Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười phát biểu tại buổi làm việc.
Cùng tham dự có Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; Bưu điện tỉnh và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Bến Tre.
Tại buổi làm việc, các đại biểu thông tin, đề xuất những giải pháp tập trung cho công tác bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công; hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; nhất là công tác giải quyết việc làm, công tác đào tạo chuyển đổi ngành nghề, kết nối với các doanh nghiệp tổ chức cho người lao động trở lại làm việc kịp thời sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Bến Tre Nguyễn Thị Thủy thông tin thị trường lao động.
Đáng chú ý là thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre, hiện tỉnh có khoảng 11 ngàn người lao động thất nghiệp và đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó, có 3,3 ngàn người là lao động từ các tỉnh trở về quê. Để sớm đưa người lao động trở lại với thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre có một số giải pháp như: Thúc đẩy đơn vị phối hợp nhanh chóng xây dựng phần mềm, cập nhất số liệu thực tế để kết nối cung - cầu thị trường lao động; liên hệ trên 2,7 ngàn học sinh để tìm hiểu nhu cầu làm việc, học nghề đối với những em không vào đại học, cao đẳng.
Theo đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp, hiện có 38/44 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, với 14,7 ngàn công nhân đang làm việc (trong khoảng 35 ngàn công nhân làm việc trước khi có dịch Covid-19 xảy ra vào tháng 7-2021). Dự báo năm 2021, tỉnh thiếu khoảng 8 ngàn lao động, dịch Covid-19 khiến người lao động làm việc ngoài tỉnh trở về quê khá nhiều, đây là cơ hội để “lôi kéo” nguồn lao động làm việc tại quê nhà.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười nhấn mạnh các công việc cần khẩn trương thực hiện sau buổi làm việc: “Tập trung giải quyết việc làm và đào tạo nghề, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động rà soát, nắm bắt được nhu cầu của người lao động, kết nối với khu công nghiệp đào tạo lại tay nghề người lao động thích hợp với yêu cầu việc làm, nắm chắc số lao động trở lại làm việc. Qua đó, nhanh chóng khôi phục đứt gãy trong kinh tế, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Về giảm nghèo, an sinh xã hội, bên cạnh việc rà soát hộ nghèo, cần quan tâm bắt tay thực hiện các chương trình, dự án, mô hình giảm nghèo. Các chính sách hỗ trợ người lao động ảnh hưởng dịch Covid-19, một vài huyện thực hiện rất chậm, vai trò của sở là kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, tháo gỡ vướng mắc. Bưu điện tỉnh từ đây đến cuối năm thực hiện nhanh trợ cấp đối với đối tượng bảo trợ xã hội, chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công qua bưu điện đến người dân đúng thời gian…”.
Tin, ảnh: T. Thảo