Tập trung phòng, chống dịch cúm gia cầm

06/03/2012 - 15:11

Ông Nguyễn Văn Bé - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện ổ dịch bệnh nào, nhưng chúng ta không được chủ quan, lơ là, vì tình hình dịch bệnh trong thời gian tới còn diễn biến rất phức tạp với các nguyên nhân:

- Đàn gia cầm luôn tăng một cách tự phát trong dân.

- Thời tiết diễn biến bất thường như: nắng nóng, nước mặn xâm nhập, điều kiện chăn nuôi chưa đảm bảo vệ sinh thú y.

- Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa quan tâm nhiều đến việc tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc theo định kỳ.

Vì vậy, người nuôi gia cầm phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của ngành Thú y, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.

PV: Hiện công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại Bến Tre được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bé: Theo các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm, đến nay Bến Tre đã và đang thực hiện các biện pháp sau:

- Tập trung, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về tình hình dịch cúm gia cầm, tính chất nguy hiểm của bệnh, phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các quy định bắt buộc về phòng, chống dịch cúm gia cầm, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để người dân nâng cao nhận thức và thực hiện, hợp tác tốt với ngành chuyên môn, chính quyền địa phương các cấp.

- Tập trung cao độ cho công tác tiêm phòng vắc-xin phòng dịch cúm gia cầm, tỷ lệ tiêm phòng phải đạt trên 80% so với tổng đàn và tổ chức tiêm liên tục theo lứa tuổi.

- Thực hiện quyết liệt đợt tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, lò ấp trứng, điểm mua bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm.

- Tăng cường kiểm tra quản lý chặt chẽ công tác vận chuyển, mua bán, ấp nở, giết mổ gia cầm.

- Tiến hành thống kê và quản lý đàn gia cầm, hộ chăn nuôi theo quy mô từng loại, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở chăn nuôi tập trung.

- Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh, huyện thành lập nhiều đoàn kiểm tra đến các xã, ấp, hộ chăn nuôi để kiểm tra các hoạt động chăn nuôi gia cầm và các biện pháp phòng, chống dịch của địa phương.

Qua kiểm tra, hầu hết các Ban chỉ đạo địa phương luôn được củng cố, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch và chuẩn bị chu đáo, khẩn trương với nhân lực, vật lực đúng theo hướng dẫn của ngành thú y; người chăn nuôi đã nâng dần ý thức trong phòng, chống dịch, tích cực hưởng ứng chương trình tiêm phòng và tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng.

Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế như: một vài nơi, Ban chỉ đạo xã hoạt động chưa đồng bộ, thiếu phân công thành viên giám sát địa bàn, còn tư tưởng giao khoán cho nhân viên thú y thực hiện, trong khi đó vai trò tham mưu của một số nhân viên thú y xã còn hạn chế và yếu; các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa quan tâm đến việc tiêm phòng, vệ sinh chăm sóc và tiêu độc khử trùng.

PV: Để dịch bệnh không xảy ra trên địa bàn tỉnh, Chi cục Thú y có chỉ đạo, khuyến cáo gì đến người chăn nuôi?

Để khống chế không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chi cục Thú y xin khuyến cáo đến bà con chăn nuôi một số vấn đề sau:

- Trong chăn nuôi, dù ở quy mô nào, vẫn phải quan tâm và tiêm phòng đầy đủ các bệnh theo lứa tuổi, nhất là tiêm phòng cúm gia cầm; phải giữ chứng nhận tiêm phòng của thú y để xuất trình khi có kiểm tra.

- Thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi.

- Cơ sở chăn nuôi từ 2.000 con trở lên phải đăng ký với Trạm Thú y huyện để được thẩm định điều kiện vệ sinh thú y.

- Khi có gia cầm chết hàng loạt, chết nhiều mà không rõ nguyên nhân phải báo ngay với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.

C.Tr (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN