Thạnh Phú đánh thức tiềm năng, “tăng tốc” phát triển

28/05/2018 - 07:04

Đặc sản của Thạnh Phú được trưng bày giới thiệu tại TP. Hồ Chí Minh.

Đặc sản của Thạnh Phú được trưng bày giới thiệu tại TP. Hồ Chí Minh.           

Thạnh Phú là một trong 3 huyện biển của tỉnh. Nơi đây hội đủ các yếu tố về rừng, biển, đất nông nghiệp lớn. Từ đầu năm 2018, đường về Thạnh Phú đã thông suốt, thuận lợi hơn, mở ra cơ hội mới để kết nối vùng và giao thương trong tỉnh, khu vực. Với việc hội đủ các thế mạnh, tiềm năng và cơ hội, Thạnh Phú đang học cách “tư duy toàn cầu nhưng hành động địa phương”, để sẵn sàng cho những bước nhảy tăng tốc và đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Hướng đến sản phẩm chế biến

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Trúc Sơn tâm huyết với cách làm: “Người nông dân phải biết đánh vào “bao tử” của người tiêu dùng đang rất cần những sản phẩm sạch, chất lượng mà rõ ràng vùng quê Thạnh Phú hoàn toàn có thể đáp ứng”. Để sản phẩm nâng cao chất lượng, giá trị thì cần áp dụng khoa học, kỹ thuật, được công nhận chỉ dẫn địa lý, phát triển thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng chế biến các măt hàng có giá trị gia tăng. Đối tượng rất cần được hỗ trợ là người dân, các tổ chức hợp tác của nông dân và doanh nghiệp (DN).

Theo đó, trong phát triển kinh tế, huyện Thạnh Phú đã xác định lấy kinh tế nông nghiệp làm khâu trọng tâm, phát triển theo hướng xanh, sạch, bền vững với mong muốn nông nghiệp của huyện sẽ là “nhà bếp” của tỉnh, của cả nước và xa hơn nữa trong thời kỳ hội nhập. Huyện đã xác lập 3 cây, 3 con gồm: dừa, xoài, lúa, bò, tôm, gia cầm để đầu tư theo chuỗi giá trị. Điển hình, các nhãn hiệu xoài tứ quý, tép rang dừa Mỹ Hưng đã hoàn thành thủ tục đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ. Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm lúa sạch Thạnh Phú đã được công bố chứng nhận vào cuối năm 2016. Vùng trồng có sự tham gia ký kết hợp đồng đầu vào và đầu ra với các DN. Từ việc đầu tư hệ thống thiết bị sấy lúa, tách màu gạo công suất lớn đã mang lại lợi nhuận 26 triệu đồng/ha, tăng gấp 1,5 lần so với những năm trước đây (chỉ đạt 17 triệu đồng/ha).

Ông Lâm Anh Tú - Giám đốc sản xuất gạo hữu cơ, Công ty TNHH Phân bón hữu cơ Greenfield cho biết, DN đã kết hợp người trồng lúa Thạnh Phú chứng nhận hữu cơ cho 100ha, đạt tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ của Mỹ và châu Âu. “Gạo hữu cơ Thạnh Phú hiện khá nổi tiếng ở thị trường TP. Hồ Chí Minh, được phân phối trên 200 siêu thị của Satrafood và Vissan. Năm 2018, DN sẽ nâng diện tích được chứng nhận trên 200ha” - ông Lâm Anh Tú cho hay. Đây là bước chuyển đổi quan trọng để xoài tứ quý tiến đến tiêu chuẩn hữu cơ trong thời gian tới.

Thủy hải sản dưới cánh rừng ngập mặn Thạnh Phú có giá trị cao tại thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Thủy hải sản dưới cánh rừng ngập mặn Thạnh Phú có giá trị cao tại thị trường TP. Hồ Chí Minh.    

Nhận xét về chuỗi dừa của huyện, ông Nguyễn Bảo Trí - Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến Dừa Lương Quới cho rằng, tiềm năng phát triển cây dừa của huyện rất lớn. Diện tích dừa trên địa bàn tăng mạnh từ trên 2.400ha (năm 2000) lên 6.200ha (năm 2016). Công ty đã gắn kết với nông dân chuyển đổi canh tác từ vô cơ sang hữu cơ. Trong năm đầu tiên chuyển đổi, người trồng dừa được DN cam kết thu mua với giá cao hơn thị trường từ 5 - 7%.

Đặc biệt, những năm gần đây, nơi này được nhiều người biết đến như là một “điểm đến” của du lịch sinh thái, thân thiện. Số lượng du khách đến tham quan và doanh thu các ngành dịch vụ tăng mạnh hàng năm. 

Tăng tốc phát triển

Năm 2018 được Tỉnh ủy xác định là năm “tăng tốc” trong phát triển kinh tế - xã hội. Quán triệt tinh thần đó, vấn đề đặt ra cho huyện Thạnh Phú là xây dựng giải pháp để tăng tốc trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh sẵn có.

Theo ông Huỳnh Quang Đức - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mong muốn tăng tốc đối với phát triển cây dừa trên địa bàn huyện là hoàn toàn có thể. Bởi, cây dừa Thạnh Phú đang rất “trẻ, khỏe, giàu tiềm năng” và có khả năng sản xuất theo hướng hữu cơ thuận lợi hơn nhiều địa phương khác. Trong khi đó, công nghệ sản xuất phân hữu cơ đang có những bước nhảy vọt. Đồng thời, phát triển diện tích vườn dừa, chất lượng trái dừa, người dân cần chú ý đến việc chọn cây giống có nguồn gốc và chất lượng ổn định. Sản xuất hữu cơ cũng thuận lợi tương tự với các loại cây trồng chủ lực khác của huyện như lúa, xoài.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Vàng - Trường Đại học Cần Thơ gợi ý, cơ cấu lại nông nghiệp là nền tảng quan trọng cho sự phát triển nông nghiệp hiệu quả, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu. Tái cơ cấu đạt hiệu quả, phải được đặt trong tư duy phát triển nông nghiệp bền vững và trong hợp tác, liên kết tổng thể của cả vùng, cả nước và khu vực, đồng thời đúng với phương hướng mục tiêu phát triển đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020. Để tái cơ cấu hiệu quả, huyện cần đào tạo và thu hút nguồn lao động chất lượng cao cho nông nghiệp. “Chỉ đào tạo lao động nông nghiệp đơn thuần không đem lại hiệu quả. Bên cạnh việc đào tạo, cần có mô hình hợp tác, liên doanh liên kết và cơ chế để thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị nông trại và kinh doanh nông nghiệp cho lĩnh vực nông nghiệp” - Phó giáo sư, Tiến sĩ Vàng nhấn mạnh.

Về cơ sở hạ tầng, giao thông, Tiến sĩ Huy Vũ cho rằng, hướng đi chiến lược cho sự phát triển giao thông vùng này là tạo nên hệ thống giao thông kết nối thủy bộ trong nội vùng và kết nối với ngoại vùng, phát triển hành lang giao thông ven biển. Trên cơ sở đó, hình thành hệ thống logistic, cảng biển phù hợp nhằm thúc đẩy giao lưu với địa phương khác trong tỉnh và trong tiểu vùng duyên hải phía Đông.

Tin rằng, tới đây, với “tư duy toàn cầu, nhưng hành động địa phương”, huyện Thạnh Phú sẽ có tầm nhìn, tư duy tốt hơn trong hoạch định phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hàng năm, nhất là giai đoạn đến 2020 và định hướng đến 2025, nhằm tạo ra bứt phá mới, chạm đến ước mơ trở thành “nhà bếp” của tỉnh, cả nước và xa hơn nữa.

Theo Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), đồng thời là nhà nghiên cứu cao cấp tại Trường Chính sách công và Môi trường (SPEA), Đại học Indiana, Hoa Kỳ, để tăng tốc thì trước hết cần có những con người có tư duy đổi mới. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển nông nghiệp đa dạng; chuyển từ phát triển số lượng sang chất lượng và giá trị. Thạnh Phú tập trung vào các mặt hàng có lợi thế và tiềm năng như dừa, nuôi trồng thủy sản, đồng thời tổ chức kết nối với các DN lớn trong và ngoài vùng có nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu để tiến hành tổ chức liên kết. Về du lịch, Thạnh Phú có thể đề xuất một “Con đường sinh thái duyên hải đồng bằng sông Cửu Long” với Bến Tre và Trà Vinh, kết hợp ký kết phát triển với các tỉnh tiểu vùng duyên hải và TP. Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích