Đoàn công tác của Sở Công Thương khảo sát các gian hàng trưng bày sản phẩm của tỉnh tại hội chợ. Ảnh: T. Huyền
Trong năm 2020, toàn tỉnh có 55 doanh nghiệp (DN) và 80 cơ sở CN đăng ký mới, ngành nghề chủ yếu là CN chế biến nông sản, thủy sản, may mặc, cơ khí, điện gió, bao bì... với tổng vốn đầu tư khoảng 850 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 800 lao động.
Do ảnh hưởng của thiên tai và dịch bệnh, nhiều DN phải giảm quy mô sản xuất, cắt giảm số lượng công nhân. Có 15 DN giải thể, 31 DN tạm ngưng hoạt động, chủ yếu là DN các ngành nghề may mặc, dừa, thủy sản, phân bón, đóng tàu, in ấn, nước tinh khiết, điện. Ngoài ra, tình trạng nguồn nước cấp bị nhiễm mặn đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của DN. Đến nay, phần lớn DN đã khôi phục lại sản xuất, kinh doanh.
Sau khi triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu, đặc biệt là thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa thông qua môi trường thương mại điện tử gắn kết với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống, sức mua thị trường trong nước và trên địa bàn tỉnh dần được phục hồi. Giá trị tăng thêm khu vực III ước đạt 12.971 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ, đạt 79,8% kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 49.649 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ và đạt 92,8% kế hoạch.
Hạ tầng thương mại tiếp tục được đầu tư. Đã xây dựng mới 3 chợ và 1 siêu thị loại 3, nâng cấp 3 chợ. Xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2020 gồm chợ Cầu Móng, xã Hương Mỹ (Mỏ Cày Nam). Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, tạo điều kiện cho các DN thương mại, dịch vụ vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì thị trường, ổn định hoạt động kinh doanh. Hỗ trợ DN quảng bá và tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, thực hiện hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử và hỗ trợ các cơ sở sản xuất, DN xây dựng gian hàng trực tuyến trên sàn; đồng thời định hướng cho DN tiếp cận và chuyển đổi phương thức hoạt động kinh doanh mới.
Tỉnh triển khai Chương trình “Mỗi tuần một DN” nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh. Kết nối DN nhập khẩu Singapore với 4 DN sản xuất, xuất khẩu nông sản trong tỉnh; xây dựng 2 cửa hàng bán các sản phẩm đặc sản Bến Tre; tổ chức và tham gia các hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm đặc sản của tỉnh.
Trong thời gian tới, ngành công thương chú trọng phát triển các lĩnh vực CN chủ lực của tỉnh; ưu tiên CN chế biến, các ngành CN có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển mạnh các ngành CN ven biển, nhất là sản xuất năng lượng sạch và chế biến thủy sản. Hỗ trợ đầu tư các dự án thuộc ngành CN mũi nhọn, có lợi thế, tiềm năng, khả năng cạnh tranh và các ngành nghề truyền thống sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương.
Tập trung kêu gọi đầu tư các khu, cụm CN theo quy hoạch được duyệt. Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng Khu CN Phú Thuận để có khả năng thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào cuối năm 2021. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN vừa và nhỏ phát triển. Phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2021 đạt 38 ngàn tỷ đồng, tăng 13,1% so với năm 2020.
Ngoài ra sẽ tập trung theo dõi và thực hiện tốt các biện pháp để ổn định thị trường. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, xây dựng các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, góp phần phát triển mạng lưới bán lẻ phục vụ nhu cầu của nhân dân. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tỉnh tiếp tục phát triển các cửa hàng trưng bày, giới thiệu các đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh đến các tỉnh, thành trong nước. Phấn đấu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 57,1 ngàn tỷ đồng, tăng 15%; kim ngạch xuất khẩu là 1,38 ngàn tỷ USD, tăng 6,1%. |
Công Thương