Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh

23/10/2020 - 07:17

BDK - Nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) là một bộ phận nhân lực có sức khỏe tốt, có chuyên môn kỹ thuật cao, có phẩm chất đạo đức tiêu biểu, có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ, biết vận dụng sáng tạo những tri thức, những kỹ năng đã được đào tạo vào quá trình lao động sản xuất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội một cách hiệu quả nhất. Để phát triển được NNLCLC cần chú trọng gắn kết 3 khâu: đào tạo, sử dụng và đãi ngộ.

Đào tạo nguồn nhân lực theo hướng tự động hóa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động (Trường Cao đẳng Đồng Khởi cơ sở II). Ảnh: Thạch Thảo

Đào tạo nguồn nhân lực theo hướng tự động hóa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động (Trường Cao đẳng Đồng Khởi cơ sở II). Ảnh: Thạch Thảo

Thực trạng nguồn nhân lực

Thời gian qua, số lượng đội ngũ nhân lực có trình độ cao của tỉnh từng bước phát triển. Mặt bằng dân trí, trình độ năng lực, tay nghề của người lao động (NLĐ) từng bước được nâng lên. Công tác quản lý NNL trong cơ quan hành chính nhà nước đã được quan tâm chú trọng. Thực hiện tốt khâu quy hoạch, đào tạo, đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kỹ năng làm việc, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong điều kiện mới và có tính kế thừa.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Chất lượng NNL chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. NNL của tỉnh chưa được khai thác, sử dụng hợp lý, thiếu những chuyên gia khoa học kỹ thuật, những nhà quản lý giỏi; nhân lực có trình độ cao tuy có phát triển nhưng tỷ lệ vẫn còn thấp; chưa có đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề đủ mạnh, chưa hình thành tác phong công nghiệp trong đội ngũ lao động.

 Trong cơ quan nhà nước, trình độ năng lực của một số công chức chưa ngang tầm nhiệm vụ, chưa xây dựng được các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong các cơ quan hành chính một cách có chất lượng. Cơ sở vật chất, thiết bị tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo NNLCLC. Giáo viên chưa được bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, chưa tiếp cận các thiết bị hiện đại, giáo trình, phương pháp giảng dạy chưa được cải tiến, nên chất lượng đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động chất lượng cao.

Cơ chế, chính sách thu hút nhân tài chưa đủ mạnh, chưa thu hút NNLCLC làm việc tại tỉnh; lao động đi làm việc ngoài tỉnh nhiều; huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho việc phát triển NNLCLC còn hạn chế...

Mục tiêu hướng tới

Từ thực trạng trên và với mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030, tỉnh cần tập trung phát triển nhanh  NNL, nhất là NNLCLC với mục tiêu: Tập trung phát triển nhân lực lãnh đạo, quản lý; nhân lực khoa học công nghệ; nhân lực lao động kỹ thuật đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có cơ cấu phù hợp nhu cầu sử dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong điều kiện hội nhập.

Xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề đủ mạnh để phục vụ phát triển công nghiệp. Ảnh: Hồng Hạnh

Xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề đủ mạnh để phục vụ phát triển công nghiệp. Ảnh: Hồng Hạnh

Trong đó, tập trung phát triển NNLCLC trong khu vực công; NNL khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, quản lý doanh nghiệp; NNL có trình độ chuyên môn kỹ thuật chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển theo định hướng phát triển của tỉnh về hướng Đông như: thủy sản, du lịch biển, công nghiệp, năng lượng, đô thị ven biển...; NNLCLC cho việc xây dựng hợp tác xã, cho phát triển du lịch; cho kết cấu hạ tầng giao thông, logistic, đô thị, năng lượng và các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu; NNL lao động có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu các sáng kiến trong các trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030.

Phấn đấu bình quân mỗi năm đào tạo mới, bồi dưỡng lao động có tay nghề cao đạt 12% trên tổng số lao động được đào tạo. Đồng thời, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% vào năm 2025 và đạt 75% vào năm 2030, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.

Các giải pháp thực hiện

Để thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ NNLCLC đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về đào tạo NNLCLC trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, trong đó tập trung quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo NNL có tay nghề cao; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Các cấp ủy đảng, chính quyền phải coi việc phát triển NNLCLC là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài và cần có sự quan tâm đầu tư thích hợp.

Thứ hai, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đào tạo NNLCLC; chú trọng công tác phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong việc sử dụng, quản lý và phát triển NNLCLC trên cơ sở phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, các giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng: Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đào tạo NNLCLC. Thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng, số lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề để có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng hợp lý, nhất là giáo viên thuộc các ngành nghề đào tạo nhân lực có tay nghề cao, nghề trọng điểm, thế mạnh của tỉnh, của khu vực. Khuyến khích việc học tập và nghiên cứu sau đại học ở nước ngoài đối với giáo viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ, đa dạng hóa nội dung phương pháp đào tạo NNLCLC. Xây dựng chương trình, giáo trình theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; cập nhật, đổi mới chương trình, giáo trình phù hợp với từng ngành nghề, trình độ đào tạo; chú trọng kiểm định chất lượng đào tạo, quản lý chương trình, nội dung và chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Cử lao động ra ngoài tỉnh, ngoài nước để đào tạo các ngành nghề có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, đối với các lĩnh vực mà tỉnh chưa có khả năng đào tạo.

Rà soát sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực có tay nghề cao, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp, từng bước chuyển công tác đào tạo theo hướng đặt hàng của các doanh nghiệp và cung ứng lao động cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng Bến Tre trở thành trường cao đẳng đa ngành nghề để đào tạo NNLCLC, đào tạo nghề tiếp cận với trình độ của các nước ASEAN. Nâng cao năng lực của Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh để tiến tới thành lập Đại học Bến Tre là thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 14-2-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030” để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức, cán bộ khoa học, kỹ thuật vững vàng về chính trị, thông thạo về chuyên môn nghiệp vụ, đạt chuẩn theo chức danh, ngạch công chức, vị trí việc làm, có lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, trách nhiệm, đạo đức công vụ, nghề nghiệp, thường xuyên cập nhật thông tin quy định mới để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành trong thời kỳ cách mạng công nghiệp và hội nhập quốc tế.

Tăng cường, mở rộng hợp tác, liên kết và đa dạng hóa các hình thức đào tạo theo quy định. Đẩy mạnh liên kết và hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu có chất lượng trong và ngoài nước trong đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để NLĐ có điều kiện học tập nâng cao trình độ, từng bước hình thành đội ngũ công nhân kỹ thuật giỏi, nhân viên lành nghề trong các ngành, lĩnh vực. Tổ chức đào tạo sau đại học, đào tạo ngoại ngữ chất lượng quốc tế ngay tại tỉnh nhà.

Thứ tư, nâng cao năng lực phân tích, dự báo NNLCLC thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là đối với các ngành mũi nhọn. Thực hiện điều tra lao động, việc làm trong các thành phần kinh tế. Kết nối cung - cầu lao động, điều tra - thống kê, thông tin tình hình cung - cầu nhân lực để có kế hoạch đào tạo, phát triển, sử dụng NNL nhất quán, đồng bộ. Cung ứng kịp thời NNLCLC tại các nơi có nhu cầu như: các khu, cụm công nghiệp, các dự án trọng điểm của tỉnh...

Thứ năm, các giải pháp về cơ chế, chính sách: Xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đồng bộ cho các cơ sở đào tạo đủ điều kiện nâng cao năng lực đào tạo nhân lực có tay nghề cao; các cơ sở dạy nghề tư nhân, các nghệ nhân tại các làng nghề tích cực tham gia đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực có tay nghề cao.

Có chính sách thu hút chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học trình độ cao tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở đào tạo; tạo điều kiện cho lao động nước ngoài có trình độ kỹ thuật cao đến làm việc, nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất và kinh doanh; thực hiện chính sách tiền lương theo cơ chế thỏa thuận, trả lương đúng với giá trị sức lao động để tiền lương trở thành động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động, động viên NLĐ cống hiến và phát huy khả năng sáng tạo.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là đầu tư cho phát triển bền vững, tăng khả năng, cơ hội việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng nhanh và bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, nhằm đạt tới sự phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa nông nghiệp với các ngành khác, tạo sự bứt phá mới về phát triển kinh tế - xã hội, làm điểm tựa thúc đẩy thị trường lao động trong nước phát triển, chủ động hội nhập tích cực vào thị trường lao động trong khu vực và thế giới.

Nguyễn Thị Bé Mười - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN