Chiều 16-9-2010, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng chủ trì cuộc họp với đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố đánh giá kết quả phòng chống dịch heo tai xanh thời gian qua và bàn các giải pháp dập dịch bệnh.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y, hiện toàn tỉnh có 10 xã phát hiện dịch heo tai xanh (chưa tính xã Tường Đa, huyện Châu Thành vừa có kết quả xét nghiệm dương tính) gồm: Minh Đức, Tân Trung, An Thạnh, Cẩm Sơn, Thành Thới B, An Định (Mỏ Cày Nam); Vang Quới Tây, Châu Hưng (Bình Đại); Thới Thạnh (Thạnh Phú) và An Hóa (Châu Thành). Các ngành hữu quan đã triển khai nhiều giải pháp tích cực: thông tin tuyên truyền, vệ sinh tiêu độc môi trường, xử lý heo bị mắc bệnh, khoanh vùng bao vây ổ dịch, thiết lập chốt chặn, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch heo tai xanh trên địa bàn các xã chưa có dịch…
Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại. Ông Cao Văn Trọng đề nghị các huyện củng cố Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh để kịp thời theo dõi và chỉ đạo các xã tập trung phòng, chống dịch bệnh; trạm thú y làm tốt công tác tham mưu, trường hợp UBND các xã lơ là trong phòng, chống dịch phải báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh huyện để có hướng xử lý, không để dịch bệnh tiếp tục lây lan trên diện rộng. Các ban ngành, đoàn thể phối hợp tuyên truyền, cung cấp thêm thông tin để người dân hiểu rõ hơn về dịch bệnh. Những nơi đã xảy ra dịch bệnh, nên hình thành mạng lưới cộng tác viên để cùng tham gia phòng, chống dịch. Hộ dân nhập heo giống về nuôi phải đảm bảo đúng quy trình đã quy định. Các ngành hữu quan kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở giết mổ heo chưa qua kiểm dịch, đảm bảo cung cấp thịt heo khỏe mạnh cho người tiêu dùng. Tỉnh đồng ý đề xuất: một ô chuồng nuôi quy mô từ 20 con trở lên phát hiện heo bệnh thì cho tiến hành tiêu hủy toàn bộ; hộ chăn nuôi có heo bị bệnh không khai báo, khi phát hiện thì tiêu hủy và không hỗ trợ kinh phí; bổ sung kinh phí mua vật tư, hóa chất và chi phí chống dịch; tham gia tiêm khảo nghiệm 10.000 liều vắc-xin PRRS của Trung Quốc (trường hợp xảy ra rủi ro, vật nuôi bị chết, Cục Thú y phải chịu kinh phí bồi thường thiệt hại cho hộ chăn nuôi).