Tập trung đầu tư hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản

26/08/2022 - 05:41

BDK - Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quan tâm hỗ trợ cho tỉnh thực hiện một số dự án đầu tư hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS). Cụ thể, bộ đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng NTTS huyện Bình Đại. Các hạng mục gồm: nạo vét cải tạo hệ thống kênh rạch cấp thoát vùng nuôi tập trung xã Định Trung, đường giao thông, điện với tổng mức đầu tư 83,119 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách Trung ương 79,98 tỷ đồng, đối ứng địa phương 3,13 tỷ đồng đầu tư công tác giải phóng mặt bằng.

Chăm sóc tôm công nghệ cao ở xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại. Ảnh: Sơn Tùng

Chăm sóc tôm công nghệ cao ở xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại. Ảnh: Sơn Tùng

Dự án Hạ tầng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (CNC) huyện Ba Tri được Bộ NN&PTNT phê duyệt với mục tiêu đảm bảo hạ tầng giao thông, điện phục vụ sản xuất ổn định, bền vững cho vùng NTTS khoảng 2.000ha, trong đó có 500ha được quy hoạch nuôi tôm theo mô hình CNC tại xã Bảo Thuận và An Thủy với tổng vốn đầu tư 160 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương; ngân sách địa phương đối ứng về giải phóng mặt bằng 4 tỷ đồng. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm biển ứng dụng CNC huyện Bình Đại phục vụ phát triển cho khoảng 2.000ha nuôi tôm biển theo CNC phù hợp với quy hoạch phát triển thủy sản và nghị quyết của tỉnh đến năm 2025, hiện đang hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và kết hợp cảng cá Ba Tri, có tổng vốn đầu tư 253,282 tỷ đồng, thực hiện giai đoạn 2016 - 2021. Dự án đang hoàn thiện công trình, chuẩn bị bàn giao đưa vào vận hành.

Lĩnh vực NTTS phát triển khá mạnh, với hơn 50 ngàn ha tiềm năng nuôi thủy sản. Tốc độ tăng trưởng bình quân 1,3% giai đoạn 2017 - 2021. Những tháng đầu năm 2022, lĩnh vực thủy sản phát triển khá thuận lợi. Tổng diện tích thả giống tăng 12,9% so với cùng kỳ, trong đó nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh tăng 64,59%, sản lượng thu hoạch tăng 10,78%. Nuôi tôm biển ứng dụng CNC được người dân đầu tư khá về quy mô và ngày càng cải tiến hơn về khâu thiết kế kỹ thuật hạ tầng vùng nuôi. Một số doanh nghiệp, nhà đầu tư tận dụng hệ thống mái che của khu nuôi kết hợp đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời, góp phần chủ động nguồn điện và tiết kiệm chi phí trong sản xuất. Diện tích nuôi CNC đến nay đạt 2.380ha, đạt 80% so với kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 (kế hoạch 2.500ha), sản lượng nuôi đạt 24 ngàn tấn, đạt 60% kế hoạch. Nuôi cá tra đạt 720ha, tăng 7% so với cùng kỳ, sản lượng đạt 117 ngàn tấn, tăng 15% so với cùng kỳ, giá cá tra nguyên liệu đang ở mức rất cao (30 - 31,5 ngàn đồng/kg). Nhuyễn thể phát triển ổn định, việc duy trì chứng nhận MSC cho nghề quản lý khai thác và bảo tồn nguồn lợi nghêu giai đoạn 2009 đến nay là một lợi thế cạnh tranh rất lớn về thị trường tiêu thụ khó tính như châu Âu, Nhật Bản...

Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển NTTS đã đề ra, tỉnh đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương bằng các chương trình, nghị quyết của tỉnh như: Nghị quyết số 09/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc thông qua Chương trình phát triển thủy sản tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm tỉnh đến năm 2025, trong đó có phát triển 4.000ha nuôi tôm CNC đến năm 2025.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực NTTS còn gặp một số hạn chế nhất định. Hiện nay, tỉnh đang thiếu quỹ đất công để đầu tư các vùng nuôi CNC tập trung, vì vậy, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư gặp nhiều khó khăn. Hệ thống điện 3 pha phục cho vùng nuôi tôm tập trung còn hạn chế về nguồn lực. Hệ thống cấp thoát riêng biệt hiện nay chỉ đáp ứng cơ bản cho nuôi tôm thâm canh, nên việc phát triển loại hình nuôi CNC đòi hỏi hệ thống cấp thoát cần được nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới đáp ứng nhu cầu. Toàn tỉnh chỉ có 1 nhà máy chế biến tôm với công suất thiết kế 5.000 tấn/năm, hiện tại chỉ có thể đáp ứng được 10% sản lượng tôm biển nuôi của tỉnh.

“Tỉnh đang kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét hỗ trợ kinh phí để triển khai các dự án hạ tầng phục vụ NTTS trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đầu tư xây dựng hạ tầng vùng NTTS CNC huyện Thạnh Phú khoảng 300 tỷ đồng. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm biển CNC huyện Bình Đại khoảng 200 tỷ đồng. Nâng cấp dự án Cảng cá Bình Đại giai đoạn 2 với chi phí khoảng 250 tỷ đồng. Bộ NN&PTNT kiến nghị Tổng công ty Điện lực đầu tư trạm biến áp và mạng lưới điện 3 pha cho các vùng sản xuất tập trung, đáp ứng yêu cầu sản xuất cho người dân”.

(Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh)

Hoa Lê

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích