Tập trung đầu tư xây dựng các nhà máy nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

28/08/2015 - 07:09

Khảo sát xây dựng Nhà máy nước Thạnh Phú.

Chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) trong thời gian qua đã được tập trung đầu tư từ ngân sách nhà nước, được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế và người dân. Nhờ vậy, 100% các điểm trường chính trong toàn tỉnh và trạm y tế xã có đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nguồn vốn đầu tư cho NS-VSMTNT còn thấp so với nhu cầu mục tiêu đề ra, do các nhà đầu tư chỉ thực hiện ở những địa bàn thuận lợi như khu dân cư tập trung để thu hồi vốn nhanh.

Những công trình, dự án thiết thực

Ông Huỳnh Kim Mười - Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT đánh giá: Hiện nay, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 86%, tăng 1% so với kế hoạch chương trình đề ra. Trong đó, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 02 của Bộ Y tế đạt 41/45%; tỷ lệ hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 45,5/65%; hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 63/45%. Nguồn vốn đầu tư trong năm 2015 là 28,9 tỷ đồng. Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia NS-VSMTNT 13,36 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ nông thôn mới 5 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 3 tỷ đồng, nguồn vốn của Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ 4,14 tỷ đồng, Quỹ phát triển sự nghiệp của trung tâm nước 3,4 tỷ đồng.

Ban điều hành chương trình đã tập trung hoàn thành các dự án Nhà máy nước Châu Bình, công suất 60m3/h ngày đêm, phục vụ cho 2.223 hộ dân. Đầu tư mở rộng Nhà máy nước Thạnh Phú, từ 60m3/h lên 120m3/h, cấp cho khoảng 5.000 hộ dân ở 13 xã. Hiện đang thi công giai đoạn I Dự án cấp nước và vệ sinh dựa vào kết quả đầu ra do Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ tài trợ tại 9 điểm dự án, cung cấp cho 1.523 hộ dân. Chuẩn bị triển khai nhiều dự án khác như Nhà máy nước Hưng Phong, huyện Giồng Trôm; nâng cấp, mở rộng Nhà máy nước Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam từ 10 lên 80m3/h. Bổ sung thêm các hạng mục xử lý nước sạch ở Nhà máy nước ngọt Ba Lai từ 500m3/h lên 110m3/h để cung cấp nước sạch cho người dân huyện Bình Đại, Ba Tri. Dự kiến cuối năm 2015, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 87%. Riêng dự án vệ sinh nông thôn, dự kiến cuối tháng 11-2015 sẽ hoàn thành 170 nhà tiêu hợp vệ sinh cho 170 hộ nghèo tại 10 xã điểm trong tỉnh.

Một số khó khăn, Thách thức

Theo ông Huỳnh Kim Mười, vào mùa khô, nước mặn từ biển Đông xâm nhập sâu vào đất liền với hơn 2/3 diện tích toàn tỉnh, độ mặn 4%o cách các cửa sông từ 50 - 60km, có thời điểm độ mặn 1,2%o gần như bao phủ toàn tỉnh, làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Trong khi đó, nguồn nước ngầm trong tỉnh đều bị nhiễm mặn không đạt tiêu chuẩn sử dụng, ngoại trừ một vài khu vực Thạnh Phú, Châu Thành. Vì vậy, ngoài cung cấp nước từ các nhà máy nước lấy nguồn nước trên sông, rạch để xử lý, cung cấp cho người dân tại các khu tập trung dân cư, ven lộ thì việc cung cấp nước cho người dân sống phân tán, vùng sâu, len lỏi trong ruộng vườn rất khó khăn. Mặt khác, các xã đồng loạt đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và việc mở rộng tuyến ống làm ảnh hưởng đến mạng lưới cấp nước cho người dân. Một số công trình thiếu vốn đối ứng, làm chậm tiến độ.

Tại cuộc họp sơ kết đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình NS-VSMTNT (ngày 20-8-2015), ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận kết quả đạt được. Trong đó, 100% trường học, trạm y tế đảm bảo nước sạch, hố xí hợp vệ sinh là điều rất đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, kết quả này còn thấp. Công tác phối hợp triển khai chương trình còn nhiều bất cập, nhất là trong công tác huy động nguồn vốn. Vì vậy, các sở, ngành địa phương cần tiếp tục tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, các tổ chức xã hội khác, nguồn vốn tín dụng, huy động của các doanh nghiệp, vốn của dân; bố trí vốn ngân sách phù hợp cho các công trình, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực NS-VSMTNT. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, vấn đề bức xúc hiện nay của Bến Tre là biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng thể hiện rõ hơn, độ mặn tăng cao hơn. Ngành Nông nghiệp cần có phương án cụ thể để đối phó kịp thời, hiệu quả khi nước mặn bao phủ toàn địa bàn Bến Tre.

Bài, ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích