|
Nhờ chủ động ứng phó với rủi ro trong chăn nuôi mà hộ anh Ngô Văn Dũng không bị tổn thất nặng khi giá heo sụt giảm. |
Trước biến động khó lường về giá heo thịt lẫn heo con đang diễn ra, ngành chức năng huyện Mỏ Cày Nam yêu cầu người dân cần thận trọng khi tăng, giảm đàn heo, đồng thời tăng cường chăn nuôi theo nhóm, hạn chế chăn nuôi đơn lẻ hộ gia đình.
Tuy chưa có cuộc thống kê rà soát thực tế nhưng theo ước
tính của ngành chức năng huyện, số lượng đàn heo trong thời điểm hiện tại trên
địa bàn huyện khoảng 220 - 230 ngàn con (giảm khoảng 30 ngàn con so với thời điểm
cùng kỳ). Giá heo hơi từ 3,2 - 3,4 triệu đồng/tạ, giá heo con ở mức 750 ngàn đồng/con,
tăng khoảng 550 ngàn đồng/con chỉ trong vài tuần. Trước biến động về giá heo,
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
huyện cho biết: Hiện tại, chúng tôi không dám khẳng định về giá heo sẽ diễn ra
như thế nào trong thời gian tới, tuy nhiên người dân phải thận trọng khi quyết
định tăng, giảm đàn heo của mình. Đồng thời, nên nuôi theo nhóm, hạn chế nuôi
nhỏ lẻ nhằm giảm bớt những chi phí không đáng có, tăng lợi nhuận.
Ông Hùng thông tin thêm, dự kiến cuối tháng 8-2017 huyện
sẽ ra mắt hợp tác xã (HTX) nông nghiệp quy tụ nhiều hộ chăn nuôi chủ yếu trên địa
bàn xã An Thới, Cẩm Sơn và Tân Trung. Theo đó, HTX sẽ hoạt động gần như khép
kín từ khâu sản xuất đến phân phối. Tiến tới xây dựng thành công kế hoạch phát
triển chuỗi giá trị con heo bền vững và nhãn hiệu cho con heo Mỏ Cày Nam. Một
lò giết mổ khá quy mô tại xã Tân Trung cũng đang được huyện quan tâm theo dõi
việc xây dựng. Đây là một công trình do tư nhân đầu tư, có diện tích khoảng
2.800m2, có hầm xử lý nước thải, giết mổ - vận chuyển bằng dây chuyền hiện đại,
vốn khái toán khoảng 5 tỷ đồng, công suất giết mổ mỗi đêm khoảng 200 con heo.
Trong 6 tháng đầu năm, huyện đã thành lập mới 40 tổ hợp
tác (THT) trên lĩnh vực nông nghiệp tại các xã, thị trấn, nhưng vẫn còn thấp so
với chỉ tiêu đưa ra. Câu chuyện tăng giá trị ở khâu sản xuất để cân bằng với
các khâu còn lại (gồm các khâu: đầu vào gồm có thuốc thú y, con giống, thức ăn;
sản xuất; thương lái; giết mổ và phân phối) đang trở thành đề tài nóng trong những
cuộc chuyện trò của người nông dân. Tại xã Tân Trung, hiện giá bán một số loại
thức ăn dạng gối đầu có giá chênh lệch so với giá thị trường từ 10 - 25 ngàn đồng/bao
thức ăn nhưng nhiều hộ dù bán heo có lời hay dư lời nhưng vẫn không trả hết tiền
nợ cho đại lý mà cứ gối đầu đã trở thành “thói quen” khó hiểu. Trao đổi với hộ
anh Ngô Văn Dũng, thư ký THT chăn nuôi heo ấp Tân An, xã Tân Trung, anh Dũng
nêu ý kiến: Việc nuôi theo THT là một chủ trương đúng đắn, chúng tôi hoàn toàn
tán thành. Nhưng để thực hiện thành công là rất khó, vì tuy vào THT nhưng mỗi
người vẫn sản xuất mỗi kiểu, thức ăn cho heo mỗi người mua theo ý thích riêng.
10 hộ nuôi thì có hết 8, 9 hộ nợ tiền thức ăn gối đầu với đại lý, thì tiền đâu
để người nông dân trả hết cho đại lý, rồi lại phải có tiền mặt đưa vào THT để
mua thức ăn chung một loại vì công ty họ đâu bán “chịu” mà phải trả tiền
“tươi”.
“Kinh nghiệm 20
năm chăn nuôi heo cho tôi thấy, chu kỳ giá heo biến động cứ diễn ra lặp đi lặp
lại như nhau trong 4 năm. Trong đó, khoảng 2 năm rưỡi là chăn nuôi heo lời, 1
năm huề và vài tháng đến 1 năm sẽ lỗ. Để chủ động ứng phó với tình hình giá cả
biến động trong những tháng lỗ, tôi quyết tâm không mua “chịu” thức ăn và để
dành một khoản dự phòng rủi ro khi có dịch bệnh hoặc giá cả xuống thấp. Nhờ đó,
tôi không bị mắc nợ khi giá heo sụt giảm và vẫn còn tiền mặt để mua thức ăn.
Tôi vẫn kiên trì với nghề chăn nuôi, cũng nhờ con heo mà tôi xây được nhà, mua
thêm 1 mẫu đất, nuôi hai con ăn học. Năm nay do giá heo sụt giảm tôi quyết định
giảm đàn, chỉ duy trì 50% đàn heo (6 heo nái và 40 heo lứa từ 30 - 80kg) và chờ
đến khi giá heo lại lên”, anh Ngô Văn Dũng chia sẻ.