Ông Nguyễn Văn Tròn kiểm tra chất lượng bể ủ phân hữu cơ.
Người tiên phong áp dụng mô hình
Ông Nguyễn Văn Tròn - Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) dừa hữu cơ ấp Vĩnh Nam, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú là hộ đầu tiên của xã đã mạnh dạn áp dụng mô hình ủ phân hữu cơ bằng hệ thống ASP, hoạt động đến nay đã hơn 1 năm. Nhu cầu ủ phân hữu cơ của ông Tròn xuất phát từ việc ông chuyển đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang hữu cơ cho 9 công vườn dừa của mình (khoảng 180 gốc). Khi chuyển đổi, ông Tròn được tham dự các lớp tập huấn kiến thức về canh tác dừa hữu cơ, đồng thời được tham quan mô hình ủ phân hữu cơ điểm do Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp giới thiệu nên ông đã mạnh dạn đăng ký thực hiện.
Ngoài phân bò, phân gà thu gom từ các hộ nuôi trên địa bàn, ông sử dụng thêm xác bã thực vật là lá dừa khô, tàu dừa khô xay nhuyễn để trộn vào phân, rỉ đường, men vi sinh, không lẫn thành phần hóa học. Tàu dừa khô giúp cho phân hữu cơ ra thành phẩm xốp hơn.
Trong quá trình ủ phân hữu cơ, ông Tròn tự chế một máy xay để xay nhuyễn các nguyên liệu là phân chuồng phơi khô và xác bã thực vật rồi tiến hành trộn và thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật. Việc trộn sẵn tất cả các nguyên liệu sẽ tạo điều kiện cho vi sinh hoạt động tốt hơn, giúp các thành phần phân chuồng và lớp bã thực vật hoai hoàn toàn. Bể ủ phân hữu cơ có thể tích 6m3. Mỗi mẻ ủ thời gian từ 2 - 2,5 tháng, cho ra thành phẩm từ 2 - 2,2 tấn phân hữu cơ. Hiện ông Tròn ủ phân hữu cơ chủ yếu bón cho vườn dừa của gia đình và một phần bán cho người dân ở địa phương, giao tới nơi được giá 3 ngàn đồng/kg.
Theo ông Tròn, do chăn nuôi gia súc, gia cầm của người dân trên địa bàn xã cũng nhiều nên nguồn cung cấp phân chuồng khá phong phú. Mô hình ủ phân hữu cơ còn góp phần xử lý vấn đề môi trường chăn nuôi hiệu quả.
Hiệu quả bền vững trên cây dừa
Phân hóa học ban đầu có nhiều tác động cho cây trồng nhưng cũng rất mau hết phân, đất trồng ngày càng bị chai cứng. Đối với phân hữu cơ thì giúp cho đất trồng ngày càng tơi xốp hơn do chứa các phụ phẩm, chất xơ, cây dừa hấp thu tốt hơn. Một năm ông Nguyễn Văn Tròn bón phân 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa, mỗi lần ít nhất 5kg/gốc. Trong phân hữu cơ có sử dụng phân gà, kết hợp nấm xanh, bổ sung kali, cây dừa ít bị rụng trái non. Năm 2019, thời điểm cao nhất, ông Tròn thu hoạch được 2.400 trái/tháng. “Dừa hữu cơ cho trái đều. Trong thời điểm chuyển giao giữa vô cơ và hữu cơ, cây dừa có bị chậm lại nhưng sau đó sẽ cho trái ổn định”, ông Tròn chia sẻ kinh nghiệm.
Về mặt tiêu thụ, các hộ trồng dừa hữu cơ có liên kết với doanh nghiệp được doanh nghiệp thu mua cao hơn giá thị trường. Tùy theo thời gian tham gia, càng lâu năm thì giá công ty thu mua càng tăng. Hiện tại, hộ ông Nguyễn Văn Tròn, công ty thu mua cao hơn giá trung bình của thị trường 11 ngàn đồng/chục 12 trái.
Hiện trên địa bàn huyện Thạnh Phú có 9 hệ thống ủ và có xu hướng nhân rộng vì nhu cầu người dân còn nhiều. Thời gian qua, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp đã tổ chức các lớp hướng dẫn, tập huấn quy trình canh tác hữu cơ, trong đó có ủ phân hữu cơ để sử dụng trong trồng trọt, sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ dịch hại như nấm xanh...
Việc chuyển đổi canh tác sang trồng dừa hữu cơ và liên kết doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm đang phát triển trên địa bàn huyện Thạnh Phú. Xã Phú Khánh hiện có 61ha dừa hữu cơ, Thới Thạnh 30ha, Tân Phong 171,3ha đang được xét công nhận. Riêng xã Đại Điền có 52 hộ dân canh tác dừa hữu cơ, đạt khoảng 50/600ha diện tích vườn dừa đang cho trái. |
Bài, ảnh: Thanh Đồng