 |
Chủ động xây dựng ống hồ trữ nước, người dân yên tâm bước vào mùa hạn mặn sắp tới. |
Mỗi dịp xuân về luôn mang cho chúng ta nhiều cung bậc cảm xúc như những nốt nhạc trầm - bổng khác nhau. Năm 2016 là năm mà người dân Bến Tre phải chịu hạn mặn khắc nghiệt nhất trong 90 năm qua. Sau lời kêu gọi của Bí thư Tỉnh ủy, Chỉ thị và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát động phong trào trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất thì đến nay, đa phần nhà nhà đều có được dụng cụ chứa nước.
Chặng đường đã qua
Trong ngày xuân, niềm vui của mỗi người, mỗi gia đình là
được quây quần bên người thân yêu cùng với câu chúc tụng và sự chia sẻ về những
ngày qua. Nhưng trước giờ phút thiêng liêng chào đón năm mới có lẽ cái “hơi mặn”
của năm qua vẫn còn len lỏi trong tâm trí mỗi người. Trong đợt hạn mặn, nắng
nóng gay gắt, tình trạng thiếu nước ngọt diễn ra khốc liệt gây thiệt hại lớn đến
sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân, người dân trồng lúa huyện Ba Tri thất
trắng. Hàng ngày, trên các tuyến đường thôn quê nhiều chuyến xe chở nước… đi đổi
cho các hộ dân. Điều không khỏi “đắng lòng” ở đây là nước được lấy từ dưới giếng
nhưng giá lại... trên trời.
Không lùi bước trước khó khăn, Đảng bộ và nhân dân trong
tỉnh cùng chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu. Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo
đã có thư ngỏ kêu gọi từng nhà, từng gia đình ngay từ mùa mưa năm 2016 hãy chủ
động tích trữ nước mưa, nước ngọt đủ cho ăn uống, tắm giặt… bằng nhiều hình thức.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể quyết liệt vận động
giúp nhân dân chủ động, tích cực, khẩn trương thực hiện, không trông chờ, ỷ lại.
Ai có điều kiện và khả năng đến đâu thì phát huy đến đó, ưu tiên giúp đỡ những
người, hộ thật sự nghèo, khó khăn, gia đình chính sách. Ban Thường vụ Tỉnh ủy
ban hành Chỉ thị số 06 và Kế hoạch số 28 về việc phát động nhân dân trữ nước
mưa, nước ngọt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất. Với cách làm sáng tạo ở
các địa phương, phong trào nhanh chóng lan tỏa đến khắp hộ dân. Trong những lúc
khó khăn con người có sự gắn kết đến lạ kỳ.
Đủ nước ngọt cho sinh
hoạt
Ba Tri là một trong những huyện chịu thiệt hại nặng nề nhất,
vì thế Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã hưởng ứng kế hoạch của Tỉnh ủy từ rất sớm
và vận động mạnh thường quân hỗ trợ cho người dân. Nổi bật, Hội Liên hiệp Phụ nữ
huyện đã vận dụng nhiều biện pháp để tuyên truyền chị em thích ứng và cũng từ
đây các mô hình trữ nước mang tính tương thân tương ái cũng ra đời. Hội đã phát
động phong trào xây dựng dụng cụ trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ cho nhu cầu
sinh hoạt và chăn nuôi. Đối với các chị em có hoàn cảnh khó khăn, Hội cũng thực
hiện các giải pháp vận động mạnh thường quân, ký kết với nhà vật tư xây dựng trả
dần, thành lập tổ tiết kiệm làm ống hồ xoay vòng.
Bà Phạm Thị Xuộng ở xã Bảo Thạnh cười tươi chia sẻ: “Ngày
trước tôi thấy nhà người ta làm tôi cũng ham lắm nhưng lấy đâu ra tiền để làm.
Nhờ Hội Phụ nữ giúp đỡ ký kết với cơ sở vật liệu xây dựng trả góp hàng tháng mà
gia đình tôi mới có số ống hồ để trữ nước. Giờ trữ nước xong, tôi mừng còn hơn
được cất nhà. Trong mùa hạn mặn trước, mỗi lần đổi nước gia đình tôi chỉ có thể
chứa được 1/4 khối nước nên thiếu sử dụng”. Gia đình bà đổ 6 ống hồ và hiện đã
chứa đầy nước mưa.
Được biết, đối với mỗi ống hồ, mỗi hội viên đóng 100 ngàn
đồng/tháng và trả dần trong khoảng 10 tháng; mọi người còn giúp nhau ngày công
lao động. Mô hình lan tỏa nhanh và đạt hiệu quả cao. Đến nay, qua khảo sát của
huyện, đa số hộ gia đình đều ý thức được việc trữ nước và việc trữ nước đã thực
hiện tốt. Nếu xài tiết kiệm và hợp lý sẽ đảm bảo đủ sinh hoạt trong mùa nắng tới.
Phấn khởi hơn là có nhiều hộ nghèo không trông chờ vào nguồn vận động mà họ tự
vay, mượn để trang bị dụng cụ chứa nước cho gia đình.
Một mùa xuân mới lại về chứa chan bao cảm xúc giữa cho và
nhận; giữa được và mất nhưng chúng ta ấm lòng và vững tin vào cuộc sống dù cho
thiên tai khắc nghiệt thì với sự chung sức chung lòng, cả hệ thống chính trị và
người dân đều có thể vượt qua.