Thầy Tân, môn Sử và Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

14/11/2011 - 07:19

Qua hơn 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Bến Tre đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân, đơn vị là điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Trong đó, có thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Tân, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Sương Nguyệt Anh (xã Phú Ngãi, huyện Ba Tri). Thầy Tân vừa được trao giải sáng kiến kinh nghiệm loại A, năm học 2010-2011 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, với đề tài “Một số kinh nghiệm giáo dục học sinh “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” qua môn Lịch sử”.

- Thưa thầy, thầy nghĩ gì về thực trạng dạy và học Sử ở nước ta hiện nay? Sau một hồi suy nghĩ, thầy Tân chia sẻ, Sử là một môn học đầy tính khoa học, kiến thức lịch sử là sợi dây quý báu nối con người với quá khứ, hiện tại và tương lai. Là một người trực tiếp đứng lớp dạy Sử, thầy đánh giá chương trình dạy hiện nay đã có nhiều cải cách phù hợp, hướng đến cách dạy và học tư duy, suy luận chứ không rập khuôn theo công thức “đọc chép - thuộc lòng” như trước đây. Và, chính đây là điều kiện thuận lợi để thầy Tân thực hiện được sáng kiến kinh nghiệm của mình: lồng ghép một số nội dung của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vào chương trình truyền đạt môn Sử cho các em học sinh. Thông qua đó, góp phần giúp các em hiểu rõ và cùng tham gia vào cuộc vận động lớn đầy tính nhân văn của cả nước. Thầy Tân cũng như nhiều giáo viên khác đều có chung sự băn khoăn về thực trạng đạo đức học sinh đang xuống cấp, biểu hiện qua tỷ lệ học sinh cá biệt, hạnh kiểm yếu ngày càng gia tăng. Môn Lịch sử lại là một trong những môn nhằm giáo dục cho học sinh các chuẩn mực đạo đức, góp phần hình thành nhân cách cho con người Việt Nam. Vì vậy, giáo dục học sinh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” qua môn Lịch sử là một trong những con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất giúp học sinh rèn giũa đạo đức, hoàn thiện nhân cách, sống thật xứng đáng là “con cháu Bác Hồ”.

 Đối tượng thực hiện đề tài là học sinh hai khối lớp 10 và 12. Bước vào giờ học Lịch sử của lớp 12A3, chúng tôi cảm nhận được một không khí học tập sôi nổi thể hiện sự tương tác giữa cả thầy và trò ngay từ những phút đầu tiên. Bài Tổng kết lịch sử Việt Nam (năm 1919-2000), thầy Tân đã lồng ghép vào nội dung tư tưởng trung với nước, hiếu với dân, quyết tâm suốt đời hy sinh vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ thể, các em học sinh được chia thành 5 nhóm hoạt động, mỗi nhóm sẽ tự tìm tài liệu để tóm tắt nội dung cơ bản các thời kỳ phát triển dân tộc: vận động thành lập Đảng (1919-1930); Cách mạng tháng Tám thành công dưới sự lãnh đạo của Đảng (1930-1945); kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954); kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975); xây dựng chủ nghĩa xã hội (1975-2000). Bản thân thầy Tân cũng tìm tòi, sưu tầm những mẩu chuyện hay, có liên quan về Bác để cung cấp cho các em. Qua đó, giúp các em dễ hiểu và nắm bài một cách khoa học.

Em Hồ Thị Tuyết Nhung, học sinh lớp 12A3 nhận xét, nhờ phương pháp dạy Sử có lồng ghép truyền đạt tư tưởng đạo đức Bác Hồ cùng với việc giao quyền chủ động học tập, mở rộng kiến thức mà giờ học Sử đã trở nên thú vị, giúp em thêm yêu môn Sử hồi nào không hay. Hay như em Lê Thị Tú, học cùng lớp bộc bạch, trước đây em cứ nghĩ nội dung tư tưởng của Bác là những khái niệm trừu tượng mà chỉ có người lớn mới có đủ trình độ và khả năng để học và làm theo. Nhưng giờ đây, qua những bài học lịch sử, những mẩu chuyện sưu tầm về tấm gương đạo đức của Bác, ví như “Việc chi tiêu của Bác”, “Từ đôi dép đến chiếc xe ô-tô”, Tú và nhiều bạn nữa đã hiểu và tự nguyện, tự giác học tập, làm theo. Đó có thể là giúp bạn nhỏ hoặc cụ già qua đường, tiết kiệm chi tiêu để đóng góp ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn. Hay những hành động thiết thực vì biển, đảo quê hương như nhắn tin góp đá xây Trường Sa, bình chọn Vịnh Hạ Long…

Nói về hiệu quả sáng kiến kinh nghiệm, thầy Nguyễn Văn Tân cho biết, chỉ sau một vài tháng áp dụng mà kết quả học tập và hạnh kiểm của các em đã tiến bộ rõ rệt. Năm học 2010-2011, số học sinh khá giỏi chiếm hơn 20%, hạnh kiểm tốt chiếm hơn 80%, cao hơn nhiều so với thời điểm đầu năm học. Đặc biệt, đã giảm số lượng học sinh cá biệt. Khách quan tất yếu là kéo theo việc tăng tỷ lệ học sinh yêu thích môn Sử từ 190/333 học sinh lên 270/333 học sinh. Trao đổi với chúng tôi, thầy Bùi Tấn Kiệt - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Sương Nguyệt Anh khẳng định, thấy được hiệu quả thiết thực mà sáng kiến kinh nghiệm của thầy Tân mang lại, Ban Giám hiệu nhà trường đã ủng hộ và nhanh chóng triển khai phổ biến ra toàn trường. Đồng thời, nhà trường duy trì tổ chức hội thi kể chuyện “Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tạo sân chơi cho các em học sinh ôn lại những kiến thức lịch sử, đạo đức về Bác Hồ đã được học.

Thiên Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN