Công ty giày da của Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Giao Long.
Thời gian qua, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động (NLĐ) được tham gia XKLĐ, nhất là hộ nghèo, cận nghèo. Để cơ chế chính sách này đến với người dân, nhất là đối tượng lao động là vấn đề mà các địa phương cần quan tâm.
Người dân còn “tự bơi”
Gia đình thuộc diện hộ nghèo, lại đang trong tuổi lao động nhưng anh Hoàng Sơn ở xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam chưa có việc làm ổn định. Dù làm đủ nghề nhưng cuộc sống vùng quê không đất đai, không nghề nghiệp, 3 thành viên trong gia đình anh Sơn chịu cảnh nghèo.
Hỏi về điều kiện để tham gia XKLĐ, anh Sơn và gia đình hầu như không có thông tin gì. “Không biết trường hợp của mình có được đi không. Nếu được tôi cũng muốn đi, có vậy mới mong cải thiện cuộc sống gia đình. Nhưng nhà nghèo, không có gì cầm cố, chi phí đâu để đi” - anh Sơn nói.
Còn chị Nguyễn Thu Thủy, xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú thì mang nặng tâm lý không thích con xa quê. Chị Thủy cho rằng, nghèo nhưng được gần con, khó khăn chút cũng không sao. “Mình đâu biết điều kiện làm việc bên ấy ra sao, môi trường sống thế nào, liệu sang đó con mình có làm được việc không. Chưa kể mọi người ở nhà trông chờ, con ở xứ người lại không ai thân thích, lo lắm” - chị Thủy nói.
Lý giải điều này, anh Nguyễn Nhựt Trường - Ban Thanh niên nông thôn Tỉnh Đoàn cho rằng: Thời gian qua, việc thực hiện chỉ tiêu XKLĐ ở một số địa phương chưa đạt yêu cầu là do công tác tuyên truyền ra dân chưa thường xuyên, chưa đi vào chiều sâu, chưa xác định cụ thể đối tượng, vì vậy vẫn còn trường hợp NLĐ tự bơi dẫn đến bị lừa.
Đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên chưa nắm hết chủ trương, chính sách về XKLĐ. Tổ chức đoàn thể các địa phương trong phân công, phân việc chưa rõ ràng. “Cần phải có sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể thực hiện theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Nắm từng đối tượng, tìm hiểu nhu cầu từng người, có vậy tuyên truyền, tư vấn mới đạt chiều sâu. Một khi đã xác định công việc cụ thể, phân nhiệm rõ ràng, tuyên truyền sẽ mang lại hiệu quả như mong muốn. Tổ chức đoàn thể hãy phát huy vai trò hỗ trợ NLĐ của mình, tránh trường hợp để NLĐ tự lo” - anh Nguyễn Nhựt Trường lưu ý.
Gỡ “nghẽn” thông tin
Theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, mỗi năm xuất khẩu 500 lao động. Tính đến thời điểm hiện nay, chỉ tiêu này đã đạt và vượt. Năm 2018, tỉnh phấn đấu có 800 người tham gia XKLĐ. Để đạt con số này, UBND tỉnh đã có văn bản phân bổ chỉ tiêu cụ thể cho từng huyện. |
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thời gian qua Ba Tri là một trong những địa phương thực hiện tốt chỉ tiêu XKLĐ. Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2018, huyện đã có 81 người tham gia XKLĐ (chỉ tiêu của huyện 100 lao động /năm). Tính từ đầu năm 2015 đến nay, toàn huyện có 977 người tham gia XKLĐ. Mỗi năm nguồn tiền chuyển về từ XKLĐ trên 350 tỷ đồng. Đây được xem là giải pháp giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, những hộ trung bình, khá trở nên giàu có.
Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri Trần Văn Hoàng cho biết: Hàng năm theo phân bổ chỉ tiêu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Huyện ủy đưa vào nghị quyết, phân bổ chỉ tiêu đến các xã, thị trấn. Cùng với đó là tập trung tuyên truyền đến từng hộ gia đình, từng đối tượng lao động giúp họ hiểu về điều kiện, môi trường làm việc, thu nhập… thấy hiệu quả NLĐ sẽ tham gia XKLĐ. Cùng với đó, mời những đơn vị, công ty có địa chỉ, uy tín về XKLĐ đến tư vấn, tạo niềm tin để NLĐ an tâm khi tham gia XKLĐ.
Thường xuyên tập huấn cung cấp thông tin cho đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên. Giúp họ cập nhật thông tin, chính sách kịp thời, nắm vững, chính xác đảm bảo không bị nghẽn thông tin, có vậy tuyên truyền, vận động mới đạt hiệu quả.
Người lao động tham gia tư vấn xuất khẩu lao động tại hội chợ việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức.
Ông Nguyễn Thành Thưởng - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: Giải pháp khắc phục điểm “nghẽn” thông tin về XKLĐ đến người dân là tập trung tuyên truyền giúp đối tượng lao động hiểu đúng, đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách, điều kiện… liên quan đến XKLĐ. Cần tuyên truyền để NLĐ thấy rằng khi XKLĐ về nước, ngoài nguồn vốn tích lũy được, bản thân có kỹ năng tay nghề cao, tác phong làm việc công nghiệp hơn. Từ những kinh nghiệm có được, gia đình và bản thân NLĐ sẽ mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế gia đình, tạo được việc làm cho lao động địa phương. Một số lao động khi về nước với tay nghề cao còn được tuyển dụng vào làm việc tại các công ty nước ngoài đóng tại Việt Nam.
Trong tuyên truyền, cần xác định đối tượng, khi tổ chức tư vấn mời những người đã từng XKLĐ thành công để minh chứng tạo sự tin tưởng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với những doanh nghiệp XKLĐ.
Tư vấn đến đối tượng
Các địa phương cần lưu ý những đơn vị chưa được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu cần cân nhắc khi liên kết tổ chức tư vấn đến đối tượng, tránh tình trạng NLĐ bị lừa. Trong năm 2017, tỉnh liên kết với 11 công ty XKLĐ có uy tín, có chi phí rõ ràng, thời gian đào tạo đúng cam kết, có đơn hàng tốt, thu nhập cao, mang lại quyền lợi cho NLĐ. Năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục cập nhật những công ty có uy tín trong lĩnh vực này thông báo đến địa phương, tổ chức tư vấn cho NLĐ.
“Tỉnh có Đề án mỗi xã một sản phẩm, ta thực hiện mỗi xã có ít nhất một người tham gia XKLĐ. Cụ thể, Xã Đoàn Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm từ năm 2015 đến nay xã đã vận động, tư vấn trên 20 người tham gia XKLĐ. Để đạt kết quả này, Xã Đoàn đã có kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể, cán bộ đoàn đến từng hộ gia đình để vận động. Có trường hợp, cán bộ đoàn còn hỗ trợ NLĐ làm một số thủ tục liên quan đến vốn vay, hồ sơ... Đối với những trường hợp riêng biệt, Xã Đoàn sẽ báo cáo trực tiếp đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xin ý kiến. Đó được xem là những giải pháp cụ thể, một khi địa phương vào cuộc quyết liệt thì các cấp, các ngành, lãnh đạo huyện, tỉnh sẽ không để địa phương tự thân vận động mà sẽ hỗ trợ kịp thời” - anh Nguyễn Nhựt Trường nhấn mạnh.
Bài, ảnh: P.Tuyết