Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre

Thảo luận trực tuyến Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ

08/01/2022 - 06:05

BDK.VN - Ngày 7-1-2022, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi Trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Lệ Thủy tham gia thảo luận.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi Trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Lệ Thủy tham gia thảo luận.

Tham gia thảo luận trực tuyến Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ tại điểm cầu chính Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi Trường của Quốc hội (QH), đại biểu QH đơn vị tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Lệ Thủy thống nhất cao với sự ban hành nghị quyết. Để góp phần hoàn thiện dự thảo nghị quyết, đại biểu xin đóng góp cụ thể vào 2 chính sách đặc thù riêng cho TP. Cần Thơ.

Vấn đề thứ nhất về chính sách nạo vét, kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ. Việc đầu tư nạo vét sẽ tạo điều kiện khai thác ưu điểm chi phí thấp của giao thông vận tải thủy và khai thác hiệu quả các cảng dọc luồng hàng hải Định An - Sông Hậu đã được đầu tư nâng cấp. Do đó, đại biểu đề nghị ngoài những vấn đề đã được nêu trong báo cáo phối hợp thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì cần lưu ý thêm một số vấn đề:

Một là, cần đảm bảo nâng cấp các cảng trên tuyến để đủ khả năng đón nhận tàu 10 ngàn tấn, một khi luồng được nạo vét để đảm bảo tính đồng bộ. Đồng thời, bổ sung chính sách giảm phí sử dụng cảng để nâng cao hiệu quả sử dụng của dự án.

Hai là, cần xác định rõ tiêu chí tuyển chọn doanh nghiệp thực hiện dự án. Ngoài tiêu chí về quy mô, cần bổ sung tiêu chí về kinh nghiệm, công nghệ áp dụng cho một dự án đặc thù.

Ba là, phải được sự đồng thuận của người dân vốn có truyền thống sinh sống dọc hai bờ sông và địa phương nơi có dự án đi qua. Dự thảo nghị quyết phải đảm bảo các tỉnh có dự án liên quan cũng được áp dụng cơ chế ưu đãi cho dự án này như trong nghị quyết khi đi qua địa bàn tỉnh mình, đồng thời được tham gia tuyển chọn nhà đầu tư cho dự án theo các tiêu chí tuyển chọn được quy định trong nghị quyết.

Bốn là, đề nghị làm rõ quyền lợi và ranh giới các mỏ đã được cấp phép khai thác cho các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh trước ngày nghị quyết có hiệu lực. Đồng thời, hiện nay nguồn vật liệu xây dựng chủ yếu là cát đang rất khan hiếm. Do đó, đại biểu đề nghị có cơ chế ưu tiên sử dụng nguồn vật liệu xây dựng thu hồi từ dự án cho các dự án đầu tư của địa phương trước, tất nhiên không phải là hỗ trợ.

Năm là, về đánh giá dự án, theo đó sau thời gian thí điểm của nghị quyết là 5 năm phải đánh giá lại dự án. Bởi vì, việc xã hội hóa hoạt động nạo vét phụ thuộc nhiều vào khả năng và sản lượng vật chất nạo vét có ích được thu hồi mà khả năng này phụ thuộc rất lớn vào các kịch bản biến đổi khí hậu, trong đó có việc khai thác các công trình thủy điện của các quốc gia thượng nguồn, làm giảm đáng kể lượng cát thu hồi. Do đó, cần thời gian đánh giá lại các chính sách ưu đãi để điều chỉnh, bổ sung thêm các ưu đãi, nhằm bù đắp cho doanh nghiệp khi nguồn thu không còn đủ hấp dẫn.

Tuy nhiên, cũng cần quy định về thời hạn tối thiểu thực hiện dự án để ràng buộc doanh nghiệp, tránh trường hợp doanh nghiệp sau khi được chọn thực hiện dự án sẽ chỉ tập trung khai thác những nơi có mỏ cát có khả năng thu hồi sản phẩm, tạo lợi nhuận để khai thác trước, đến khi không còn khả năng thu hồi hoặc không còn lợi nhuận thì trì hoãn việc nạo vét hoặc nhượng dự án cho doanh nghiệp khác không đủ năng lực nạo vét. Bởi vì, theo báo cáo đánh giá tác động thì trong suốt chiều dài tuyến 234km, không phải chỗ nào tỷ lệ bùn cát cũng là 70-30.

Vấn đề thứ hai về chính sách thành lập Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. Về nội dung này đại biểu nhấn mạnh thêm 3 nội dung:

Một, về xây dựng hệ thống kho lạnh quốc gia đặt tại vùng nguyên liệu lớn có sức chứa đảm bảo lưu trữ được sản lượng lớn các nông, thủy sản khi vào vụ thu hoạch thì cần lưu ý đến chi phí duy trì kho lạnh rất cao, trong khi thời vụ thu hoạch nông sản hầu hết là ngắn. Hơn nữa, chi phí logistics của vùng cao nên việc chuyển thành thành phẩm sau khi chế biến đến trung tâm để tiêu thụ sẽ rẻ hơn nhiều so với chuyển nguyên liệu của vùng đến trung tâm để lưu trữ và chế biến.

Thứ hai, liên kết cung cầu nông sản giữa nơi sản xuất và thị trường tiêu thụ không nhất thiết phải tập hợp tại một khu vực trong thời đại công nghệ thông tin vô cùng phát triển như hiện nay.

Thứ ba, ngoài các ưu đãi theo Luật Thuế, Luật Hải quan cần làm rõ các ưu đãi khác như là việc đầu tư vào trung tâm thì có được hưởng tối đa thời gian của dự án theo Luật Đầu tư là 70 năm hay không, hay là có được dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn theo Luật Đất đai và Luật Đầu tư không, hay là được hưởng ưu đãi về đào tạo lao động, những chính sách ưu đãi khác về nông nghiệp hay không. Đồng thời, ngoài các tiêu chí đã nêu cần bổ sung tiêu chí về quy mô vốn và công nghệ để tránh thu hút nhầm các doanh nghiệp đầu tư công nghệ lạc hậu vào trung tâm để chỉ được hưởng ưu đãi.

Tin, ảnh: Hồng Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN