Thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn

19/06/2017 - 07:05

Bà Nguyễn Ái Thúy (huyện Châu Thành) hỏi: Năm 2014, tôi và chồng tôi thuận tình ly hôn với nhau và thỏa thuận việc nuôi con chung: chồng tôi được quyền nuôi dưỡng con trai là cháu D. (sinh ngày 1-2-2012); tôi được quyền nuôi dưỡng con gái là P. (sinh ngày 2-2-2010); mỗi người nuôi một con, không ai cấp dưỡng nuôi con. Hoàn cảnh kinh tế gia đình tôi khá sung túc và tôi có việc làm ổn định. Chồng tôi là con trai út sống chung với cha mẹ ruột, gia đình khá giả.

Tháng 3-2017, chồng tôi bị tai nạn giao thông và qua đời, con trai tôi tiếp tục sống chung với ông bà nội. Tôi sợ rằng ông bà nội lớn tuổi, không có sức khỏe để nuôi dưỡng cháu D. ăn học thành tài nên muốn đem D. về nuôi dưỡng. Tôi đã nhiều lần bàn bạc với ông bà nội cháu, nhưng ông bà không đồng ý. Ông bà cho rằng, từ trước đến nay cháu D. sống chung với cha và ông bà nội, sau khi vợ chồng tôi ly hôn thì vẫn như thế; ông bà nội có quyền tiếp tục nuôi cháu và cương quyết không đồng ý giao cháu D. lại cho tôi. Hơn nữa, hiện nay ông bà là người giàu có, thừa khả năng để nuôi cháu D. nên người, không cần đến sự quan tâm của tôi.

Trường hợp của tôi, muốn được quyền nuôi con thì phải làm sao?

Thắc mắc của bà được luật sư Nguyễn Văn Tặng (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

“Cha mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con.

Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.

Tuy nhiên, theo luật quy định, đối với trẻ từ 7 tuổi trở lên thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con. Như nội dung bà trình bày, khi ly hôn thì cháu D. do chồng bà nuôi dưỡng; sau đó, chồng bà bị tai nạn qua đời và cháu D. sống với ông bà nội. Về điều kiện nuôi con thì cả hai bên đều có khả năng. Tuy nhiên, ông bà nội của cháu D. không muốn cho bà nuôi cháu.

Trường hợp này, chồng của bà là người trực tiếp nuôi con sau ly hôn nhưng đã chết nên bà là người được thay đổi trực tiếp để nuôi con. Mặt khác, con của bà chưa tròn 7 tuổi nên không cần hỏi ý kiến của cháu bé về việc thay đổi trực tiếp người nuôi con. Do vậy, bà có đủ quyền yêu cầu tòa án quyết định thay đổi người nuôi con.

Tuy nhiên, bà cần phải xem xét lại trường hợp này trước khi yêu cầu tòa án giải quyết. Nếu bà cương quyết thì sẽ mất lòng cha mẹ chồng của bà. Bà có thể suy nghĩ kỹ lưỡng để lựa chọn phương án tốt nhất, sao cho thấu tình, đạt lý.

Huỳnh Đức (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN