Ông Ngô Hữu Tính nuôi dê thịt và dê sinh sản.
641 hộ thoát nghèo
Sau khi tiếp thu Đề án sinh kế của tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Châu Thành đã cụ thể hóa triển khai thực hiện. Qua thời gian thực hiện, huyện có 1.059 hộ đăng ký tham gia. Đến cuối năm 2018, có 641/1.059 hộ tham gia đề án đã thoát nghèo, đạt 60,53%; còn lại 418 hộ tiếp tục thực hiện.
Một trong những địa phương thực hiện đạt hiệu quả đề án là xã Quới Sơn. Từ nguồn vốn ban đầu 10 triệu đồng cho mỗi hộ, 7 hộ là hội viên Hội Nông dân xã tham gia đề án đã đầu tư vào việc chăn nuôi dê sinh sản. Cùng với việc tạo điều kiện tiếp cận vốn, các hội viên còn được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc dê để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Qua đợt rà soát hộ nghèo cuối năm 2017, có 3 hộ trong đề án đủ điều kiện để thoát nghèo bền vững, có 1 hộ từ hộ nghèo sang hộ cận nghèo.
Ông Ngô Hữu Tính (ngụ ấp Quới Hòa Tây, xã Quới Sơn) cho biết: “Tham gia Đề án sinh kế từ khi mới triển khai tại xã, tôi được nhận vốn để mua dê về nuôi. Với số vốn này đầu tư cho nuôi dê nếu nói nhiều thì cũng không đúng mà nói ít thì cũng không phải, nó tùy thuộc vào cách tính của mỗi người. Đối với tôi, với 10 triệu đồng ban đầu thì để mua dê thịt về nuôi rồi bán lấy tiền mua dê sinh sản; sau đó thì nuôi song song dê thịt và dê sinh sản. Lý do là, nuôi dê thịt nhanh hoàn vốn hơn dê sinh sản, thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Hiện tại, tôi có gần 30 con dê thịt và sinh sản. Gia đình tôi đã thoát nghèo. Tôi thấy Đề án sinh kế rất hay, nó tiếp thêm lực giúp cho người nông dân có ý chí phấn đấu, vươn lên thoát nghèo.
Kết hợp đa dạng sinh kế
Bên cạnh kết quả đạt được, trong triển khai đề án trên địa bàn huyện một số nơi còn lúng túng, chưa nắm chắc đối tượng vận động đưa vào đề án và các bước thực hiện… Sinh kế của hộ nghèo, hộ cận nghèo ở một số địa phương chưa đa dạng, rất dễ bị tác động bởi các yếu tố tiêu cực khi tình hình thời tiết và giá cả hàng nông sản biến động; nhiều hộ chưa tận dụng hết điều kiện đất đai, lao động hiện có; vẫn còn tình trạng hộ dân có đất sản xuất nhưng hiện trạng vườn tạp, kém hiệu quả, một số gia đình còn lao động nhàn rỗi, chưa có công ăn việc làm phù hợp.
Ông Trần Quang Tiến - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành cho biết: Trong thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn tuyên truyền rộng rãi để người dân nói chung, người nghèo nói riêng hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của đề án; tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia đề án nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo; đồng thời, huy động sức mạnh của cộng đồng xã hội phê phán tư tưởng dựa vào chính sách. Tập trung tuyên truyền sâu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo khi được chọn tham gia đề án hộ phải hiểu rõ vai trò chủ thể của hộ, quyền lợi và trách nhiệm, nếu hộ đồng ý thì tự nguyện tham gia. Hướng dẫn cho người dân kết hợp đa dạng sinh kế theo các giải pháp của đề án: đa dạng các loại hình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, kết hợp nhiều mô hình nông nghiệp, phi nông nghiệp, tận dụng tối đa điều kiện đất đai, lao động, thời gian nhàn rỗi... để cải thiện sinh kế. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn cơ sở, hộ dân thực hiện; nhất là các xã điểm của huyện. Hướng dẫn hộ dân lập kế hoạch sinh kế, theo dõi việc thực hiện kế hoạch của hộ theo hướng “cầm tay chỉ việc” và thường xuyên gắn kết với hộ nghèo để kịp thời tư vấn hỗ trợ cần thiết. Duy trì tổ chức đối thoại theo định kỳ với các hộ dân tham gia đề án ở các xã điểm.
Huyện cũng sẽ tăng cường phối hợp tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo xã, thị trấn; chú trọng nâng cao năng lực lập kế hoạch, tuyên truyền, vận động và năng lực hướng dẫn, hỗ trợ hộ tham gia đề án xây dựng và thực hiện kế hoạch sinh kế phù hợp, hiệu quả.
Bài, ảnh: Quốc Hùng