Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

26/11/2019 - 08:22

BDK.VN - Ngày 25-11-2019, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng, Luật Giám định tư pháp năm 2012 đã bộc lộ một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp lần này là cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng. Để hoàn thiện dự thảo luật đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị xem xét một số nội dung:

Trong báo cáo trước đó Chính phủ có nêu phân cấp trong giám định, sau đó bổ sung Điều 25a về phân tuyến. Về vấn đề này, đại biểu Nhưỡng đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tư pháp là chúng ta không nên, bởi vì bản chất của giám định tư pháp là vấn đề chuyên môn chứ không phải quản lý. Đây là vấn đề thuộc về lĩnh vực tư pháp và bản thân giám định rất cần thiết tính độc lập của các cơ quan và tính độc lập của kết luận giám định. Đề nghị Ủy ban Tư pháp và Chính phủ nghiên cứu phân theo hạng chuyên môn, trình độ chuyên môn, tiêu chí hay tiêu chuẩn nào đó để các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng sẽ lựa chọn cơ quan hoặc cá nhân để thực hiện hoạt động giám định.

Đại biểu đồng tình với việc để cho các cơ quan tố tụng trước khi ra phán quyết có thể hỏi và tọa đàm ý kiến các chuyên gia để làm rõ các nội dung của giám định, đây là vấn đề rất quan trọng. Nó không ảnh hưởng đến tính độc lập của cơ quan tư pháp mà chỉ làm rõ vấn đề.

Từ trước đến nay, quy định trách nhiệm của các cơ quan giám định và người giám định không cao. Như vụ buôn lậu gỗ, trong vụ án này, cơ quan cảnh sát điều tra trưng cầu một cơ quan giám định không có kiến thức chuyên môn, không có điều kiện để thực hiện yêu cầu giám định tư pháp. Lẽ ra họ phải có nghĩa vụ từ chối giám định theo quy định của pháp luật, nhưng ngược lại, họ tự ý mời cơ quan khác không có tư cách pháp nhân về giám định tư pháp phối hợp giám định. Tất cả những người tham gia việc giám định đều không phải là giám định viên tư pháp hay giám định tư pháp theo vụ việc, họ đã cấu kết với nhau để thực hiện hành vi giám định chui. Theo đại biểu, một cơ quan không phải là cơ quan giám định sẽ không có thẩm quyền nhưng lại cố gắng giành lấy việc thực hiện vì lợi nhuận hoặc vì móc ngoặc tham nhũng... thì cần có những chính sách để xử lý thật nghiêm và quy định rõ trong luật, từ điều cấm cho đến nội dung quy định trách nhiệm để tránh tình trạng này.

Đại biểu cũng cho rằng việc giao thêm cho đơn vị Kiểm toán nhà nước nhiệm vụ giám định là không nên, không cần thiết. Nếu chúng ta vẫn cố quy định thêm nhiệm vụ cho Kiểm toán nhà nước thì sẽ phải đối mặt với một vấn đề chính là khả năng bị khiếu kiện. Trong trường hợp bị khiếu kiện chúng ta sẽ giải quyết như thế nào?.

Kim Hoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích