Hợp tác xã Nông nghiệp Định Thủy (Mỏ Cày Nam) hoạt động hiệu quả nhờ được hỗ trợ máy móc phục vụ sản xuất.
Củng cố hợp tác xã yếu kém
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 177 HTX hoạt động trên 6 lĩnh vực với tổng số 760 người tham gia bộ máy quản lý HTX. Trong đó, có 32 HTX xếp loại tốt, 55 HTX xếp loại khá, 18 HTX xếp loại trung bình, 17 HTX xếp loại yếu, số còn lại chưa đủ điều kiện đánh giá, phân loại. Tuy vậy, quy mô sản xuất HTX, tổ hợp tác (THT) của tỉnh còn nhỏ, cơ sở vật chất còn thiếu, nguồn nhân lực không ổn định, vốn điều lệ không đáng kể… Nhiều HTX rất khó khăn cần được củng cố.
HTX Nông nghiệp Phước Mỹ Trung (Mỏ Cày Bắc) sau thời gian hoạt động không hiệu quả đã được củng cố lại vào tháng 5-2022 với 65 thành viên, canh tác 31ha dừa hữu cơ. Sau thời gian củng cố, hoạt động của HTX vẫn còn không ít khó khăn do thiếu vốn, cơ sở vật chất, máy móc. Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Phước Mỹ Trung Trương Trung Tín cho biết: “HTX hoạt động lại trong thời gian ngắn mới tạm ổn chứ chưa có lợi nhuận. Hiện tại, HTX thiếu nhiều thứ về vốn, kho xưởng, máy đập mụn dừa, đất xây dựng, điện 3 pha… rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để HTX hoạt động ổn định”. Hiện tại, do không có đất nên HTX phải đi thuê nhiều nơi để sản xuất cơm dừa cung ứng cho doanh nghiệp và làm kho chứa vỏ dừa nên tốn nhiều chi phí.
HTX Bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm) được thành lập năm 2019 với 26 thành viên, chuyên kinh doanh tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột; sản xuất các loại bánh từ tinh bột; buôn bán lúa gạo, lúa mì, hạt ngũ cốc các loại, bột mì, thực phẩm… Tuy nhiên, từ sau đợt dịch Covid-19 đến nay, HTX đã ngưng hoạt động do làm ăn thua lỗ, không hiệu quả. Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh Nguyễn Hồng Sơn cho biết: “Hiện tại, Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng có 210 hộ sản xuất bánh tráng đặc sản của địa phương và được công nhận làng nghề tiêu biểu năm 2008; được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2018. Sản phẩm bánh tráng Mỹ Lồng được Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào năm 2021; được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao nhưng từ năm 2021 tới nay làm ăn không hiệu quả, HTX ngưng hoạt động thời gian dài. Sắp tới sẽ tiến hành đại hội, củng cố hoạt động của HTX để phát triển làng nghề truyền thống nổi tiếng từ lâu đời của địa phương”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển HTX trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế như: Nhiều HTX chưa triển khai thực hiện các dịch vụ đã đăng ký; doanh thu, lợi nhuận còn thấp; HTX trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn trong tổng số HTX nhưng đa phần có quy mô hoạt động nhỏ, liên kết trong sản xuất chưa bền vững, nên dễ bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh và thị trường; HTX gặp nhiều khó khăn về vốn, khoa học công nghệ, đất đai... chưa có nhiều mô hình liên doanh, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, dẫn đến chất lượng sản phẩm còn thiếu sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế mang lại cho thành viên còn hạn chế.
Ngoài ra, một số HTX tuy đã được củng cố về mặt tổ chức, nhưng chưa thật sự đổi mới về cách thức hoạt động, tư duy phát triển sản xuất, kinh doanh chưa theo kịp với sự phát triển của cơ chế thị trường, thiếu năng động trong tổ chức điều hành, cung cấp các dịch vụ của HTX. Nhiều chính sách hỗ trợ KTTT, HTX của tỉnh được ban hành nhưng số HTX được tiếp cận, được hưởng chính sách còn ít do chưa có định hướng phát triển kinh doanh tốt, chưa hình thành các chuỗi liên kết sản xuất từ đầu vào - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Đa số HTX không đủ khả năng xây dựng phương án, dự án vay vốn khả thi và chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng, đổi mới máy móc thiết bị vào sản xuất.
Cần hỗ trợ lâu dài
HTX Nông nghiệp Phú Ngãi (xã Phú Ngãi, huyện Ba Tri) chuyên sản xuất lúa, rau màu và cung ứng dịch vụ nông nghiệp ở địa phương mang lại hiệu quả cao. Năm 2016, HTX thành lập chỉ có 22 thành viên, hiện đã tăng lên 100 thành viên với diện tích 100ha. Hiện tại, HTX đang làm các dịch vụ như: cung cấp phân bón với giá đại lý cấp 1, cấy thuê và thu mua lúa của bà con là thành viên HTX. Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Ngãi Mai Văn Kháng cho biết: Dịch vụ cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, HTX cung ứng đúng với giá đại lý cấp 1 tới cuối vụ mới thanh toán. Dịch vụ cấy thuê, có 3 máy cấy để cấy cho thành viên HTX với giá 300 ngàn đồng/công, cấy thuê bên ngoài 550 ngàn đồng/công. Cuối vụ thu mua lại lúa của bà con thành viên HTX với giá cao hơn thị trường bên ngoài 1.000 đồng/kg sau khi đã ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp. Năm 2022, trung bình 1 cổ phần (1 triệu đồng/cổ phần) đến cuối năm bà con thành viên HTX được chia lợi nhuận 137 ngàn đồng”.
Nhiều hợp tác xã cần chính sách hỗ trợ vay vốn để đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất.
Ông Hồ Văn Trường là thành viên góp vốn vào HTX 10 triệu đồng, đang canh tác 8ha lúa hưởng rất nhiều lợi ích từ việc tham gia vào HTX. Ông Trường cho biết: “Thành viên được HTX hỗ trợ phân bón, thuốc với giá đại lý cấp 1, cung cấp dịch vụ cấp lúa với giá rẻ và bao tiêu sản phẩm làm ra. Trước đây, 1 công đất lợi nhuận khoảng 1 triệu đồng/vụ thì nay đã tăng lên hơn 2 lần nên bà con rất an tâm sản xuất. Không chỉ hưởng lợi từ các dịch vụ nông nghiệp của HTX, cuối năm thành viên nào cũng được chia lợi nhuận do HTX làm ăn hiệu quả”.
Tuy nhiên, còn nhiều công đoạn trong sản xuất lúa như: xới, gặt, cuộn rơm, sấy…, HTX vẫn chưa làm dịch vụ được vì không có vốn để mua máy móc. Ông Mai Văn Kháng cho biết: HTX chỉ có vốn điều lệ 530 triệu đồng và không được vay vốn nên không thể đầu tư mua sắm các loại máy móc khác để làm dịch vụ. Mới đây, HTX đã làm công văn đề nghị tỉnh hỗ trợ (theo Nghị quyết số 25/NQ-HĐND của HĐND tỉnh) để đầu tư làm đường nội đồng, máy xay xát, máy sấy, nhà xưởng, còn các loại máy khác như: máy gặp đập liên hợp, máy cuộn rơm, máy xới làm dịch vụ có lợi nhuận cao nhưng không nằm trong danh mục hỗ trợ nên HTX chưa thể mua sắm do không có vốn. Nếu được hỗ trợ dài hơi, HTX sẽ làm nhiều dịch vụ và chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả rất cao.
“Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Liên minh HTX tỉnh đã ban hành các kế hoạch trực tiếp tư vấn nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX tham gia vào chuỗi giá trị nhóm nông sản chủ lực của tỉnh. Trong đó, tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, triển khai sâu rộng, thông tin kịp thời trong cán bộ, đảng viên, trong hệ thống chính trị và nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của KTTT, HTX, Luật HTX năm 2012 và Kết luận số 70-KL/TW ngày 9-3-2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT. Đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ, kịp thời củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các HTX, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới”.
(Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nguyễn Thanh Phương)
|
Bài, ảnh: Hoàng Trung