Thấm nhuần đạo lý uống nước nhớ nguồn

27/07/2010 - 14:58
Đoàn cán bộ, phóng viên Đài TNVN thăm, tặng quà các thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương, bệnh binh huyện Duy Tiên, Hà Nam.

Đời sống của các gia đình chính sách những năm gần đây đã được cải thiện rõ rệt. 90% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn so với mặt bằng mức sống ở nơi cư trú.

Chiến tranh đã lùi xa 35 năm nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại thì không gì bù lấp được. Ngày 27/7 hàng năm là ngày để cả nước tưởng nhớ những người có công với đất nước bằng lòng biết ơn, sự kính trọng lớn lao.

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta luôn phải gồng mình chống chọi với giặc ngoại xâm, lập nên bao chiến công hiển hách, làm nên những trang sử vẻ vang. Đi liền với những vinh quang đó là những tổn thất hết sức to lớn về người và của. Thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, cách đây 63 năm, ngày 27/7/1947 được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Ngày Thương binh toàn quốc (sau đó được đổi là Ngày Thương binh - Liệt sĩ).

Theo Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện có khoảng 20.000 thương binh nặng, tỉ lệ thương tật trên 81% được chăm sóc chu đáo. Hơn 8 triệu người hưởng ưu đãi một lần và hàng tháng với tổng kinh phí mỗi năm lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Hàng chục nghìn con thương binh, liệt sĩ được hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục - đào tạo, chăm sóc y tế. Hàng nghìn người nhiễm chất độc da cam/dioxin được hưởng trợ cấp.

Đất nước ngày càng phát triển, công tác đền ơn đáp nghĩa cũng ngày càng được chú trọng. Đảng và Chính phủ đã có nhiều chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thương binh, liệt sĩ. Đặc biệt, Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, với nội dung cơ bản là xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và những người có công với nước, làm sao để các gia đình thuộc diện chính sách ở các địa phương có mức sống ngang bằng hay khá hơn mức sống trung bình ở nơi cư trú.

Những chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thường xuyên được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước, chăm lo tốt hơn đời sống người có công. Từ các chính sách này, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương luôn có ý thức, trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình trong diện chính sách phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giúp họ có cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.

Những năm gần đây, việc vận động người dân chăm lo đời sống cho người có công ngày càng được nâng cao và hoàn thiện. Từ phong trào này, hàng năm, cả nước huy động được hàng nghìn tỉ đồng giúp gia đình chính sách xây dựng nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà ở và chăm lo phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Tất cả những điều đó thể hiện tình cảm biết ơn sâu sắc, trách nhiệm lớn lao của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc đền đáp công ơn với những người đã xả thân vì nước.

Phát huy sức mạnh của thế kiềng ba chân

Theo ông Dương Minh Đỗ, Phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH, chế độ trợ cấp ưu đãi người có công từ nguồn ngân sách hiện nay thường xuyên được đổi mới theo hướng khắc phục những bất hợp lý, thực hiện công bằng giữa các mức trợ cấp và được xây dựng trên cơ sở mức sống trung bình của xã hội trong từng thời kỳ. Sự chăm lo kịp thời, đầy đủ đối với các đối tượng chính sách là nguồn động viên to lớn, giúp họ vơi đi nỗi đau, bù đắp phần nào những thiệt thòi mà họ và gia đình đang phải gánh chịu.

Bên cạnh đó, phải kể đến sự nỗ lực của bản thân và gia đình những đối tượng chính sách. Nhiều tấm gương thương binh dám nhận phần khó về mình đi khai hoang những vùng đất trống đồi trọc, xây dựng trang trại, trồng rừng, nuôi ba ba trở thành tỉ phú. Không chỉ làm giàu cho bản thân, họ còn nỗ lực giúp đỡ các đồng đội cũ có việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống.

Để vinh danh những người có công tiên tiến điển hình, thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức hội nghị biểu dương người có công toàn quốc tại Nghệ An. Những đối tượng được biểu dương sẽ là những tấm gương để những người khác noi theo và là bài học để nhân rộng ra toàn xã hội.

Ông Đỗ nhấn mạnh, hiện nay, chúng ta đang phát huy được sức mạnh của thế kiềng ba chân: Nhà nước, cộng đồng và các đối tượng chính sách. Nhà nước đóng vai trò nòng cốt động viên toàn dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân tham gia chăm lo cho gia đình chính sách. Đến nay, 90% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn so với mặt bằng mức sống ở nơi cư trú.

“Chúng tôi luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa”

Ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh cho biết, xã đặc biệt quan tâm chăm lo cho công tác đền ơn đáp nghĩa. Nhà của các đối tượng chính sách trên địa bàn xã đều đã được sửa chữa. Hiện Mỹ Lộc còn khoảng 1.000 gia đình đối tượng chính sách cần phải sửa chữa, làm nhà mới, xã sẽ huy động kinh phí từ nhiều nguồn để sửa chữa, xây mới nhà cho họ.

Mỗi năm, xã Mỹ Lộc được cấp khoảng 400 tỉ đồng hỗ trợ người dân vay vốn, học nghề, trong đó con em đối tượng chính sách chiếm 1/3. Con em của các đối tượng chính sách được miễn giảm học phí ở tất cả các cấp học, kể cả học nghề, được quan tâm trong tuyển dụng. Việc tuyển dụng công chức, viên chức trên địa bàn xã đều có chế độ ưu tiên cho đối tượng là con thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách.

“Nhà nước hỗ trợ, bản thân nỗ lực”

Là thương binh và bị nhiễm chất độc da cam, ông Nguyễn Xuân Tiến, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, Thái Bình được nhận mức trợ cấp hàng tháng 1.400.000 đồng. Số tiền này với ông chỉ đủ để lo cho bản thân, tuy nhiên để nuôi hai con ăn học, ông làm thêm nghề rèn với mức thu nhập trên 1.000.000 đồng/tháng. Mặc dù vất vả nhưng cả hai đứa cô con gái đều biết thương bố mẹ, chịu khó học hành. Hiện giờ hai con của ông Tiến đang học đại học ở Hà Nội. Gia đình ông cũng được vay vốn ưu đãi để lo cho các con ăn học. Thêm vào đó, một cháu học sư phạm được miễn giảm học phí nên cũng đỡ đi phần nào.

Ông Tiến tâm sự: “Tôi nghĩ, bản thân mình còn sức khỏe thì vẫn phải cố gắng làm việc, không chỉ lo cho bản thân mà còn phải lo cho gia đình. Nhà nước hỗ trợ là quý rồi nhưng bản thân cũng phải nỗ lực”.

“Thương binh tàn nhưng không phế”

18 tuổi, ông Nguyễn Đình Cường (hiện ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh, bệnh binh huyện Duy Tiên, Hà Nam) lên đường nhập ngũ. 19 tuổi bị thương nặng ở biên giới Tây Nam, bị liệt nửa người do sức ép của trái bom. Đã hơn 30 năm nằm liệt giường, đối mặt với sự đau đớn do vết thương gây ra nhưng ông thấy mình vẫn may mắn vì còn được trở về. Ông tự nhủ: “Trong khi biết bao đồng đội đã ngã xuống, mình sống sót được thì phải lạc quan”.

Ông được bố trí một căn hộ khép kín tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh, bệnh binh Duy Tiên. Mặc dù, hàng ngày, ông được cán bộ, các y bác sĩ đến chăm sóc sức khỏe, dọn dẹp nhà cửa và phục vụ những yêu cầu thiết yếu nhưng ông vẫn cố gắng làm những công việc có thể làm được. Mặc dù trung tâm nấu ăn cho thương binh, bệnh binh nhưng hàng ngày ông vẫn tự đi chợ, mua thức ăn về chế biến nấu ăn cho khỏe người.

Mỗi ngày, ông ngồi trên xe lăn vận động 2 cây số vòng quanh trung tâm, bất kể trời giá rét hay mưa nắng để sức khỏe được ổn định. Thú vui của ông là chăm sóc giàn thiên lý, su su, rau thơm. Hàng ngày ông lấy nước lên xe rồi đẩy ra tưới cây để vừa có rau sạch ăn vừa khỏe người. Ông tâm sự: “Bác Hồ đã nói “Thương binh tàn nhưng không phế”, vì thế tôi thấy mình phải luôn cố gắng vươn lên”./.

 

Nguồn Báo TNVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN