Tập trung thảo luận nội dung Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh

06/07/2022 - 21:03

BDK.VN - Sau khai mạc Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 9, hội nghị đã tiến hành chia tổ thảo luận. Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ dự thảo luận tại Tổ số 1; Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến dự thảo luận tại Tổ số 2; Phó bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam dự thảo luận Tổ số 3 cùng các đại biểu là Tỉnh ủy viên, thủ trưởng, phó các ban đảng, các sở ngành đoàn thể tỉnh. Dười đây là tổng hợp ghi nhận từ các phóng viên.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam dự thảo luận tại Tổ số 3. Ảnh: Cẩm Trúc

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam dự thảo luận tại Tổ số 3. Ảnh: Cẩm Trúc

Tại các tổ thảo luận, có rất nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, chủ yếu tập trung vào công tác xây dựng Đảng, trong đó đáng chú ý có nhiều ý kiến trao đổi đánh giá thực trạng tình hình đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật trong 6 tháng đầu năm tăng tới 41%. Nhiều phân tích, đánh giá đã làm rõ nguyên nhân bàn giải pháp để kéo giảm.

Tỷ lệ đảng viên vi phạm kỷ luật tăng và các giải pháp

Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hồ Tính Kiệp cho rằng: Việc triển khai thực hiện một số nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chưa kịp thời; chậm bổ sung, điều chỉnh quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với các cơ quan liên quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; một số đoàn kiểm tra, giám sát của cấp ủy triển khai thực hiện chậm so với kế hoạch đề ra; nhiều nơi công tác nắm tình hình để chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa vi phạm chưa tốt, đảng viên bị xử lý kỷ luật tăng 41,1% so cùng kỳ (79/56), cấp ủy viên bị xử lý kỷ luật chiếm tỷ lệ cao và số đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ nhiều, cấp uỷ viên bị xử lý kỷ luật 39, chiếm 49,4%.

Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hồ Tính Kiệp. Ảnh: Hữu Hiệp

Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hồ Tính Kiệp. Ảnh: Hữu Hiệp

Nguyên nhân là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chưa quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, có biểu hiện trông chờ hướng dẫn của cấp trên; nhiều vụ việc vi phạm đã xảy ra thời gian từ trước, do liên quan quy trình xử lý kỷ luật theo quy định nên chậm xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Thành Đô báo cáo đánh giá về công tác xây dựng Đảng trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng; công tác phối hợp, biên soạn tài liệu tuyên truyền một số nội dung chưa kịp thời, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả trong học tập, quán triệt, cụ thể hoá việc tổ chức học tập nghị quyết, cấp cơ sở còn chậm.

Bí thư Huyện ủy Châu Thành Phan Song Toàn. Ảnh: P.Tuyết

Bí thư Huyện ủy Châu Thành Phan Song Toàn. Ảnh: P.Tuyết

Theo Bí thư Huyện ủy Châu Thành Phan Song Toàn, số đảng viên vi phạm phải xử lý kỷ luật tăng có nhiều nguyên nhân trong đó có công tác tự phê bình và phê bình, đánh giá cán bộ chưa đi vào thực chất; trong đấu tranh chống tiêu cực còn mang tính nể nang; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng tham gia xử lý chưa chặt chẽ, chất lượng tham mưu chưa cao, còn chậm dẫn đến nhiều vụ việc kéo dài chưa xử lý; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu.

Cấp ủy chưa quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát, còn khoán trắng cho ủy ban kiểm tra các cấp, việc theo dõi nắm bắt tình hình tư tưởng, xử lý kịp thời chưa được quan tâm đúng mức. Theo Bí thư Huyện ủy, hầu hết các vụ việc khi để xảy ra phải xử lý kỷ luật là do không uốn nắn kịp thời.

Để kéo giảm theo Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2022, theo Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hồ Tính Kiệp cần tập trung quyết liệt các giải pháp: Tiếp tục quán triệt toàn diện sâu sắc các quy định, hướng dẫn của Trung ương, nhất là văn bản mới về xử lý kỷ luật đảng để tạo cơ sở, hành lang quy định của Đảng một cách vững chắc trong việc phân tích, đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả của nội dung vi phạm, áp dụng hình thức kỷ luật cho thống nhất, tạo sự đồng thuận cao. Tập trung kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ tham nhũng, tiêu cực, các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín.

Kết hợp kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra với tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của tỉnh, các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy theo quy định. Tổ chức tọa đàm tìm ra nhiệm vụ, giải pháp thiết thực để thực hiện thật sự có hiệu quả Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát đến năm 2030. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp; công tác nắm tình hình, chủ động phòng ngừa khuyết điểm, hạn chế, vi phạm kỷ luật. Nâng cao chất lượng công tác giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tích cực thực hiện giải pháp phòng ngừa vi phạm có hiệu quả. Chủ động mở đường xem xét xử lý vi phạm về mặt Đảng trước khi xử lý đoàn thể, hành chính, hình sự.

Phó ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Võ Thành Đô cho rằng: Trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Tham mưu, xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai học tập, quán triệt các nghị quyết, nhất là Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tập trung triển khai học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là tổ chức sinh hoạt chính trị.

Tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương góp sức tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, nhất là phối hợp trong công tác xây dựng Đảng hiệu quả hơn. Tập trung tham mưu và tổ chức tốt các sự kiện kỷ niệm các ngày lễ lớn theo hướng thực chất, hiệu quả. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, đặc biệt là phong trào “Đồng khởi mới”, trong đó có việc làm cụ thể, thiết thực để thực hiện phong trào. Thực hiện tốt công tác hướng dẫn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, nhất là công tác thông tin tuyên truyền, giúp sức cho công tác tuyên truyền.

Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Châu Văn Bình cho rằng: Tinh thần “Đồng thuận - Sáng tạo - Phát triển” của Tỉnh ủy năm 2022 có sức lan toả chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động. Đối với huyện Thạnh Phú, hàng tháng lãnh đạo huyện tham gia dự sinh hoạt các chi bộ ấp, tham gia sinh hoạt ở một số tổ NDTQ, qua đó đã thấy được sự thẩm thấu chủ đề năm 2022 đến tận cơ sở.

Cùng với đó, ngay từ đầu năm Ban Thường vụ Huyện ủy đã triển khai cho lãnh đạo, người đứng đầu các ngành, địa phương đăng ký đầu việc, trên cơ sở đó rà soát ký kết trách nhiệm trong việc cụ thể hoá thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết Huyện ủy nhằm đảm bảo liên thông đến Tỉnh uỷ. 6 tháng đầu năm 2022 huyện có báo cáo đánh giá của từng đồng chí thủ trưởng các ngành, địa phương đối với việc thực hiện nhiệm vụ đã ký kết. Cách làm này, huyện vừa kiểm tra, giám sát vừa quyết liệt trong việc lãnh, chỉ đạo, hỗ trợ giải quyết những vướng mắc, khó khăn ở cơ sở từ đó chuyển tải chủ đề “Đồng thuận - Sáng tạo - Phát triển” của tỉnh đến người dân một cách hiệu quả. Chủ trương “tỉnh nắm tới xã, huyện nắm tới ấp, xã nắm tới hộ gia đình” có sự chuyển biến hơn. Huyện ban hành Chỉ thị 02 về củng cố nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ NDTQ. Đây là giải pháp để xã nắm tới hộ gia đình thông qua tổ NDTQ.

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường. Ảnh: Cẩm Trúc

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường. Ảnh: Cẩm Trúc

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện tập trung cao cho công tác lãnh đạo, đặc biệt là công tác đánh giá tự soi, tự sửa của các cấp ủy rất là đồng bộ, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 01, cũng như học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Qua đó, từng bước tạo chuyển biến tốt trong công tác sinh hoạt các cấp ủy, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân…

Ý kiến các đại biểu đều cho rằng, cần kiên quyết xử lý vi phạm trong công tác Đảng nhằm để từng bước củng cố tổ chức Đảng. “Việc thực hiện chỉ tiêu kéo giảm đảng viên vi phạm mặc dù được tập trung nhưng tỷ lệ đảng viên vi phạm lại tăng cao. Trước tình hình đó, huyện kiên quyết xử lý đảng viên vi phạm...” - Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường nói.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Hồng Nhung cho rằng: Cần chú trọng, nâng cao chất lượng đảng viên. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực và sức chiến đấu. Thời gian qua, phong trào thi đua “Đồng khởi mới” có thẩm thấu xuống tận cơ sở, tuy nhiên chất lượng đi vào chiều sâu và chưa tạo được đột phá. Đề xuất hướng tới cần đẩy mạnh truyền cảm hứng, động viên, chia sẻ nhiều hơn cho cơ sở, nâng cao năng lực cho cơ sở.

Kinh tế đang từng bước phục hồi

Theo đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội đang từng bước phục hồi và đạt được một số kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: Ước tăng trưởng GRDP đạt khoảng 3,83%; thu ngân sách đạt khá; giải ngân vốn đầu tư công đạt 50,9%, đứng đầu so với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đã tổ chức khởi công công trình Cầu Rạch Miễu 2. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được phục hồi và phát triển; hoạt động du lịch đã thật sự phục hồi sau thời gian dài ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19, lượng khách và doanh thu đều tăng mạnh so cùng kỳ.

Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Châu Văn Bình. Ảnh: P. Tuyết

Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Châu Văn Bình. Ảnh: P. Tuyết

Trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Châu Văn Bình cho rằng: Việc liên kết hợp tác có chuyển biến, nhất là việc phát triển vườn dừa hữu cơ. Hiện giá dừa tham gia tổ hợp tác giá khá cao, từ 35 đến 50 ngàn đồng/chục, do đó đây được xem là cơ hội để các cấp, các ngành, hệ thống chính trị tập trung tuyên truyền cho người dân tham gia trồng dừa theo hướng hữu cơ. Theo Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Châu Văn Bình: Để tham gia kinh tế hợp tác còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Kinh tế tập thể chuyển biến chậm. Nguyên nhân do, Tổ giúp việc tham mưu cho Ban chỉ đạo kinh tế tập thể hoạt động chưa tốt, chưa tham mưu được nội dung để Ban chỉ đạo họp định kỳ; việc tăng cường kiểm tra, giám sát hỗ trợ các tổ hợp tác ở cơ sở chưa thường xuyên, chưa sát.

Về giải pháp trong phát triển kinh tế thời gian tới, Bí thư Huyện ủy Châu Văn Bình đề nghị tỉnh quan tâm có cách làm mới trong lãnh đạo thực hiện Chương 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp” ở giai đoạn 2 nhằm tạo sức bậc, xung lực mới trong phát triển doanh nghiệp; có giải pháp phát triển đồng bộ chủ trương nuôi tôm biển và việc quản lý khai thác nước ngầm; có giải pháp trong quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong đó có đất rừng và đất bãi bồi; quan tâm tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư mới và có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu, cụm công nghiệp, các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh; tập trung giải pháp cho phát triển du lịch.

Tỉnh ủy lãnh chỉ đạo việc rà soát chọn những nội dung trọng tâm từ đó xác định các giải pháp đột phá trên từng ngành, lĩnh vực; sớm có chủ trương tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ để các địa phương có sự rà soát đánh giá và có kế hoạch lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện; tỉnh nên có chỉ đạo rà soát việc phát triển các dự án điện gió trong bờ, với những dự án chưa đầu tư vận động chuyển đổi để có quy hoạch khác phù hợp hơn. Xem xét tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 Dự án nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển. Tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành hỗ trợ sớm bổ sung quy hoạch Khu công nghiệp An Nhơn.

Bí thư Huyện ủy Ba Tri Võ Văn Phê. Ảnh: Hữu Hiệp

Bí thư Huyện ủy Ba Tri Võ Văn Phê. Ảnh: Hữu Hiệp

Theo Bí thư Huyện ủy Ba Tri Võ Văn Phê: Chủ đề 2022 “Đồng thuận - Sáng tạo - Phát triển” thật sự có đồng thuận, triển khai quán triệt nghị quyết tỷ lệ cao nhưng chưa sáng tạo, phát triển. Cần tiếp tục quán triệt để có hiệu quả hơn, nhất là phải có sản phẩm cụ thể sau khi quán triệt. Đối với phát triển cụm công nghiệp, đề nghị quan tâm các doanh nghiệp có tiềm năng, để trong đầu tư triển khai nhanh dự án, không để kéo dài như thời gian qua, gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương, người dân. Thời gian qua huyện vướng cơ chế chính sách xin đầu tư ngoài cụm công nghiệp mới nhưng không được theo quy định. Chuỗi giá trị trong nông nghiệp, tỷ lệ hộ tham gia còn rất ít. Gần đây, huyện tiếp các đoàn đầu tư và có phương án cụ thể hơn như là nhà máy rượu, cá khô.

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường phấn khởi vì tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đã đạt trên 3,8%, nhưng so với cả nước còn khiêm tốn. Kinh tế nông nghiệp của huyện có tăng trưởng chậm, do tác động giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực nên tăng trưởng thấp, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, nhất là con heo và cây dừa, giá rất thấp. Song, nhìn ở khía cạnh tích cực, nhận thấy, người trồng dừa rất tích cực tham gia liên kết chuỗi và chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ. Do các doanh nghiệp trong chuỗi thực hiện thu mua với giá cao hơn thị trường, giúp người dân an tâm giữ vững vùng nguyên liệu.

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng.

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng. Ảnh: Cẩm Trúc

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng khẳng định: So với các lĩnh vực trong Khu vực I, nuôi thủy sản, nhất là tôm công nghệ cao có sự phát triển khá. Nếu không quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp trong 6 tháng cuối năm, khả năng Khu vực I tăng trưởng tốt hơn để đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là rất khó. Bình Đại là 1 trong các huyện được các nhà đầu tư đang rất quan tâm đầu tư thực hiện các dự án đô thị, do đó cần được quan tâm trong thời gian tới.

 Bí thư Thành ủy TP. Bến Tre Nguyễn Văn Tuấn.

Bí thư Thành ủy TP. Bến Tre Nguyễn Văn Tuấn. Ảnh: Cẩm Trúc

Bí thư Thành ủy TP. Bến Tre Nguyễn Văn Tuấn chỉ ra: Việc chọn vấn đề ban hành nghị quyết trong thời gian qua rất hay, rất sát nhưng kết quả triển khai thực hiện nghị quyết còn nhiều hạn chế. Do đó thời gian tới cần quan tâm khắc phục. Về tinh thần “đồng thuận - sáng tạo”, cán bộ muốn sáng tạo cũng gặp rất nhiều khó khăn do đôi khi còn gặp vướng các văn bản từ trung ương. Vì thế, đồng thuận tốt nhưng muốn thuận lợi sáng tạo trong thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết cần có cơ chế chung. Thành phố mặc dù đang có nhiều thuận lợi để xây dựng phát triển đô thị loại I nhưng trước thực trạng là quy hoạch dự án nhiều cũng đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân. Do đó, cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án này.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Hồng Nhung. Ảnh: Cẩm Trúc

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Hồng Nhung. Ảnh: Cẩm Trúc

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Hồng Nhung ý kiến: Cần khảo sát rà soát lại các dự án đô thị trên địa bàn tỉnh, đủ điều kiện phát triển đô thị mang tính tầm nhìn. Đề xuất xây dựng TP. Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại I trước năm 2030. Tỉnh ủy lãnh đạo sát việc mở rộng địa giới hành chính cho tỉnh Bến Tre, 18 tiêu chí (59 tiêu chí) chưa đạt, cần bố trí nguồn lực thực hiện để đạt mục tiêu nghị quyết đảm bảo TP. Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại I.

Liên quan đến việc xử lý văn bản, Bí thư Huyện ủy Bình Đại Nguyễn Văn Dũng cũng nêu: Trong xử lý văn bản từ địa phương lên tỉnh và khâu trả lời, cho ý kiến còn chậm, nghẽn, có những văn bản rất chậm, cả nữa năm chưa được trả lời dứt khoát, nhất là về lĩnh vực đất đai.

Ý kiến các đại biểu cũng cho rằng, Tỉnh ủy có chỉ đạo UBND tỉnh, các ngành đeo bám trung ương về việc cho ý kiến đồng thuận 7 nội dung kiến nghị của tỉnh về phát triển kinh tế (tại chuyến làm việc với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân Lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu).

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc nêu: Tăng trưởng quý I trên 1,6%; tăng trưởng quý II, trên 6,5%. Kết quả 6 tháng là 3,83%. Vì thế, muốn đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm từ 8 đến 8,5% thì quý III và IV phải tăng trưởng gấp đôi quý II. Hiện nay, tỉnh đang tập trung các dự án năng lượng 3 huyện biển; đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu; tập trung xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp; quyết liệt triển khai giải ngân các dự án đầu tư công; phát triển doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dẫn đầu…

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới. Ảnh: Hữu Hiệp

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới. Ảnh: Hữu Hiệp

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới cho rằng: Tỉnh uỷ quan tâm tập trung đầu tư quy hoạch xây dựng vùng sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, chế biến, gắn với doanh nghiệp để liên kết đầu ra sản phẩm. Có một số chỉ tiêu tỉnh thực hiện đến giờ này còn khó khăn nếu không có giải pháp cụ thể, thì khả năng cuối năm không đạt. Hoàn thành xây dựng Trung tâm Giống hoa kiểng Chợ Lách, 500ha nuôi tôm công nghệ cao, gắn với chuỗi chế biến sản phẩm, nhưng qua giám sát cho thấy, tuy có làm nhưng tiến độ và kết quả còn quá thấp. Tiến độ xây dựng nông thôn mới chậm so với Nghị quyết, 5 hợp tác xã kiểu mới chưa đạt.

Bí thư Huyện ủy Chợ Lách Nguyễn Văn Đảm.

Bí thư Huyện ủy Chợ Lách Nguyễn Văn Đảm. Ảnh: Hữu Hiệp

Bí thư Huyện ủy Chợ Lách Nguyễn Văn Đảm, đồng tình đánh giá, 6 tháng đang khởi động lại kinh tế - xã hội nhiều chỉ tiêu đạt vượt hứa hẹn cuối năm khả quan. Chủ trương đồng thuận triển khai đồng bộ, quyết liệt từ huyện đến từng chi bộ ấp. Đồng thời, chấn chỉnh lại tinh thần, thái độ của cán bộ, đảng viên, đồng thuận của dân. Tinh thần “Đồng khởi mới” cũng quyết liệt nhưng thật sự còn lúng túng, chưa xây dựng tốt mô hình cụ thể, đã có bước chấn chỉnh, nhất là phong trào xã nông thôn mới nâng cao khả quan.

Việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, là vùng có lợi thế nhưng để duy trì cần có nước ngọt. Tập trung xây dựng hệ thống thủy lợi, đê điều. Đề án Làng văn hóa du lịch, đang tập trung, người dân đã chuyển bộ, vận động người dân chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, tham gia làm giao thông.

Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ Bùi Văn Hản Em phát biểu: Chủ trương xây dựng TP. Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại I, trong các giải pháp đưa ra, thì có một số chỉ tiêu chưa đạt, đang hướng đến đó là quy mô dân số, nhà ở dân cư, hạ tầng giao thông, cơ sở giáo dục, công trình văn hoá, thương mại…Trong tất cả các nội dung này đề xuất tiêu chí nhà ở dân cư phải được đưa lên hàng đầu. Bởi thực tế hiện nay thành phố có hàng loạt khu dân cư nhưng hầu hết giá trị rất cao, đối với người thu nhập thấp và người thu nhập trung bình thì khó có khả năng vào các khu chung cư này.

Qua thực tế xây cầu Rạch Miễu 2, đến nay đã giải phóng mặt bằng, người dân đã di dời nhưng trong khu tái định cư của người dân ở TP. Bến Tre và Châu Thành vẫn chưa kịp thời, chưa có chỗ ở cho người dân di dời, rất khó khăn. Sắp tới, khi xây dựng TP. Bến Tre thành đô thị loại I thì tiêu chí nhà ở là vô cùng bức xúc và cấp thiết.

Việc xây dựng các mô hình sản xuất tập trung, trong thực tế thời gian qua, cái khó chính là đối với sản xuất nông nghiệp, thị trường có nhiều biến động, giá cả một số mặt hàng quá thấp. Trong các loại hình, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), toàn tỉnh hiện có 118/169 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp đang gặp khó, giá đầu vào, vật tư, thuốc thú y tăng cao, trong khi đầu ra chưa ổn định. Nếu chỉ để cho hệ thống HTX tự bươn chải thì sẽ không có hiệu quả. Muốn cho các HTX tiếp tục đứng vững, phát triển thì phải có sự chung tay của hệ thống chính trị mà Nhà nước cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, giúp các HTX tiếp cận điều kiện ngân hàng, thị trường để có cơ hội phát triển.

Nhiều giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội

Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Kim phát biểu thảo luận tại Tổ. Ảnh: P. Tuyết

Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Kim phát biểu thảo luận tại Tổ. Ảnh: P. Tuyết

Đánh giá về tình hình đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2022, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Kim cho rằng: Các cấp ủy, các cơ quan nội chính đã triển khai quyết liệt các giải pháp lãnh đạo đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn những yếu tố có diễn biến phức tạp. Tình hình tội phạm tăng. Xét nguyên nhân gia tăng tội phạm, theo Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Kim có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân do mâu thuẫn xã hội.

Trong giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội thời gian tới, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy đề nghị: Cần tiếp tục tăng cường các giải pháp phòng ngừa phát sinh, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ quần chúng nhân dân. Lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp quản lý đối tượng địa bàn, kịp thời phát hiện xử lý tội phạm liên quan đến ma túy, quản lý người nghiện, có giải pháp để người nghiện sau cai nghiện có việc làm và từ bỏ ma túy không tái nghiện. Các cơ quan tư pháp giải quyết kịp thời các tin báo tố giác tội phạm, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, hạn chế án tạm đình chỉ. Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục ngư dân để nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ chủ quyền biển và an ninh biên giới biển; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về khai thác thủy sản IUU, góp phần gỡ bỏ “thẻ vàng” EC.

Trưởng ban nội chính Tỉnh ủy Lê Thanh Vân cho rằng: Lãnh đạo các cấp cần quan tâm thực trạng tại một số địa phương là người dân tự ý san lấp đất nông nghiệp, chuyển mục đích sử dụng, phân lô bán nền. Tình trạng khiếu kiện đông người còn diễn biến tăng. Người dân đến tỉnh khiếu kiện rất đông, có những trường hợp đã giải quyết rồi nhưng vẫn tiếp tục khiếu kiện để cầu may. Các tội phạm xã hội tăng gấp đôi so cùng kỳ 2021, đây là điều nổi lên đáng quan tâm cần có giải pháp đồng bộ trong thời gian tới.

Phó giám đốc Công an tỉnh Lê Văn Hòa cho biết: Trong những tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã nổi lên các vụ trọng án, tội phạm xã hội nguy hiểm, tín dụng đen, khai thác cát trái phép…

Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nguyễn Chí Quang.

Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nguyễn Chí Quang. Ảnh: Hữu Hiệp

Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nguyễn Chí Quang cho rằng: 6 tháng qua an ninh trật tự, an ninh quốc phòng được đảm bảo. Công tác phòng chống tội phạm cũng được quan tâm. Trong đó, điều đáng mừng là tội phạm vi phạm pháp luật có giảm.Tuy nhiên, đáng lưu ý là số vụ giảm nhưng số người chết và bị thương tăng nhiều. Trong đó, đáng chú ý là tội phạm liên quan đến cố ý gây thương tích và tội phạm giết người gia tăng. Tệ nạn xã hội cũng được kéo giảm đáng kể, tai nạn giao thông kéo giảm cả 3 mặt là tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, tệ nạn xã hội, trộm cắp tài sản, đánh bạc, sử dụng ma tuý, chưa được kéo giảm, thậm chí một số mặt còn có chiều hướng gia tăng. Đề nghị, các ngành liên quan cần có giải pháp hiệu quả hơn. Trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, thanh tra, các ngành chức năng cũng đã tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra, điều tra xét xử cơ bản đảm bảo, đã xác định một số đơn vị có sai phạm về tài chính.

Hữu Hiệp - Phạm Tuyết - Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN