Thảo luận tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

07/12/2021 - 21:44

BDK - Chiều 7-12-2021, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa X, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá một cách toàn diện, khách quan, đúng thực chất những kết quả đạt được, cũng như những khó khăn, hạn chế trong năm 2021. Trong đó, tập trung thảo luận 22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) chủ yếu năm 2022. Các đại biểu bàn sâu các giải pháp kiểm soát dịch Covid-19; giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy học online trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; giải pháp giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế; giải pháp người dân tham gia chuỗi giá trị, hòa nhập vào thị trường tự do để phát triển kinh tế; công tác chuẩn bị phòng chống hạn mặn; phát triển tỉnh về hướng Đông...

Đại biểu HĐND tỉnh Phạm Thanh Hùng (đơn vị huyện Ba Tri) tham gia thảo luận tại Kỳ họp.  Ảnh: Q.Hùng

Đại biểu HĐND tỉnh Phạm Thanh Hùng (đơn vị huyện Ba Tri) tham gia thảo luận tại Kỳ họp. 
Ảnh: Q.Hùng

Kiểm soát dịch Covid-19, giải quyết việc làm, giáo dục và đào tạo

Đại diện Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Bình Đại, đại biểu Cao Văn Bé Tư đặt vấn đề về giải pháp giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thường trú trên địa bàn tỉnh và người lao động từ các tỉnh, thành phố trở về do ảnh hưởng dịch Covid-19. Đại biểu Trịnh Thị Hồng Thắm, đại diện Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Ba Tri đặt vấn đề về giải pháp nâng cao hiệu quả chất lượng dạy học online trong tình hình dịch Covid-19.

Giám đốc Sở Y tế Ngô Văn Tán cho rằng, để thực hiện tốt các giải pháp trên, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Phát huy vai trò của tổ Covid cộng đồng ở cơ sở, phát hiện nhanh để điều trị kịp thời cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, hiện nay thuốc điều trị rất có hiệu quả, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. Chủ động phương án đối phó với biến chủng mới của Covid-19. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền thực hiện nguyên tắc “5K” của Bộ Y tế trong cộng đồng dân cư. “Ý thức chủ động của người dân trong công tác phòng chống dịch Covid-19 là một liều vắc-xin tốt nhất”, ông Ngô Văn Tán nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thanh Hùng cho rằng, qua khảo sát thực tế mới đây của ngành, hiện có 47 doanh nghiệp (DN) trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng 7.600 lao động, trong đó, có 6.700 lao động phổ thông. Về nhu cầu tìm việc làm mới, có trên 21 ngàn lao động, trong đó có hơn 3 ngàn lao động từ ngoài tỉnh về. Trong thời gian tới, cần thực hiện tốt hơn nữa chính sách hỗ trợ cho người lao động theo quy định, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho người lao động, triển khai kế hoạch đưa người lao động trở lại làm việc tại các công ty, DN khi có nhu cầu. Đẩy mạnh công tác tư vấn, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là công tác đào tạo nghề cho người lao động ở nông thôn. Thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động và DN sử dụng lao động do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Về nội dung thảo luận trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo La Thị Thúy cho rằng, ngành cũng đồng ý với vấn đề đặt ra của Tổ đại biểu, chất lượng dạy và học trực tuyến còn nhiều hạn chế, nhất là tỷ lệ học sinh tiểu học tham gia học tập, việc thiếu trang thiết bị học tập của các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn... Ngành cũng đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới như sẽ chấn chỉnh lại thời khóa biểu học cho phù hợp với từng cấp học. Rà soát và tổ chức tập huấn cho giáo viên về kỹ năng dạy trực tuyến. Tiếp tục vận động, hỗ trợ trang thiết bị học cho học sinh, nâng cấp đường truyền và phối hợp với các đơn vị viễn thông miễn giảm chi phí cho học sinh. Phụ huynh đồng hành cùng nhà trường trong công tác dạy và học của con em, nhất là học sinh cấp tiểu học...

Sản xuất nông nghiệp, hoạt động du lịch

Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Ba Tri Phạm Thanh Hùng nêu ý kiến: Tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo các văn bản chỉ đạo. Có giải pháp miễn giảm thuế, các loại phí, lệ phí, hỗ trợ về tín dụng cho các DN gặp khó khăn; miễn, giảm, giãn tiền thuê đất, giảm giá thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các hiệp hội  DN, DN để nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, kịp thời có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các DN nằm trong chuỗi liên kết, DN có quy mô, giá trị sản xuất, kim ngạch xuất khẩu lớn. Quan tâm hỗ trợ DN tìm thị trường như thành lập chuỗi phân phối sản phẩm; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; thúc đẩy kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp và bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu. Phát triển mạnh kinh tế biển, vận động và hỗ trợ kỹ thuật để phát triển nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao; chú trọng công nghiệp chế biến, ưu tiên chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực phục vụ xuất khẩu. Hướng dẫn các DN, cơ sở du lịch thực hiện biện pháp du lịch an toàn, khôi phục các tour, tuyến du lịch trong “vùng xanh”, từng bước phục hồi hoạt động ngành du lịch trong trạng thái bình thường mới.

Phó trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Khiêm phát biểu tại kỳ họp.

Phó trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Khiêm phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Hữu Hiệp

Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Châu Thành Nguyễn Văn Khiêm nêu ý kiến: Giải pháp đặt ra để người dân tham gia chuỗi giá trị, hòa nhập vào thị trường tự do để phát triển kinh tế là tỉnh tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác, trong đó tập trung xây dựng chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, từng bước đảm bảo được vai trò dẫn dắt liên kết sản xuất theo hình thức chuỗi giá trị. Củng cố và xây dựng các DN dẫn đầu tham gia vào chuỗi giá trị, nâng cao giá trị hàng hóa thông qua xuất khẩu hàng nông sản vào thị trường quốc tế. Có chính sách trợ giá cho các sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ nhằm khuyến khích người dân tích cực tham gia sản xuất theo hình thức chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng kịp thời quá trình hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình các hiệp định thương mại tự do.

Phòng chống hạn mặn

Về công tác phòng chống hạn mặn, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Chợ Lách Đặng Hải Đăng đề xuất: Tỉnh cần khảo sát các hệ thống thủy lợi để kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đập ngăn mặn… để tận dụng tối đa nguồn nước ngọt. Đẩy nhanh tiến độ thi công mở các hệ thống cấp nước, tiến độ lắp đặt đồng hồ nước để kịp thời phục vụ nhân dân; có phương án, giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo cung cấp nước ngọt phục vụ nhân dân trong mùa khô. Nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và khuyến cáo lịch thời vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tránh bị động.

Đối với huyện Chợ Lách, đại biểu Đặng Hải Đăng mong muốn UBND tỉnh sớm hoàn thiện 2 dự án: Hạ tầng thiết yếu hỗ trợ phát triển vùng cây ăn trái, hoa kiểng khu vực Mỏ Cày Bắc và huyện Chợ Lách thuộc địa bàn xã Tân Thiềng, Long Thới, Vĩnh Thành gồm 5 cống hở và tuyến đê bao cặp sông Cái Gà; Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển vùng cây ăn trái khu vực xã Sơn Định - Vĩnh Bình - Phú Phụng nhằm ngăn triều cường, kiểm soát mặn phục vụ sản xuất, ổn định dân sinh; kết hợp hoàn thiện hệ thống giao thông phục vụ sản xuất của khu vực, góp phần phát triển kinh tế.

Phát triển tỉnh về hướng đông

Về thực hiện phát triển kinh tế hướng Đông, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Thạnh Phú Trần Văn Của nhận định: Sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy có Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 29-1-2021 về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Để nghị quyết sớm trở thành hiện thực và sự mong đợi của người dân, một trong những yếu tố quan trọng là đầu tự hạ tầng giao thông 3 huyện biển. Tỉnh tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương và của tỉnh để đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 57, từ thị trấn Mỏ Cày đến Khâu Băng, huyện Thạnh Phú (trong nghị quyết đề ra). Song song đó đầu tư mở rộng tuyến đường từ ngã ba Hồ Cỏ ra khu du lịch biển Thạnh Phú (khu di tích đường Hồ Chí Minh trên biển). Khi mở rộng quốc lộ 57 thì huyện có điều kiện kêu gọi nhà đầu tư thực hiện được 1.500ha nuôi tôm công nghệ cao.

Về thi hành án dân sự

Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị TP. Bến Tre Nguyễn Văn Nghiệp cho rằng, năm 2021 thi hành án dân sự đã thụ lý 17.655 việc với 1.687 tỷ đồng, đã thi hành xong đạt 82,23% về việc, 50,37% về tiền, vượt 0,7% về việc, kéo giảm 29,78% án có điều kiện chuyển kỳ sau so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cử tri quan tâm vì sao còn nhiều việc án mà người phải thi hành án có điều kiện thi hành nhưng chưa cưỡng chế thi hành án.

Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị TP. Bến Tre Nguyễn Văn Nghiệp phát biểu thảo luận. Ảnh: Hữu Hiệp

Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị TP. Bến Tre Nguyễn Văn Nghiệp phát biểu thảo luận. Ảnh: Hữu Hiệp

Để giải quyết vấn đề này, các cấp chính quyền, đoàn thể cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình, khiếu nại, tố cáo và các luật khác có liên quan. Làm cho người dân hiểu đúng và chấp hành đúng pháp luật, vận dụng trong các quan hệ dân sự đời thường, hạn chế tranh chấp, kiện tụng phát sinh. Đối với hệ thống thi hành án trong tỉnh, cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ, năng lực, bản lĩnh công tác cho đội ngũ cán bộ, xem đây là ưu tiên hàng đầu. Nhân rộng mô hình Tổ vận động thi hành án dân sự của Thạnh Phú, Giồng Trôm.

Giải trình một số ý kiến của đại biểu về công tác phòng chống hạn mặn và kinh tế hướng Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam thông tin: Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra từ 8 - 8,5% trong năm 2022 là khá cao, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm chính trị thật cao. Thời gian qua, tỉnh đã rất chủ động trong đề ra kế hoạch, các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế.

Về vấn đề hạn mặn, việc cấp nước ngọt cho người dân sẽ được đảm bảo trong thời gian tới. Bên cạnh đó, người dân cũng cần chủ động trữ nước mưa, nước ngọt để ứng phó với hạn mặn. Hiện UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng thực hiện 2 đề án về “nước” và “rác”, một cách tổng thể, các nhà máy nước phải đảm bảo các cấp nước bài bản, khoa học để phục vụ cho sự phát triển.

Đối với kinh tế hướng Đông, trọng yếu là triển khai khu kinh tế biển và đường ven biển. Một số hoạt động đã khởi động như: 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao, các dự án điện gió… Dự kiến hầu hết các khu công nghiệp sau này sẽ chuyển về hướng biển, tạo thuận tiện cho sự phát triển.

T. Lập - Q. Hùng - H. Hiệp - PV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN