Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre

Thảo luận dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

09/11/2023 - 05:40

BDK.VN - Chiều 8-11-2023, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại Tổ về 2 dự thảo Luật: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Đại biểu Võ Văn Hội phát biểu tại phiên thảo luận Tổ chiều 8-11-2023.

Đại biểu Võ Văn Hội phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 8-11-2023.

Tham gia thảo luận về dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu Võ Văn Hội - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre, bày tỏ sự đồng tình cao với sự cần thiết phải ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp để góp phần xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Dự thảo Luật là sự thể chế hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo” và Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Đại biểu cũng thống nhất cao với hầu hết nội dung của dự thảo Luật, tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn về vấn đề: Tên gọi của Luật là Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhưng đi vào nội dung bên trong từ Điều 3 trở đi thì các điều khoản quy định theo hướng công nghiệp quốc phòng riêng, công nghiệp an ninh riêng. Các nước chỉ có công nghiệp quốc phòng, không có công nghiệp an ninh, nếu chúng ta quy định Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh thì vẫn được nhưng không nên tách riêng ra theo hướng Bộ Quốc phòng phụ trách sản xuất công nghiệp quốc phòng, Bộ Công an phụ trách sản xuất công nghiệp an ninh riêng, có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực. Đại biểu đề nghị cần tính toán nhu cầu trang bị chung của hai lực lượng quân đội và công an, từ đó giao “một Bộ sản xuất, hai Bộ sử dụng”, bên nào nhu cầu cao hơn sẽ chủ trì sản xuất, bên còn lại sẽ đặt hàng để được sản xuất và cung cấp trang thiết bị theo yêu cầu.

Về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh (Điều 9), tại khoản 1, Điều 9 dự thảo Luật quy định: “Cơ quan lập quy hoạch là cơ quan chuyên môn giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh”. Đại biểu đề nghị chuyển khoản 1, Điều 9 lên Điều 2 phần giải thích từ ngữ của dự thảo luật sẽ phù hợp hơn vì nội dung này mang tính chất là một khái niệm.

Tại Mục 2 về “Quản lý sản xuất quốc phòng, an ninh”, đại biểu đề nghị bổ sung từ “công nghiệp” và chỉnh sửa tên Mục 2 thành “Quản lý sản xuất công nghiệp quốc phòng, an ninh” cho phù hợp với Mục 1, 3, 4, 5 vì tên của các Mục này đều có từ “công nghiệp” trước cụm từ quốc phòng, an ninh.

Về đất phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 22), đại biểu đề nghị cần rà soát để quy định cho thống nhất với quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và với dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (cả hai dự thảo Luật cũng đang trình tại Kỳ họp thứ 6) cũng như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng….

Tại Điều 33 về khảo sát, lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp, khoản 2 quy định: “Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng hướng dẫn khảo sát năng lực sản xuất, sửa chữa của doanh nghiệp; hằng năm, Bộ Quốc phòng khảo sát bổ sung các doanh nghiệp”. Đại biểu cho rằng để khảo sát thì Bộ Quốc phòng cần hướng dẫn danh mục nội dung cần khảo sát, do đó, đề nghị bổ sung từ “danh mục” và chỉnh sửa như sau: “Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng hướng dẫn danh mục khảo sát năng lực sản xuất, sửa chữa của doanh nghiệp; hằng năm, Bộ Quốc phòng khảo sát bổ sung các doanh nghiệp”.

Tương tự vậy, tại Điều 35 về giao chỉ tiêu động viên công nghiệp, tại khoản 1, khoản 2, đại biểu cũng đề nghị bổ sung từ “danh mục” vào quy định khi Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao chỉ tiêu động viên công nghiệp thì cũng giao luôn danh mục cần động viên để các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp dễ thực hiện.

Về diễn tập động viên công nghiệp (Điều 38), đại biểu đề nghị bổ sung quy định “diễn tập động viên công nghiệp phải gắn với diễn tập khu vực phòng thủ các cấp”.

Ngoài ra, đại biểu còn đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung một điều (sau Điều 52) quy định về xử lý vi phạm để làm cơ sở xử lý các hành vi không chấp hành các quy định của Luật để đảm bảo tính khả thi, hiệu lực của Luật trên thực tế.      

Tin, ảnh: Ái Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN