Hộ nghèo và cận nghèo của 6 xã tham gia dự án chiếm gần 16% so với toàn huyện. Trên cơ sở đó, Quỹ đầu tư cấp xã (Quỹ CIF) sẽ được phân bổ về các xã, với tổng số vốn trên 11 tỷ đồng; trong đó, 90% đầu tư xây dựng cơ bản, 10% đầu tư cho các hoạt động nâng cao năng lực tiếp cận thị trường.
Diện tích trồng hai loại cây dừa và cacao hiện chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng diện đất nông nghiệp toàn huyện Châu Thành. Cụ thể, diện tích vườn dừa của huyện đạt gần 5.500 ha, vườn cacao đạt 2.250 ha. Đây cũng là hai loại cây trồng chính của hầu hết các xã vùng dự án: Tiên Thủy, Tiên Long, Tân Phú, Tân Thạch, Phú Đức, Quới Thành. Vì thế, huyện xác định dừa và cacao là chuỗi giá trị sản phẩm để tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Khởi động Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP) trên địa bàn huyện từ đầu năm 2010, Văn phòng Dự án huyện đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án DBRP tỉnh tổ chức triển khai 43 hoạt động nâng cao năng lực tiếp cận thị trường với các hình thức đa dạng như: tập huấn, hội thảo, tham quan, học tập kinh nghiệm. Các hoạt động trên đã thu hút khoảng 1.400 đối tượng tham gia; trong đó, nhiều nhất là đối tượng thuộc các hộ nghèo và phụ nữ. Bước đầu, đã có 250 người ứng dụng các kiến thức đã được tập huấn vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng. Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động nâng cao năng lực tiếp cận thị trường đều tập trung vào hỗ trợ đầu tư phát triển chuỗi sản phẩm của địa phương. Điển hình là xã Tân Thạch được Văn phòng Dự án tổ chức 7 lớp tập huấn liên quan đến vườn dừa và cacao.
Qua các hoạt động này, người dân còn được giới thiệu những mô hình trồng dừa và cacao hiệu quả, những mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa có giá trị kinh tế cao… để người dân học hỏi kinh nghiệm và đầu tư sản xuất, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người trồng dừa và cacao.
Ngoài hai sản phẩm chính là dừa và cacao, người dân trong vùng Dự án còn được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi heo và xử lý môi trường chăn nuôi; kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi da xanh; kỹ thuật trồng sầu riêng, trồng vú sữa Lò rèn, trồng măng tây xanh... Đặc biệt, hội thảo về bệnh chổi rồng trên cây nhãn đã kịp thời phổ biến kiến thức phòng, trị bệnh trên cây nhãn. Tuy nhiên, do mới triển khai, nên hầu hết hoạt động nâng cao năng lực tiếp cận thị trường chưa được đầu tư có chiều sâu, thậm chí có một số hoạt động chưa mang lại hiệu quả.
Nằm trong hoạt động nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị, huyện đã hỗ trợ 6 xã thuộc dự án tổ chức các cuộc họp theo nhóm (nông dân, phụ nữ, hộ nghèo, hộ doanh nghiệp, cán bộ xã, ấp) để người dân thảo luận, đóng góp xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, xây dựng kế hoạch cho việc phát triển chuỗi giá trị. Tuy nhiên, do công tác này còn khá mới mẻ đối với cán bộ cấp xã - ấp, nên công tác xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội cũng như kế hoạch hỗ trợ đầu tư cho chuỗi sản phẩm phát triển hiện vẫn còn nhiều lúng túng.
Theo ông Nguyễn Tống Nê - Trưởng Phòng Dự án huyện, hiện Dự án đã giải ngân trên 80 triệu đồng cho các hoạt động nâng cao năng lực tiếp cận thị trường. Ngoài hỗ trợ về kỹ thuật, Dự án còn quan tâm phát triển và hỗ trợ các tổ nhóm nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, tiếp cận nguồn vốn tín dụng của Dự án. Hiện, vùng dự án có 266 tổ nhóm hợp tác, với gần 4.900 thành viên, trong đó có gần 2.500 phụ nữ. Nhằm phát triển chất lượng hoạt động của các tổ nhóm hợp tác, Văn phòng Dự án huyện cũng đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án tỉnh tổ chức 3 lớp tập huấn về kỹ năng quản lý nhóm, quản lý tín dụng. Thông qua các tổ nhóm hợp tác, Văn phòng Dự án huyện đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Phát triển các xã và các đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tổ chức hội thảo giới thiệu nguồn vốn tín dụng cho 71 đối tượng. Đến nay, có 56 hộ đã tiếp cận nguồn vốn Dự án, với tổng số tiền vay trên 1,8 tỷ đồng. Riêng tại xã Quới Thành có 14 phụ nữ đang được hướng dẫn để làm thủ tục vay vốn tín dụng của Dự án. Huyện còn hỗ trợ Ban Phát triển các xã xây dựng 6 góc thông tin để giúp người dân có cơ hội nắm bắt kịp thời những thông tin liên quan đến dự án, thị trường, chuyển giao khoa học kỹ thuật, lao động việc làm…
Theo ông Nguyễn Tống Nê, năm 2010, huyện có 18 công trình xây dựng cơ bản được triển khai, với tổng kinh phí dự toán là 7,5 tỷ đồng. Trong đó, có 17 công trình giao thông nông thôn được xây dựng đến tận xóm ấp, với tổng chiều dài trên 18,5 km. Thời điểm này, huyện có 3 công trình đã hoàn thành và 15 công trình đang được khẩn trương thi công, dự kiến hoàn thành vào cuối năm. Có thể nói, tuy mới khởi động từ đầu năm 2010, nhưng về cơ bản, huyện đã nỗ lực hoàn thành trên 75% kế hoạch về xây dựng cơ bản giai đoạn 2010-2012. Kết quả trên đã góp phần tạo điều kiện nâng cao giá trị và chất lượng hàng hóa nông sản, đặc biệt là chuỗi sản phẩm chính.