Tại hội nghị tổng kết năm 2018, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2019 diễn ra vào chiều 19-12-2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò to lớn góp phần xây dựng ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn của tỉnh phát triển bền vững. Theo đó, toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới (NTM).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hập tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản xuất khẩu. Ảnh: C. Trúc
Những vấn đề tồn tại
Năm 2018, sản xuất (SX) nông nghiệp của tỉnh từng bước được chuyển theo hướng SX hàng hóa, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ hơn. Lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản được thực hiện theo đúng quy hoạch; hướng năng suất, chất lượng, sạch, an toàn và từng lúc ứng dụng công nghệ cao. Nhiều sản phẩm nông nghiệp được hình thành và phát triển, bước đầu hình thành mối liên kết SX và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp (DN). Có 77/821 tổ hợp tác (THT), 29/64 hợp tác xã (HTX) hình thành và tham gia chuỗi giá trị; có 4 chuỗi giá trị: dừa, bưởi da xanh, nhãn, chôm chôm được hình thành và có chiều hướng phát triển.
Ông Nguyễn Vũ Phong - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Giồng Trôm cho biết, hiện nay, huyện có 3 chuỗi giá trị sản phẩm: dừa, heo và bưởi. Trong đó, chuỗi giá trị sản phẩm dừa có đầu ra ổn định nhưng chưa gom về đầu mối tại HTX, THT. Hầu hết DN thu mua sản phẩm dừa trực tiếp tại các nông hộ. Mặt khác, còn tình trạng sản phẩm được chứng nhận nhưng chưa có DN đến mua. Cụ thể, 6ha bưởi da xanh Lương Hòa đã chứng nhận VietGAP nhưng người dân vẫn bán trôi nổi, chưa có đầu ra ổn định. Ông Nguyễn Vũ Phong cho rằng, vai trò hạt nhân của DN trong vận hành chuỗi giá trị chưa được phát huy.
Năng lực hoạt động của một số THT, HTX chưa có chuyển biến tích cực do nông dân chưa nhận thức đúng đắn và chưa thật sự tự nguyện tham gia vào THT, HTX, nhất là tham gia SX theo chuỗi giá trị. Tại Mỏ Cày Bắc, việc tham gia THT, HTX của người dân còn khó khăn vì họ chưa thấy được lợi ích khi tham gia vào SX chuỗi. Phòng NN&PTNT huyện tích cực tuyên truyền, vận động, đến nay, toàn huyện có 40 THT và 12 HTX nhưng hoạt động chưa cải thiện đáng kể.
Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Thị Mãi cho rằng, hầu hết các HTX hoạt động không hiệu quả do khi thành lập và đưa vào hoạt động đã bỏ qua bước khảo sát nhu cầu của các thành viên tham gia HTX, các đối tác (DN, ngân hàng hỗ trợ vay vốn)…
Liên kết sản xuất và tiêu thụ
Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Mãi, khi có nhu cầu và có pháp nhân để hưởng chính sách hoặc có pháp nhân để ký hợp đồng, lúc đó mới thành lập HTX thì sẽ có bước đi vững chắc và hiệu quả. Quan trọng nhất là có con người và tìm được con người đủ năng lực quản trị điều hành để làm theo hướng dẫn, chỉ dẫn của Nhà nước và các nhà tư vấn. Nếu vội vàng vận động thành lập HTX, đối tượng tham gia không rõ ràng, đầu vào đầu ra chưa chặt chẽ, chưa kết nối được sẽ ảnh hưởng chất lượng hoạt động HTX.
Bà Nguyễn Thị Mãi cho rằng, để nông nghiệp phát triển, nông dân có thu nhập và tích cực tham gia xây dựng NTM phải tháo gỡ được bài toán về năng lực hoạt động các tổ chức SX. Có nghĩa là phải đổi mới hình thức tuyên truyền và củng cố HTX theo hướng có doanh nghiệp gắn với HTX. Khi ra đời, HTX phải gắn với Hội Nông dân để có mối liên kết đầu ra, đầu vào ngay từ đầu.
Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh Lê Nhựt Chiêu thông tin, qua chuyến gặp gỡ các thương lái tại chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức gần đây, câu hỏi mà họ đặt cho người nông dân là sản phẩm đã đạt được chứng nhận gì. Từ đây, ngành chức năng và người dân cần nhìn nhận việc chứng nhận và an toàn thực phẩm là quan trọng. Nhiều tiểu thương cho rằng, nếu sản phẩm minh chứng xuất xứ từ Bến Tre thì bán rất hiệu quả. Trong thời gian tới, các sản phẩm của tỉnh nếu được bán rộng hơn cho các DN nên cần tập trung sâu vào chứng nhận. Để làm được điều này cần có sự phối hợp giữa các sở, ngành tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia tổ chức sản xuất.
Xây dựng chuỗi giá trị
Giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Văn Lâm cho biết, để đạt được mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển nông nghiệp trong tình hình mới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung mạnh, quyết liệt vào lĩnh vực “tam nông”, đẩy mạnh xây dựng NTM, xây dựng chuỗi giá trị hàng nông sản. Cụ thể, chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc cơ cấu nông nghiệp, mở rộng liên kết, hợp tác, hình thành các chuỗi giá trị trong SX nông nghiệp, đảm bảo chặt chẽ từ khâu đầu vào đến đầu ra.
Người dân quan tâm ứng dụng kỹ thuật vào canh tác bưởi da xanh. Ảnh: C.Trúc
Để góp phần giải quyết bế tắc đầu ra hàng hóa nông sản, ông Bùi Văn Lâm đề nghị các đơn vị và các phòng, ban trực thuộc sở cần bám sát kế hoạch, lộ trình đã được xây dựng và phân công nhiệm vụ cụ thể để thực hiện. Trong đó, khuyến khích nông dân tham gia vào thị trường, SX theo chuỗi giá trị; tổ chức lại SX, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở điều chỉnh đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất liên quan đến SX nông nghiệp dựa vào lợi thế của địa phương, sinh thái vùng, nhu cầu thị trường và gắn với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tập trung đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, chú trọng tạo ra thêm nhiều sản phẩm trong chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả, lợi ích giữa các tác nhân, các khâu trong chuỗi. Ngoài ra, ngành sẽ gắn xây dựng NTM, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực tỉnh; tập trung làm thay đổi từ tư duy SX nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; củng cố và xây dựng, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ cho THT, HTX và các tổ chức đại diện của nông dân tham gia vào các chương trình, dự án SX kinh doanh. Cụ thể, củng cố, đưa hoạt động của THT, HTX có thực chất và phấn đấu thành lập mới 30 HTX.
Các phòng NN&PTNT cần thực hiện tốt vai trò tham mưu cho UBND huyện, thành phố để phối hợp với Mặt trận, đoàn thể triển khai đồng bộ, rộng khắp và hiệu quả, tạo được hiệu ứng để toàn xã hội tham gia Ngày Chủ nhật NTM. Từng địa phương chủ động rà soát, lựa chọn những sản phẩm đặc trưng của địa phương để xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị; xây dựng và nhân rộng các mô hình SX an toàn được chứng nhận GAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và có chỉ dẫn địa lý, hướng truy xuất nguồn gốc. Tổ chức thực hiện tốt cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tích tụ ruộng đất để SX quy mô lớn, chuyển sang làm kinh tế nông nghiệp, kết hợp với phát triển du lịch nông nghiệp.
(Giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Văn Lâm)
|
Phan Hân