Thanh Tân phát triển kiểng lá

29/05/2014 - 17:04

Là một trong hai làng nghề cây giống hoa kiểng của tỉnh, Làng nghề cây giống hoa kiểng Thanh Tân (Mỏ Cày Bắc) dù mới thành lập nhưng đã có bước đi vững chắc, nâng giá trị sản phẩm trên thị trường, góp phần mang lại thu nhập cho người dân địa phương.

Theo ông Võ Văn Đảnh - Chủ nhiệm Làng nghề, trước đây, người dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm làm ra bán cho thương lái khắp nơi, không ổn định. Từ khi làng nghề thành lập, có pháp nhân, từ khâu sản xuất đến khâu buôn bán được đảm bảo. Người dân an tâm sản xuất, phát triển làng nghề.

Làng nghề cây giống hoa kiểng Thanh Tân được công nhận từ tháng 4-2011, có 80 thành viên tham gia sản xuất cây giống và hoa kiểng. Đến nay, đã kết nạp thêm 2 thành viên mới, nâng số thành viên lên 82. Trong đó, 62 hộ làm cây giống các loại như: xoài, bưởi da xanh, sầu riêng, cam, quýt; số còn lại làm hoa kiểng (mai vàng, bông giấy, vạn thọ, ớt). Đặc biệt, kiểng lá thu hút 12 hộ tham gia. Qua 2 năm hoạt động, số lượng sản phẩm làm ra không ngừng tăng lên. Tính riêng từ đầu năm đến nay, có trên 290 ngàn cây giống và 16,8 ngàn cây kiểng được bán ra thị trường Bến Tre và các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long và TP. Hồ Chí Minh. Giá trung bình của mỗi loại cây giống từ 5-10 ngàn đồng/cây, riêng xoài tháp (đã ghép) cao khoảng 8-9cm giá 25.000đồng/cây.

Làng nghề hoạt động thường xuyên, hàng tháng, hàng quí có họp định kỳ nhằm chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, rút kinh nghiệm để đưa làng nghề phát triển. Thời điểm này, làng nghề tập trung sản xuất các loại cây giống và kiểng lá, riêng kiểng hoa và mai vàng sản xuất từ khoảng tháng 8. Người dân đang chuộng kiểng lá bởi chi phí đầu tư và công chăm sóc thấp, thời gian trồng ngắn. Nhiều hộ dân có điều kiện xoay vốn trang trải kinh tế gia đình.

Chúng tôi đến tham quan khu vườn gần 5 công đất kiểng lá của ông Lư Văn Việt, ở ấp Tân Thông 4, cảm nhận rõ sự phát triển của làng nghề. Ông Việt là người tiên phong đưa loại kiểng lá từ Cái Mơn (xã Vĩnh Thành - Chợ Lách) về làm xanh ngát khu vườn của gia đình ông và cả làng nghề gần 2 năm nay. Theo ông Việt, kiểng lá dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, trồng xen trong vườn dừa không ảnh hưởng diện tích đất mà còn giúp cây dừa phát triển. Trung bình 5 công đất dừa, ông xen 5.000 bụi kiểng lá. Trồng được 1 năm rưỡi sẽ cho đợt thu hoạch đầu tiên. Khoảng 40 ngày, gia đình ông Việt thu hoạch một lần khoảng 10.000 lá, giá từ 320 đồng - 500 đồng/lá (tùy lá già, non), ông thu về trên 3 triệu đồng trong mỗi đợt cắt. Từ việc chăm sóc vườn kiểng lá, vườn dừa cũng hưởng huê lợi cho năng suất ngày càng cao, mỗi tháng có trên 1,5 thiên dừa được bán ra. Thu nhập mỗi tháng trên 7 triệu đồng.

Ông Đảnh nhận xét: Từ khi thành lập làng nghề, thu nhập của người dân tăng lên đáng kể, mặc dù chưa toàn diện nhưng đạt mức khá. Trung bình hàng năm có trên 100 ngàn cây giống bán ra. Đặc biệt, kiểng lá phát triển mạnh. Nếu được sự hỗ trợ về vốn và kết cấu hạ tầng giao thông, việc vận chuyển thuận tiện sẽ giảm chi phí cho người dân, góp phần tăng thu nhập.

P.Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN