đến về nhà lo cơm nước cho con cái và gia đình.
Dự báo xu hướng
Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát. Nhiều DN đã có những giải pháp sáng tạo, nỗ lực vượt khó, từng bước phục hồi sản xuất. Đồng thời, trong những tháng đầu năm 2022, DN bắt đầu triển khai chiến lược sản xuất, kinh doanh và tiến hành thực hiện kế hoạch tuyển dụng nhân sự cho việc mở rộng, phát triển DN. Do đó, thị trường LĐ quý II-2022 có nhiều triển vọng hơn so với cùng kỳ năm 2021. Nhu cầu tuyển dụng của các DN trong quý II-2022 là 6.043 người. Trong đó, ngành nghề tuyển dụng, gồm: dệt may - da giày cần tuyển 4.238 người, điện - điện tử 833 người, chế biến thủy hải sản 333 người, chế biến dừa 277 người và các ngành khác 362 người (dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, sản xuất giấy carton, than hoạt tính... ).
UBND tỉnh vừa có công văn gửi các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND các huyện, thành phố yêu cầu tiếp tục tăng cường tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người LĐ, đảm bảo hoàn thành trong tháng 8-2022. Thực hiện tốt các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân LĐ. Đẩy mạnh các giải pháp thực hiện chăm lo, bảo đảm đời sống cho người LĐ, tổ chức thông tin, điều tiết kết nối cung - cầu LĐ, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường LĐ.
Thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạnh Phú, việc tuyển dụng LĐ chọn ở lại quê nhà là cơ hội cho những DN có nhu cầu tuyển dụng, nhằm phục hồi, đẩy mạnh sản xuất. Bên cạnh đó, sau tình hình dịch Covid-19, phong trào đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài và tìm việc làm trên địa bàn huyện đã có bước chuyển biến tích cực. Số LĐ trong độ tuổi tham gia làm việc ở nước ngoài và tìm việc làm ngày càng tăng. Điều này cho thấy, nguồn cung LĐ của huyện khá dồi dào. LĐ trong độ tuổi chiếm hơn 70% trong tổng cơ cấu LĐ toàn huyện. Mỗi năm, huyện có từ 1,8 - 1,9 ngàn LĐ bước vào độ tuổi, đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các DN. |
Thạch Thảo