
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm.
Lợi ích khi tham gia HTX
Chị Dương Thị Kim Chi, ngụ xã Hữu Định, huyện Châu Thành cho biết, chị có vườn bưởi mới trồng được 2 - 3 năm, bình thường chị tự tìm tòi cách chăm sóc cây bưởi. Đến với buổi tọa đàm “Xây dựng HTX bền vững và vai trò của phụ nữ trong HTX”, chị thấy mình khá thiệt thòi khi không tham gia HTX. Vì vậy, chị quyết định sẽ tham gia HTX bưởi da xanh Bến Tre để vườn bưởi của mình mướt trái, yên tâm không bị thương lái ép giá.
Với kinh nghiệm làm việc đa quốc gia, bà Gaby Breton - đồng Giám đốc VCED chia sẻ, bà có nói một ngày cũng chưa nói hết lợi ích của việc tham gia HTX. Dự án VCED đã tổ chức buổi tọa đàm “Xây dựng HTX bền vững và vai trò của phụ nữ trong HTX”, diễn ra tại UBND huyện Châu Thành ngày 23-10-2018, thu hút hơn 100 phụ nữ là nông dân đang trồng bưởi ở 9 xã trên địa bàn huyện Châu Thành đến dự và lắng nghe. Tại buổi tọa đàm, Dự án VCED đã cung cấp tài liệu gồm 8 chuyên đề kỹ thuật sản xuất bưởi như: sử dụng phân bón cho các giai đoạn phát triển, quản lý sâu bệnh, thực hành nuôi thiên địch, tỉa cành, tạo tán, công thức trộn phân đơn thành phân phức hợp.
Về bản chất, HTX là tổ chức kinh tế - xã hội mang tính cộng đồng và trách nhiệm xã hội, thu hút sự tham gia đông đảo của người nông dân. HTX đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, tạo thu nhập, việc làm, phát triển nông thôn mới... Xây dựng HTX là hình thức tổ chức sản xuất cơ bản ở nông thôn, qua đó phát huy sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt giữa các thành viên trong HTX, góp phần vào phát triển kinh tế và văn hóa tại địa phương.
Theo Dự án VCED, HTX còn là mái nhà chung, là đòn bẩy để theo đuổi và đạt được sự bình đẳng giới, thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng bền vững và nhân văn. Do đó, dự án này khuyến khích các phụ nữ tiềm năng trong cộng đồng mạnh dạn đăng ký tham gia HTX nông nghiệp bưởi da xanh Bến Tre.
Liên kết để “làm ăn lớn”
VCED đã mời chị Đỗ Thị Hiệp và Nguyễn Thị Nhài, đại diện HTX chè Tân Hương (tỉnh Thái Nguyên) - nơi có đến 90% thành viên là phụ nữ - đến chia sẻ kinh nghiệm vận động phụ nữ tham gia HTX.
HTX chè Tân Hương thành lập nhờ sự hỗ trợ của bà Gaby vào năm 2000; đến năm 2011, HTX được cấp chứng nhận UTZ Certified (chương trình chứng nhận toàn cầu cho hoạt động sản xuất và buôn bán chè có trách nhiệm), nhờ đó sản phẩm chè Tân Hương có giá bán cao hơn, nâng mức thu nhập của người lao động tăng lên khoảng hơn 20% so với cách làm truyền thống trước đây. Cũng nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ mà sản phẩm chè của HTX dễ dàng có mặt tại 63 tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Anh.
Hai đại diện từ HTX chè Tân Hương cho biết, cánh phụ nữ đã cùng chí hướng, nguyện vọng hợp tác trong sản xuất làm ra những sản phẩm đồng nhất. Chị em trong HTX chè Tân Hương đã dốc lòng, dốc sức tạo ra một hướng đi mới “một vùng trồng cùng chất lượng, cùng giá đầu ra và cùng nhau hưởng lợi”. Chị Đỗ Thị Hiệp và Nguyễn Thị Nhài đang giữ vai trò lãnh đạo HTX chè Tân Hương. Để làm tốt nhiệm vụ, bí quyết của hai chị là sắp xếp thời gian công việc gia đình, hái chè, đi làm HTX và thuyết phục chồng ủng hộ mình bằng việc chia sẻ công việc nhà để chị có thời gian tham gia vai trò lãnh đạo HTX.
Được biết, Dự án Phát triển HTX Việt Nam đang có nhiều hoạt động hỗ trợ HTX bưởi da xanh Bến Tre như chương trình đào tạo tập huấn kỹ thuật trồng bưởi và kỹ năng quản lý của hộ gia đình, hỗ trợ vốn kinh doanh, hỗ trợ xây dựng nhà xưởng cơ sở vật chất… Bà Gaby Breton khẳng định, vai trò của phụ nữ rất quan trọng trong HTX và phụ nữ không tham gia HTX thì rất thiệt thòi.
Bài, ảnh: Thạch Thảo