Thầy Nguyễn Quốc Tường đam mê nghiên cứu, sáng tạo

28/09/2020 - 06:49

BDK - Cùng với đồng nghiệp đạt cùng lúc giải nhì và giải ba tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp huyện Chợ Lách năm 2020 cho sản phẩm “Kem trị nứt gót chân từ sáp ong và dừa” (giải nhì) và “Nhang xua ruồi, muỗi từ vỏ bưởi và cây cúc đất” (giải ba), thầy Nguyễn Quốc Tường - chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chợ Lách đã nối dài hơn danh sách các sản phẩm nghiên cứu, sáng tạo của mình.

Thầy giáo Nguyễn Quốc Tường và sản phẩm Nhang xua ruồi, muỗi từ vỏ bưởi và cây cúc đất.

Thầy giáo Nguyễn Quốc Tường và sản phẩm Nhang xua ruồi, muỗi từ vỏ bưởi và cây cúc đất.

Từ vật liệu thiên nhiên

Bày trên bàn khối nhang sinh học được tạo hình thành những trái măng cụt ngộ nghĩnh, thầy Tường diễn giải rất cụ thể về thành phần và công dụng của sản phẩm. Thầy làm nhang sinh học với thành phần chính là vỏ bưởi và cây cúc đất (sài đất) được xay nhuyễn, phối trộn theo tỷ lệ phù hợp. Công dụng của cây cúc đất và vỏ bưởi đã được chứng minh trong nghiên cứu của các nhà khoa học cũng như trong thực tế về khả năng xua ruồi hiệu quả. Trong đó, thành phần cây cúc đất có khả năng phòng trừ sâu bệnh, còn vỏ bưởi do có tinh dầu nên khi đốt xua ruồi rất hiệu quả.

Thầy Tường đốt thử một “quả măng cụt”, do thành phần chỉ toàn là thực vật nên tạo ra mùi hương thoang thoảng, khói nhiều nhưng không làm người ngồi trong phòng khó chịu. “Mỗi quả măng cụt này có thể cháy khoảng hơn 2 giờ đồng hồ. Ngoài ra, tôi còn làm thêm mẫu nhang sinh học dạng cây thông thường”, thầy Tường cho biết.

Bên cạnh đó, một trong các nguyên nhân góp phần hình thành nên ý tưởng nhang sinh học này chính là bắt nguồn từ thực tế. Nhiều loại nhang, tinh dầu hiện bán trên thị trường còn quá nhiều thành phần hóa học, có ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe người sử dụng. Trong khi đó, theo kinh nghiệm dân gian, người dân thường dùng vỏ bưởi khô un khói để xua ruồi. Còn cây cúc đất đã được thầy Tường nghiên cứu ứng dụng dùng làm thuốc trừ sâu sinh học vào năm 2013, không gây tác hại tới con người mà có tác động diệt trừ sâu hại. Vì vậy, thầy Tường đã kết hợp 2 loại vật liệu này với nhau để tạo ra sản phẩm nhang sinh học xua ruồi, trừ muỗi.

Thầy Tường cho biết: “Tạo hình trái măng cụt ngộ nghĩnh xuất phát từ ý tưởng giới thiệu hình ảnh trái cây đặc sản của Chợ Lách. Khi ra sản phẩm thương mại có thể góp phần quảng bá hình ảnh về quê hương”.

Cũng như nhang sinh học, sản phẩm kem trị nứt gót chân từ dầu dừa và sáp ong được làm từ các nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên. Kỹ thuật chưng cất lấy tinh dầu dừa và sáp ong cho ra sản phẩm màu trắng đục, thẩm mỹ, chất lượng, có tác dụng trị nứt gót chân, được Sở Y tế kiểm định an toàn cho người sử dụng.

Tích cực hướng dẫn học sinh

Thầy Nguyễn Quốc Tường chia sẻ, nghiên cứu sáng tạo vốn là đam mê của thầy từ nhiều năm nay. Từ một giáo viên bộ môn Lý, làm hiệu trưởng rồi chuyên viên quản lý giáo dục của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, dù bận rộn nhưng thầy Tường vẫn gắn bó với nghiên cứu, tìm tòi thực hiện các sản phẩm ứng dụng. Thầy từng trải qua các công việc như: làm nghề chạm nổi trên gỗ, vẽ áo dài, sửa kiểng bonsai.

Từ năm 2013, khi còn công tác tại Trường THCS Vĩnh Thành với vai trò là hiệu trưởng, thầy Tường đã gắn bó với công tác nghiên cứu, hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi sáng tạo. Các sản phẩm nghiên cứu của thầy giáo Nguyễn Quốc Tường từng tham dự các giải về ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo khoa học kỹ thuật đạt các giải thưởng của huyện và tỉnh, như: than tổ ong từ vỏ sầu riêng, ủ nấm mối, nhang  muỗi, phân sinh học ngăn ngừa ốc sên làm từ tro bếp, vỏ trứng, vỏ cà phê… “Nghiên cứu là đam mê. Đồng thời, nếu giáo viên gắn bó với nghiên cứu thì có thể hỗ trợ, hướng dẫn cho học sinh”, thầy Tường nói.

Thầy còn là tấm gương cho học sinh tích cực tham gia nghiên cứu sáng tạo, để gầy dựng và phát triển các ý tưởng tốt trong học sinh. Với kinh nghiệm trong nghiên cứu, thầy sẵn sàng hỗ trợ cho học sinh có ý tưởng tốt để phát triển thực hiện sản phẩm. Thời gian qua, phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật, ý tưởng khởi nghiệp trong học sinh của huyện Chợ Lách đã có những bước phát triển nhất định, ngày càng sôi nổi và có chất lượng hơn.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN