Thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế và xã hội số

20/06/2022 - 05:47

BDK - Thanh toán (TT) không dùng tiền mặt (KDTM) là cách thức TT không có sự xuất hiện của tiền mặt, thay vào đó, việc TT được thực hiện bằng cách trích chuyển trên các tài khoản của chủ thể liên quan đến số tài khoản TT thông qua nhiều hình thức như: quét mã QR, chuyển khoản, sử dụng thẻ, ví điện tử… TT KDTM mang lại các lợi ích thiết thực cho cá nhân người sử dụng, nền kinh tế cũng như xã hội, góp phần phát triển kinh tế số, thương mại điện tử và giao dịch thương mại toàn cầu.

Quét mã QR để thanh toán tiền khi mua hàng. Ảnh: Thanh Đồng

Quét mã QR để thanh toán tiền khi mua hàng. Ảnh: Thanh Đồng

Mang Nhiều lợi ích cho người dân

Lợi ích trước hết có thể thấy là TT KDTM thông qua các ứng dụng, ví điện tử… giúp cho việc TT nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian, công sức của bên trả tiền và bên thu tiền, không bị ảnh hưởng đến công việc, có thể TT ở bất cứ thời điểm nào, bất cứ nơi đâu. Hiện người dùng đã có thể TT trực tuyến đối với tiền điện, tiền nước hàng tháng mà không phải mất thời gian đi đến điểm đóng tiền hoặc chờ người đến thu tại nhà. Mua sắm hàng hóa cũng dễ dàng hơn bao giờ hết với việc sử dụng tài khoản và các  dịch vụ TT KDTM để mua hàng trên sàn thương mại điện tử và nhận hàng tại nhà, TT trực tuyến không tốn thời gian, chi phí đi lại.

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành, nhiều người nghĩ việc sử dụng TT KDTM đối với công nhân hay người có thu nhập thấp là không cần thiết nhưng thực tế số đông người dân sử dụng điện thoại thông minh và tiếp cận các phương thức TT KDTM rồi như: quét mã QR, quét thẻ qua ví điện tử thì nhận thấy sự tiện lợi. TT KDTM giúp cho quá trình giao dịch TT an toàn, nhanh chóng, giảm chi phí, tránh các nguy cơ rủi ro như: tiền giả, bị trộm cướp, thất thoát, giúp người sử dụng theo dõi được chi tiêu.

Cô Đặng Ngọc Hân, chủ sạp trái cây Dũng Hân (chợ Bến Tre) là một trong những tiểu thương mạnh dạn tham gia chương trình “Chợ 4.0” do Viettel Bến Tre triển khai, ứng dụng TT KDTM tại quầy. Cô Ngọc Hân cho biết: “Khi sử dụng, tôi thấy TT nhanh gọn, tiện lợi vì đôi lúc khách đi chợ không mang tiền theo có thể sử dụng ứng dụng này để TT và mình không cần phải cho họ số tài khoản”.

Cuối tháng 11-2021, các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT, MobiFone) đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money, góp phần phổ cập nền tảng TT số. Tính đến hết quý I-2022, việc thí điểm dịch vụ Mobile Money đã đạt được một số kết quả nhất định.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ đạt hơn 835 ngàn khách hàng. Trong đó, có 487 ngàn khách ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, chiếm 58,3%. Số lượng tài khoản Mobile Money đang hoạt động (có phát sinh ít nhất một giao dịch) đạt  trên 834,3 ngàn tài khoản, đạt 99,8%. Có 2.642 điểm kinh doanh phủ khắp 63 tỉnh, thành trong cả nước. Ở Bến Tre, riêng trong năm 2021, hơn 44 triệu giao dịch TT KDTM qua các dịch vụ ngân hàng, với tổng giá trị 525,6 ngàn tỷ đồng, tăng lần lượt 277% và 70% so với năm 2020.

TT KDTM trong lĩnh vực công cũng có bước phát triển. Theo thống kê gần đây của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, có 97,2% giao dịch nộp thuế, 99,6% số tiền điện, 12,5% cá nhân, hộ gia đình TT tiền nước trên địa bàn thành phố được thực hiện qua ngân hàng. Hiện nay, 100% trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh chấp nhận TT học phí và 57,2% số sinh viên tại trường cao đẳng nộp học phí qua ngân hàng. Ngoài ra, 293/330 cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh đã chấp nhận đóng học phí KDTM và 100% bệnh viện tại TP. Bến Tre chấp nhận TT viện phí qua ngân hàng.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Ở nông thôn, TT KDTM gần như còn rất mới mẻ với đại đa số người dân. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số tài khoản TT 88,5 triệu tài khoản, tập trung ở một nhóm dân cư nhất định, còn gần 65% dân số chưa có tài khoản ngân hàng, trong khi đó mở tài khoản ngân hàng là tiền đề quan trọng để sử dụng các phương thức TT KDTM.

Ngoài ra, một bộ phận người dân còn e ngại cung cấp thông tin cá nhân để TT, sợ bị ăn cắp thông tin, bị tin tặc hack tài khoản và mất tiền... nhất là nhóm tuổi từ trung niên trở lên cho rằng sử dụng TT KDTM trên ứng dụng là thiếu an toàn, thao tác phức tạp nên sinh tâm lý ngại thay đổi.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng có nhiều biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống TT và thực tế cho thấy các vấn đề lỗi bảo mật của ngân hàng hầu như rất ít phát sinh, việc bị đánh cắp thông tin đa phần do người dùng chủ quan, cung cấp mã xác thực cho đối tượng lừa đảo, hoặc truy cập vào các trang web giả mạo tổ chức cung ứng dịch vụ TT. Đồng thời, các ứng dụng TT KDTM với giao diện rất dễ tiếp cận, bằng ngôn ngữ tiếng Việt, thao tác hoàn toàn không phức tạp.

Xuất phát từ những lợi ích và theo xu thế chung của thế giới, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện và chỉ đạo triển khai mạnh mẽ Đề án đẩy mạnh TT qua ngân hàng với dịch vụ công. Mục tiêu của Đề án phát triển TT KDTM giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh nhằm mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực về TT KDTM trong nền kinh tế, đưa việc sử dụng các phương tiện TT KDTM trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, kéo giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

Tỉnh sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế chính sách. Nâng cấp phát triển hạ tầng TT hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác. Phát triển các dịch vụ TT hiện đại, ứng dụng thành tựu của công nghệ 4.0. Đẩy mạnh TT điện tử trong khu vực công. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động TT. Chú trọng việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn về TT KDTM, TT điện tử…

Thanh Đồng - Trung Trí

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN