Mô hình nuôi tôm biển phát triển tại huyện Thạnh Phú. Ảnh: Minh Mừng
Thời gian gần đây, thủy sản tiếp tục khẳng định là kinh tế mũi nhọn của huyện Thạnh Phú với hai lĩnh vực chủ lực là nuôi và đánh bắt thủy sản. Diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh tiếp tục được mở rộng. Khai thác thủy sản luôn được quan tâm, nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư, cải hoán tàu có công suất lớn để đánh bắt xa bờ.
Năm 2015, diện tích nuôi thủy sản toàn huyện là hơn 17.200ha, đến nay tăng lên gần 18.000ha, trong đó, diện tích nuôi thâm canh là hơn 3.100ha. Tổng sản lượng nuôi thủy sản tăng dần qua các năm, năm 2015 là 28.200 tấn, đến nay tăng lên 29.500 tấn.
Huyện đã và đang áp dụng có hiệu quả, nhân rộng các mô hình tôm lúa, tôm rừng, nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa, nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm công nghệ cao… mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Mô hình tôm - lúa với diện tích khoảng 9.000ha, tập trung ở các xã An Nhơn, An Điền, An Qui và Mỹ An; tôm rừng chủ yếu ở 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải với diện tích hơn 770ha; nuôi tôm càng xanh xen ruộng lúa tập trung ở các xã Mỹ An, An Thuận, An Qui, An Điền và An Nhơn; nuôi tôm công nghệ cao và nuôi tôm 2 giai đoạn với diện tích hơn 230ha, tập trung ở các xã Thạnh Phong, Thạnh Hải, An Điền và An Nhơn.
Hoạt động khai thác thủy sản tiếp tục được phát triển. Toàn huyện hiện có hơn 870 tàu cá, trong đó có gần 100 tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng đánh bắt bình quân hàng năm đạt 13.700 tấn. Dịch vụ hậu cần nghề cá trong những năm qua được huyện ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển, nhất là tại Cảng cá Thạnh Phú, cung ứng cơ bản các dịch vụ thiết yếu phục vụ hoạt động khai thác và tiêu thụ các sản phẩm khai thác thủy sản. Sản lượng hàng hóa qua cảng bình quân hàng năm đạt 1.150 tấn.
Hiện toàn huyện có 7 hợp tác xã (HTX) liên quan đến lĩnh vực thủy sản gồm 3 HTX nuôi nghêu và 4 HTX lĩnh vực thủy sản. Các HTX lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản bước đầu đã ký kết hợp đồng nguyên liệu đầu vào như giống, thức ăn… với các công ty như Trần Hậu Điển, Phương Hà, Việt Úc, Nam Miền Trung…
Hoạt động của các HTX nuôi nghêu tương đối thuận lợi, các HTX đều có lợi nhuận, với diện tích hơn 1.700ha, diện tích nuôi là 550ha, còn lại là vùng đệm; sản lượng nghêu thịt thu được khoảng 1.000 tấn/năm, doanh thu ước đạt 16 tỷ đồng. Hoạt động các tổ hợp tác, ban quản lý vùng nuôi thủy sản đã dần đi vào ổn định, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở các xã ven biển.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Võ Văn Hiện, để bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, thời gian tới, huyện Thạnh Phú tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành đối với hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đặc biệt phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội và ngư dân. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; điều chỉnh cơ cấu nghề nghiệp khai thác thủy sản phù hợp nguồn lợi, ngư trường, giảm áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Minh Mừng