Tập trung phục hồi và phát triển kinh tế nông nghiệp

01/09/2021 - 05:59

BDK - Trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế nông nghiệp phục hồi và phát triển khá tốt sau hạn mặn. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, trong đó đặc biệt là đầu ra hàng nông sản. Về kết quả đạt được và những nhiệm vụ tập trung trong thời gian tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho biết:

Hỗ trợ người dân thu hoạch dừa ở xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm. Ảnh: Thiên Bảo

Hỗ trợ người dân thu hoạch dừa ở xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm. Ảnh: Thiên Bảo

- Khu vực I đã có sự phục hồi và tăng trưởng đáng kể, tăng trưởng 7,29%. Công tác ứng phó với hạn mặn được tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, cùng với sự vận hành hiệu quả của hệ thống ngăn mặn, trữ ngọt nên đã hạn chế tối đa ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến đời sống người dân và không gây thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi.

Cây lúa vụ Mùa và Đông Xuân diện tích tăng 43%, sản lượng tăng 3,2 lần so với cùng kỳ. Cây dừa, diện tích tăng 2,27%, sản lượng thu hoạch tăng 0,9%. Cây ăn trái diện tích giảm nhưng nhờ người dân tập trung chăm sóc, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác hiệu quả nên sản lượng tăng 3,8%. Hoa kiểng và cây giống có khoảng 510ha các loại, tuy diện tích có giảm nhưng giá bán khá cao.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, tổng đàn bò tăng 3,3%, gia cầm tăng 14%, đàn heo tăng 2,1%. Nuôi thủy sản khá thuận lợi, giá tôm nguyên liệu ở mức khá cao. Tổng diện tích nuôi tăng 6%, trong đó nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh tăng 20%, sản lượng thu hoạch tăng 9,59%. Nuôi tôm chân trắng theo hướng công nghệ cao từng bước phát triển, đến nay đạt 1.950ha.

* Tình hình tiêu thụ nông sản trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19 ra sao?

- Tập trung chỉ đạo, tuyên truyền mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, nhất là yêu cầu tuân thủ “5K + vắc-xin” và thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh. Thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa tăng cường hoạt động sản xuất, đảm bảo mục tiêu và kế hoạch năm 2021. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để lưu thông hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ thiết yếu nhanh chóng phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng như giống, nguyên liệu phục vụ sản xuất cây giống, hoa kiểng, sản xuất thức ăn chăn nuôi; vật tư thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp nói chung.

Theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, tiêu thụ nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên rà soát, cập nhật và kịp thời đề xuất giải pháp hỗ trợ người dân khi có khó khăn về tình hình tiêu thụ nông sản. Tiếp tục cập nhật danh sách đầu mối cung ứng một số sản phẩm nông sản. Phối hợp, rà soát các sản phẩm nông sản có sản lượng lớn đang thu hoạch hoặc sắp thu hoạch. Đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản cho người dân, hạn chế tồn đọng, ùn ứ nếu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội.

Thành lập các tổ công tác hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản. Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh cho tổ chức, cá nhân trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp.

Khuyến khích người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (sàn postmart.vn) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (sàn voso.vn), kể cả các sản phẩm thông thường chưa phải là sản phẩm OCOP. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các điểm bán hàng bình ổn và hàng hóa thiết yếu; hỗ trợ người dân các xã tiêu thụ nông sản trong mùa dịch, nhất là sản phẩm nông sản có sản lượng lớn.

* Các giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế nông nghiệp sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, thưa ông?

 - Đó là tiếp tục triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TU, kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm biển công nghệ cao. Tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghệ cao huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai Dự án phát triển, nâng cao chất lượng đàn bò. Tập trung phát triển chuỗi tôm, bò, cây giống, hoa kiểng, thí điểm thành lập vùng sản xuất tập trung. Triển khai Chương trình hỗ trợ nông dân xây dựng các vùng sản xuất nông sản chuyên canh. Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Thực hiện việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi đạt tiêu chuẩn GAP, hữu cơ và tăng cường công tác quản lý, giám sát theo yêu cầu các nước nhập khẩu. Hoàn thành Đề án thành lập Trung tâm cây giống, hoa kiểng Chợ Lách của tỉnh.

Thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Chuẩn bị lịch thời vụ xuống giống vụ Thu Đông năm 2021. Áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu đục trái bưởi, sâu đầu đen gây hại dừa, tăng cường nuôi ong ký sinh để phóng thích ra vườn dừa. Tiếp tục tổ chức thực hiện các giải pháp khai thác thủy sản bền vững, tăng cường các giải pháp ngăn chặn và đi đến chấm dứt tình trạng đánh bắt hải sản vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Đẩy mạnh xây dựng mô hình tổ hợp tác an ninh trên biển.

Tập trung triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu công nhận thêm 4 xã nông thôn mới và 14 xã nông thôn mới nâng cao. Tăng cường triển khai thực hiện tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn, nâng chất các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Phát triển hệ sinh thái kinh tế nông thôn.

Phối hợp, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy chế biến nông lâm thủy sản, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, hoạt động các cảng cá, tàu đánh bắt hải sản… vừa đáp ứng điều kiện phòng chống dịch, vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa.

Rà soát các vùng nguyên liệu sản xuất, thường xuyên cập nhật thông tin về tiểu vùng, diện tích, sản lượng nông sản đến kỳ thu hoạch, nhất là các loại nông sản có sản lượng lớn đến kỳ thu hoạch để phối hợp với Sở Công Thương, UBND các huyện xây dựng phương án tiêu thụ nông sản theo tiến độ thu hoạch.

Theo dõi diễn biến thời tiết, thủy văn, xâm nhập mặn và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; khuyến cáo nông dân, các hợp tác xã và tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt là sản phẩm có sản lượng lớn như thủy hải sản, trái cây.

Xin cảm ơn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn!

“Các địa phương thành lập tổ thu hoạch, thu gom, vận chuyển, đầu mối tiêu thụ hỗ trợ giúp cho nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Những địa phương “vùng đỏ” cần tổ chức điểm tập kết nông sản, hạn chế doanh nghiệp di chuyển nhiều nơi gom hàng để tránh làm lây lan dịch bệnh.

Tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố lập danh sách và ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng tham gia hoạt động trong cơ sở chế biến, sơ chế, đóng gói, giết mổ, đầu mối thu gom nông sản, thủy sản, thương lái thu mua nông sản…”.

(Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh)

Hữu Hiệp (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN