Tết Trung thu không thể quên!

27/09/2012 - 17:58
Học sinh Trường Mẫu giáo Thạnh Hải vui mừng được quà Trung thu. Ảnh: H.Vũ

Người ta nói rằng, trăng Trung thu là trăng to nhất, sáng nhất trong năm. Khi vầng trăng tháng Tám dần tròn, niềm vui của các em thiếu nhi cũng dâng tràn theo. Đến với các em thiếu nhi tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em, chúng tôi được nghe các em kể về kỷ niệm của mùa Trung thu đẹp nhất. Đó là những thước phim lóng lánh ánh trăng quê nhà, với gia đình, bạn bè… mà các em đã “chụp” lại bằng trí nhớ của mình.

Tết Trung thu đã đến. Không khí tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em cũng rộn ràng, náo nức. Thầy cô và các em thiếu nhi ở đây đang tất bật với chương trình văn nghệ rồi làm lồng đèn… Trung tâm hiện có 59 em đang đi học từ lớp 1 đến lớp 12. Bảy giờ tối, trời mưa và lạnh nhưng giờ học bài của các em cứ ấm dần lên bởi những câu chuyện về mùa Trung thu đẹp nhất đang sống lại trong lòng mỗi người.

Phạm Thị Rỡ, học sinh lớp 9, quê ở Ba Tri. Vì nhà nghèo, ba mất sớm, mẹ đau bệnh không nuôi nổi 4 chị em Rỡ, nên 3 anh chị em Rỡ lên Trung tâm Bảo trợ trẻ em, chỉ còn mình cô gái út là Rỡ ở lại quê nhà. “Các anh chị đi rồi, nhà lại xa trường học, các bạn đi chơi hết, mình em chơi Trung thu buồn ơi là buồn!”. Rỡ còn nhớ một mùa Trung thu cách đây không xa, ba anh chị về quê thăm Rỡ và vui Trung thu với em. Đến giờ, niềm vui đó còn in đậm trong em. Tết Trung thu ở quê, mấy bạn cùng xóm rủ nhau làm lồng đèn bằng lon bia, bằng tre, đùa vui dưới ánh trăng vàng là kỷ niệm khó quên của em Nguyễn Văn Hậu và Quang Huy.

Các em ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em làm lồng đèn đón Tết Trung thu.
Ảnh: T.Thảo

Đã 6 mùa trăng tròn rồi Nguyễn Thị Yến Nhi, 12 tuổi, sống tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em. Gương mặt dễ thương của cô bé đội nón len vàng cứ đọng mãi trong tôi. Mẹ mất sớm, cha bỏ, Nhi ở với bà Tư. Bà Tư đã già, không nuôi nổi Nhi nên em lên Trung tâm ở. Mặc dù tuổi thơ không êm đềm nhưng quê hương Vĩnh An (Ba Tri) là nơi mà Nhi gởi lại kỷ niệm đẹp nhất. Yến Nhi nói: Ở đó, con có nhiều bạn, tụi con tự làm lồng đèn rồi cùng nhau leo lên cây ổi chơi. Nếu cho con một điều ước, con muốn quay về những ngày tháng ấy để vui Trung thu ở quê nhà. Ba mẹ ly hôn, đã hơn một năm sống tại mái nhà chung là Trung tâm Bảo trợ trẻ em, Đặng Huỳnh Minh Kha có thêm nhiều bạn. Ở đây vui, nhưng Kha nhớ nhất Trung thu năm 2010, Kha và các bạn ở quê xuống dưới chân cầu đốt đèn cầy, vui lắm Kha không sao quên được!

Vào năm 2006, Lê Thị Diễm Linh (6 tuổi) rời quê Thạnh Phú lên Trung tâm Bảo trợ trẻ em sống. Cô bé đặt tên cho câu chuyện mà mình sắp kể là “Trung thu cuối cùng ở quê”. Được các cô chú ở xã báo, sáng ngày mai phải đi, đêm đó đúng vào ngày Tết Trung thu. Các bạn Linh đi đốn tre làm lồng đèn, một chiếc lồng đèn xinh xắn ra đời, các bạn không ai nói ai, nhường cho Linh chơi chiếc lồng đèn ấy. Rồi cả bọn rủ nhau lên thảm cỏ nằm, mấy bạn Linh nói “Đừng quên mình nha Linh!”. Sáng hôm sau, Linh đi, các bạn không dám ra tiễn vì sợ không cầm được nước mắt. Mãi đến hôm nay, 6 năm đã trôi qua nhưng Diễm Linh vẫn còn nhớ những người bạn tốt ấy.

Mỗi người chúng ta dù giàu hay nghèo đều có một tuổi thơ với những ký ức đẹp để nhớ. Một mùa Trung thu nữa lại đến, và biết đâu đó lại là một ký ức đẹp không thể quên trong trái tim ngây ngô thơ ấu của ai đó? Buổi trò chuyện với các em nhỏ ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em khép lại với màn trình diễn tiểu phẩm “Phép màu cuộc sống” do các em tự soạn. Phép màu mà các em mơ ước không ở đâu xa, đó chính là tình người, tình bạn mà chúng ta dành cho nhau!

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích