Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Trúc Sơn chủ trì buổi thảo luận.
Tại buổi thảo luận có 4 ý kiến nhưng hầu hết các ý kiến thống nhất cao với sự cần thiết ban hành 2 dự án Luật. Bên cạnh đó, đại biểu góp ý một số nội dung: Về hệ thống tổ chức của lực lượng CSCĐ thống nhất chọn phương án 1; tại Khoản 2, Điều 10 về cần thiết đưa ra các biện pháp ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác. Nội dung này còn nhiều khó khăn do lực lượng CSCĐ có sự phối hợp với lực lượng quân sự, không thực hiện độc lập. Về vị trí, chức năng của CSCĐ, Ban soạn thảo cần làm rõ hơn để tránh chồng chéo các luật khác khi ban hành. Cần làm rõ cơ cấu tổ chức, quân số của lực lượng CSCĐ, đảm bảo tinh gọn bộ máy,…
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi thống nhất với ý kiến của đại biểu, đồng thời lưu ý thêm: Đối với Luật Sở hữu trí tuệ, qua 15 năm thi hành, đây là lần sửa đổi, bổ sung thứ 3, khối lượng sửa đổi nhiều 92/223 điều. Cần xem xét Ban hành Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi thay vì là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng tình ở Khoản 84, Điều 1 dự thảo luật, đồng thời đề nghị bổ sung thêm nội dung quyền sở hữu đối với giống cây trồng được nhân giống bằng phương pháp vô tính giâm chiết cành đang sử dụng phổ biến trong sản xuất giống cây trồng ở Bến Tre.
Đối với Luật CSCĐ, cần có quy định cụ thể về hệ thống tổ chức và cơ cấu hoạt động của CSCĐ. Xem xét thống nhất việc bố trí nhà ở xã hội đối với cán bộ chiến sĩ CSCĐ.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Trúc Sơn thống nhất về sự cần thiết của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời lưu ý đến phương án lấy ý kiến liên quan đến các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước nghiên cứu khoa học; thống nhất chọn phương án 1.
Khuyến khích sau nghiên cứu, các kết quả nghiên cứu phải được sử dụng, thương mại hóa và phát huy giá trị. Tuy nhiên, cần lưu ý khi được sử dụng, thương mại hóa, phải khẳng định lại quyền lợi giữa nhà nước, tác giả - nhóm tác giả và tổ chức người đó đang phục vụ, đảm bảo sự hài hòa. Nghiên cứu kỹ, quan tâm những thay đổi mang tính chất đổi mới sáng tạo, sử dụng công nghệ; cơ quan soạn thảo nên có những điều khoản vì diễn biến, thay đổi của công nghệ rất nhanh chóng.
Phải khẳng định được vị trí, chức năng của lực lượng CSCĐ. Lực lượng này là một nhánh của lực lượng Công an nhân dân (CAND), là lực lượng thuộc CAND, có chức năng, nhiệm vụ đặc biệt. Trong 2 phương án Chính phủ trình, thống nhất chọn phương án 1. Lực lượng CSCĐ phải thống nhất trong lực lượng CAND. Quy định chặt chẽ về quyền hạn của lực lượng CSCĐ, tránh lạm dụng, lạm quyền; chỉ huy động, sử dụng lực lượng này trong những tình huống đe dọa an ninh quốc gia.
Cần làm rõ cơ cấu tổ chức, dự kiến về quân số của lực lượng CSCĐ; quy định sự phối hợp giữa CAND, CSCĐ và Quân đội. Quy định rõ lực lượng nào chỉ huy khi có các tình huống về quốc phòng, an ninh nội địa. Khi Luật quy định ở cấp địa phương, thống nhất trong Công an tỉnh và do Giám đốc Công an tỉnh là người có quyết định cao nhất trên địa bàn địa phương, không tạo ra cơ chế có thẩm quyền riêng.
Các ý kiến của đại biểu, sở, ngành tại buổi thảo luận sẽ được tổng hợp đầy đủ, chính xác gửi về Văn phòng Quốc hội tổng hợp.
Tin, ảnh: Hoàng Lam