Tham gia CPTPP: Doanh nghiệp cần tăng tính liên kết chuỗi

05/04/2019 - 08:55

BDK - Hiệp định CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) tại Việt Nam chính thức có hiệu lực vào ngày 14-1-2019. Việc tham gia hiệp định này mang đến nhiều cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng.

Bưởi da xanh được kiểm soát theo quy trình sản xuất an toàn tại Hợp tác xã bưởi da xanh Giồng Trôm.

Bưởi da xanh được kiểm soát theo quy trình sản xuất an toàn của Công ty TNHH Green Powers.

Cơ hội và thách thức

Có 11 nước CPTPP, gồm Nhật Bản, New Zealand, Canada, Mexico, Singapore, Úc (có hiệu lực từ ngày 30-12-2018), Việt Nam (có hiệu lực ngày 14-1-2019) và các nước còn lại là Brunei, Malaysia, Peru, Chile (đang tiếp tục hoàn thành thủ tục trong nước, mục tiêu tất cả phê chuẩn trong năm 2019). Tổng GDP khối 11 nước CPTPP trên 10,3 ngàn tỷ USD, chiếm 13,3% so với thế giới, quy mô thương mại chiếm 14,4%. Xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP khoảng 42 tỷ USD, chiếm 1,7% tổng nhập khẩu của các nước. Dư địa của nước ta xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong CPTPP là còn rất lớn.

Gia nhập CPTPP, Việt Nam có 5 cơ hội lớn. Trước hết là sự tác động tích cực đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh và công tác phát triển thị trường xuất khẩu. DN Việt Nam sẽ được hưởng những cam kết cắt giảm thuế quan ở mức cao, cụ thể với Úc là 93% số dòng thuế; cắt giảm thuế ngay của Canada lên đến 94,9% số dòng thuế; với Nhật Bản cam kết xóa bỏ ngay 86% số dòng thuế và 90% số dòng thuế sau 5 năm… CPTPP mở ra cơ hội để một số nhóm hàng phát triển bởi những cam kết rất mở, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu ở cả nhóm hàng nông, lâm, thủy sản và nhóm hàng công nghiệp. Đồng thời, CPTPP tạo điều kiện cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; tạo động lực phát triển công nghiệp phụ trợ; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hỗ trợ tích cực tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Cùng với cơ hội đặt ra, CPTPP cũng đặt ra 3 thách thức lớn. Một là tạo sức ép cạnh tranh đối với nền kinh tế và các DN Việt Nam. Hai là, để được hưởng các chính sách ưu đãi thuế quan theo CPTPP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chí về xuất xứ hàng hóa. Ba là xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước của các nước nhập khẩu.

Theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, mặc dù CPTPP mang lại nhiều lợi thế để chúng ta tận dụng nhưng nếu chậm thì lợi thế này sẽ trở thành lợi thế cho những đối thủ cạnh tranh, tức sẽ gây bất lợi cho DN Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng. Khi đó, cơ hội biến thành thách thức.

Cần đủ chuẩn và chuỗi

Vấn đề đặt ra trong năm 2019 là DN Việt Nam nên làm gì, chuẩn bị gì, trong dịp họp mặt DN đầu xuân tại Bến Tre, bà Vũ Kim Hạnh nêu rõ: DN Bến Tre nói riêng và Việt Nam nói chung nên xây dựng sản phẩm của mình theo tiêu chuẩn quốc tế và quản lý chất lượng ổn định với hệ thống quản trị đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việc cải tiến công nghệ nhanh chóng sẽ làm giá thành sản phẩm giảm, tiếp cận thị trường nước ngoài nhanh hơn; đồng thời, tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu theo các điều kiện cạnh tranh.

Số lượng doanh nghiệp quan tâm đăng ký danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao hiện chưa nhiều.

Số lượng doanh nghiệp quan tâm đăng ký danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao hiện chưa nhiều.

Tới đây, sẽ xuất hiện nhiều DN nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam để tìm kiếm các thành phần từ các chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa và xuất lại các nước trong CPTPP với thuế suất bằng 0. Điều này rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và đó là cơ hội rất lớn để DN có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cần nâng cao năng lực phòng vệ bằng liên kết sản xuất và xây dựng mạng phân phối nội địa cho vững chắc. Kết hợp với nhau thông qua các hiệp hội, nắm vững pháp luật kinh doanh trong nước, quốc tế và sẵn sàng cho các tranh chấp về pháp lý.

Hiện nay, các nước đang xây dựng các tiêu chuẩn, tìm các nước thành viên để tham gia vào các chuỗi có lợi nhất. Hai vấn đề quan trọng của CPTPP là miễn giảm thuế và quy tắc xuất xứ. Như vậy, Việt Nam nên chuẩn bị kỹ và xem thế mạnh của chúng ta là xuất cái gì, các ngành được lợi và bao nhiêu %.

Xây dựng tiêu chuẩn

So với 10 nước còn lại trong CPTPP thì thực trạng nông nghiệp Việt Nam còn nhiều khó khăn nhất như: DN nông nghiệp chưa bền vững, nông dân thu nhập thấp, ngành nông sản dễ bị tổn thương nhất trong hội nhập và cần được bảo vệ. Áp lực và động lực từ CPTPP là buộc Chính phủ lẫn người sản xuất riêng lẻ giảm dần cho đến không còn tình trạng xuất nguyên liệu thô hay sơ chế mà sẽ nâng cao chế biến sản phẩm giá trị gia tăng. Cơ cấu sản xuất theo hướng tăng chất lượng thay vì tăng số lượng và chuyển từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô lớn, khép kín chuỗi giá trị, cập nhật xu thế thị trường…

DN cần tự hỏi, nếu DN có năng lực xuất khẩu thì sẽ xuất đi đâu, để từ đó tăng cường quản lý chất lượng an toàn thực phẩm bằng tiêu chuẩn và quy chuẩn. Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao đã phối hợp với Tổ chức GlobalGAP để đưa ra một tiêu chuẩn trung chuyển - bước đệm để tiến đến tiêu chuẩn GlobalGAP. Trong khi để xây dựng tiêu chuẩn GlobalGAP phải mất khoảng 2 năm và tốn kém khoảng 200 triệu đồng thì với tiêu chuẩn bước đệm GlocalGAP, DN chỉ cần 6 tháng và khoảng 100 triệu đồng để làm theo hình thức hợp tác xã, tức nhiều DN cùng chia sẻ giấy chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP. Hội cũng đã nghiên cứu sâu tiêu chuẩn bước đệm cho các DN yếu thế hơn các DN nông sản của châu Âu.

Mỗi DN cần yếu tố hiểu thị trường và tăng cường khả năng liên kết của mình. Thời gian qua, đây cũng là điểm yếu nhất của DN Việt Nam. Chính điều này các DN đã “tự đuổi nhau” ra khỏi thị trường xuất khẩu. Nếu trong CPTPP, chúng ta không sửa được điều này thì chúng ta sẽ gặp thiệt hại. Về chuỗi liên kết, trong thời gian gần đây cũng có điều đáng mừng là đã xuất hiện một số DN đứng ra liên kết với nông dân để thực hiện các chuỗi chuối, dừa xuất khẩu. Riêng ở Bến Tre có các DN tiêu biểu trong liên kết chuỗi như Lương Quới, Betrimex…

UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP. Trong đó, triển khai hội nghị về cơ hội và thách thức của CPTPP, kết hợp xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc. Hiện nay, các DN ngoài tỉnh rất quan tâm đến cơ hội và thách thức của hiệp định trong khi DN trong tỉnh còn chậm. Tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch mặt hàng chôm chôm, hiện đang tiếp tục tập trung mặt hàng dừa, bưởi da xanh. Trong tương lai, muốn sản xuất được, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các DN phải tiếp cận được thị trường, phải chứng minh được hàng hóa luôn luôn ổn định và truy xuất nguồn gốc.

UBND tỉnh mong muốn các DN phải liên kết với hợp tác xã, ngược lại, hợp tác xã liên kết với DN để tìm đầu ra. Lĩnh vực khởi nghiệp cũng phải gắn với thị trường, phải biến tất cả sản phẩm làm ra trở thành hàng hóa.

(Ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN