Gia đình ông Bùi Văn Thanh chuyển từ chăn nuôi bò thịt sang bò sữa.
Mô hình hiệu quả
Dự án phát triển đàn bò sữa tỉnh Bến Tre (DA), giai đoạn 2015 - 2019 được triển khai từ tháng 2-2015 với mục tiêu phát triển đàn bò sữa trên địa bàn huyện Ba Tri nhằm nâng cao thu nhập, tiến tới ổn định sinh kế bền vững, cải thiện cuộc sống của người chăn nuôi. Tổng nguồn vốn thực hiện DA trên 98,2 tỷ đồng, trong đó Tổ chức Heifer hỗ trợ 18 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 18 tỷ đồng và vốn đối ứng của các hộ dân tham gia khoảng 62 tỷ đồng. Sau thời gian triển khai thực hiện, hiệu quả bước đầu mang lại rất khả quan với số hộ dân tham gia và tổng đàn ngày càng tăng.
Ban đầu, DA đã triển khai tại một số xã của huyện Ba Tri, sau đó mở rộng sang địa bàn huyện Giồng Trôm. Hiện tại, có 16 xã của huyện Ba Tri và 3 xã của huyện Giồng Trôm tham gia DA với tổng số 2.432 con bò nền (bò tại địa phương được lai với bò sữa), 1.796 con bò sữa, trong đó 359 con bò đang cho sữa. Đến nay, có 1.310 hộ dân trực tiếp tham gia với số lượng bò sữa trung bình của một hộ từ 3 - 60 con, thu nhập bình quân khoảng 52,2 triệu đồng/con/năm.
Gia đình ông Bùi Văn Thanh, ngụ ấp Bến Vựa Bắc (xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri) có kinh nghiệm hơn 20 năm chăn nuôi bò bán thịt. Năm 2016, gia đình ông Thanh chuyển dần sang nuôi bò sữa. Ban đầu, gia đình được DA hỗ trợ cho mượn 3 con bò sữa và đầu tư mua thêm 2 con. Đến nay, đàn bò sữa của gia đình tăng lên 19 con, trong đó 8 con đang cho sữa. Trung bình mỗi ngày thu hoạch khoảng 85kg sữa và ký hợp đồng tiêu thụ với giá bán từ 12 - 14 ngàn đồng/kg. Ông Thanh cho biết: “Nuôi bò sữa đạt hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với nuôi bò thịt vì giá cả ổn định. Trung bình mỗi tháng gia đình tôi lợi nhuận khoảng 16 triệu đồng, nên cuộc sống khá ổn định”. Sắp tới, gia đình ông Thanh dự định tăng diện tích trồng cỏ để tăng đàn bò sữa vì hiệu quả kinh tế cao. Một số hộ xung quanh cũng bắt đầu học tập kinh nghiệp để phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa.
Hiện tại, xã Vĩnh Hòa có 12 hộ nuôi bò sữa với tổng đàn 72 con, trong đó có 20 con đang cho sữa. Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa Hồ Văn Phúc khẳng định: Mô hình chăn nuôi bò sữa trong thời gian qua phát triển khá tốt nhờ thích hợp với điều kiện khí hậu, đồng cỏ của địa phương. Sắp tới, địa phương sẽ tuyên truyền về hiệu quả của mô hình nhằm vận động người dân phát triển đàn bò sữa. Qua đó giúp tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống của nông dân chăn nuôi.
Từ hiệu quả ban đầu của DA, một số hộ chăn nuôi tại huyện Ba Tri đã mạnh dạn đầu tư phát triển đàn bò sữa với quy mô trang trại. Gia đình ông Nguyễn Thành Nam, ngụ ấp An Hòa, xã An Phú Trung đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng chuồng kiên cố để nuôi bò sữa. Ông Nam cho biết: “Hiện đàn bò sữa đã phát triển lên 34 con, trong đó 10 con đang cho sữa. Trung bình mỗi ngày thu hoạch khoảng 140 - 150kg sữa, thu về hơn 2 triệu đồng. Sắp tới, gia đình dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng, mua thêm bò giống để tăng đàn theo quy mô trang trại”.
Chăn nuôi bò sữa theo quy mô trang trại của gia đình ông Nguyễn Thành Nam mang lại hiệu quả cao.
Liên kết xây dựng chuỗi giá trị
Chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Minh Tùng cho biết, DA mới triển khai trên địa bàn huyện Ba Tri trong mấy năm qua nhưng đã mang lại hiệu quả bước đầu rất tốt. Đây là mô hình triển vọng của địa phương nhằm giúp nông dân làm giàu và góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như hiện nay. Hiện tại, tất cả hộ chăn nuôi bò sữa tại địa phương đều ký hợp đồng tiêu thụ với giá bán trung bình từ 12 - 14 ngàn đồng/kg, tùy chất lượng sữa. Mỗi ngày 2 lần, nông dân thu hoạch sữa rồi vận chuyển đến trạm thu mua đặt tại xã An Bình Tây (huyện Ba Tri) để bán cho doanh nghiệp.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đoàn Văn Đảnh - Trưởng ban Quản lý DA đánh giá: “Thời gian đầu khi thực hiện, DA gặp nhiều khó khăn do hộ chăn nuôi còn tâm lý trông chờ, thăm dò hiệu quả như thế nào. Khi có trạm thu mua, có sự liên kết giữa doanh nghiệp là Công ty cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk và nông dân nên nhiều hộ dân an tâm đầu tư, tăng đàn”.
Hiện tại, giữa doanh nghiệp và nông dân có sự liên kết đầu vào - đầu ra. Trong đó, nông dân được doanh nghiệp cung ứng thức ăn và sản phẩm sữa được thu mua tại trạm với sản lượng khoảng 2,8 tấn/ngày. Dự kiến Ban Quản lý DA sẽ trình UBND tỉnh xin được kéo dài đến năm 2021 sau khi DA kết thúc vào cuối năm 2019 do hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Đồng thời, mở rộng sang các địa phương khác của huyện Bình Đại, Giồng Trôm và Thạnh Phú.
Trong thời gian qua, các hộ chăn nuôi bò sữa đã thành lập 65 nhóm để liên kết, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn kỹ thuật nuôi bò sữa. Đồng thời, thành lập quỹ để giúp những hộ khó khăn mượn vốn trồng cỏ, tạo sinh kế ban đầu khi chưa có thu nhập. Ông Nguyễn Văn Hùng, đang nuôi 20 con bò sữa tại ấp Tân Thanh 2 (xã Tân Xuân, huyện Ba Tri) cho biết, nếu có sự liên kết tốt, có đầu ra ổn định, nông dân sẽ tăng đàn vì việc chăn nuôi bò sữa rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nguồn thức ăn từ cỏ, rơm tại địa phương.
“DA có tác động lớn đến Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Trong thời gian tới, Ban Quản lý DA và chính quyền địa phương các xã sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện để sớm đạt mục tiêu đã đề ra. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào DA, tổ chức sinh hoạt tổ, nhóm để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người chăn nuôi...
UBND tỉnh cũng thống nhất chủ trương sẽ kéo dài DA thêm từ 3 - 5 năm nữa. Đồng thời, thành lập hợp tác xã bò sữa để từng bước hình thành chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra nhằm tăng thu nhập của người chăn nuôi và hướng đến sự phát triển bền vững”.
(Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập)
|
Bài, ảnh: Hoàng Mai