Vui vẻ, giàu tâm huyết
Đó là bác sĩ Phạm Thành Duy Dương - Quyền Trưởng Khoa Châm cứu Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Với kinh nghiệm trong nghề và thời gian từng trải nghiệm tại một số bệnh viện TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ Dương đã chuyển tải một lượng kiến thức y khoa đáng kể về cho Bệnh viện Y học cổ truyền trong công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, đặc biệt về bệnh đột quỵ.
Với quan niệm “thà dốt một lần hơn dốt suốt đời”, bác sĩ Dương không ngừng học hỏi, trau dồi tay nghề, thường xuyên cập nhật kiến thức mới. Nhờ sự sáng tạo, đổi mới trong phương pháp điều trị của bác sĩ Dương, mà lần đầu tiên tại bệnh viên Y học cổ truyền có sự kết hợp điều trị giữa Đông và Tây y đạt hiệu quả cao ở người bệnh đột quỵ. Đó là niềm vui của bản thân anh và của rất nhiều bệnh nhân điều trị tại bệnh viện.
Trong công tác quản lý, bác sĩ Dương đã đóng góp tích cực trong việc hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu của khoa và đơn vị. 5 năm liền, khoa luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch trên giao với chất lượng cao. Được hỏi thời gian, kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, tìm kiến thức để đi đến danh hiệu Thầy thuốc trẻ tài năng và y đức, anh cười: Chỉ biết đó là trách nhiệm của bản thân mà cố gắng, không ngờ đạt danh hiệu. Mình làm bác sĩ cứu được người là niềm vui. Với tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân hòa nhã, ân cần, chu đáo, anh được đông đảo bệnh nhân tín nhiệm và khen ngợi.
Bác sĩ Dương chia sẻ: Sức khỏe bệnh nhân là vốn quý nhất, tôi lấy nỗi đau đớn, bệnh tật của bệnh nhân làm nỗi đau của mình. Tôi luôn cố gắng học hỏi, trau dồi chuyên môn, kiến thức, rèn luyện đạo đức tác phong để xứng đáng là cán bộ y tế xã hội chủ nghĩa; luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu” để cố gắng, phấn đấu, tận tụy với công việc”. Ngoài những đóng góp trong công tác khám chữa bệnh, bác sĩ Dương đầu tư nghiên cứu nhiều đề tài áp dụng có hiệu quả cho bệnh nhân huyết áp và tai biến mạch máu não.
Niềm vui sinh - tử
Với thời gian dày đặc của bác sĩ Chuyên khoa 2, Phó trưởng Khoa Nội A Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, chúng tôi không lấy làm khó hiểu về thời gian chị Trần Thị Mỹ Hạnh hẹn gặp chúng tôi là cuối giờ chiều. Trò chuyện trong quỹ thời gian hạn hẹp nhưng chúng tôi phần nào cảm nhận ở chị một bác sĩ tâm huyết, nhiệt tình, hết lòng vì người bệnh.
Toát lên ngoài vẻ ngoài vui vẻ, ôn hòa là một tình yêu với nghề và hơn hết là trách nhiệm với bệnh nhân. Chị kể lại trong niềm vui khôn tả: “Kỷ niệm vui nhất trong nghề là đưa ra quyết định đúng đắn việc sinh - tử và đã cứu sống bệnh nhân suy thận cuối vào mùng 2 Tết Nguyên đán vừa rồi. Mỗi lúc quyết định một phương án điều trị trong lúc thập tử nhất sinh của bệnh nhân là một quá trình mâu thuẫn dằng xé lắm”. Trong ngành thì có nhiều phương án mạo hiểm nhưng đó mới là biện pháp hiệu quả. Chị bỏ qua những tai tiếng khi ca phẫu thuật rủi ro để dốc hết mình vận dụng tất cả kiến thức về bệnh thận để chữa trị. Kết quả chạy thận trên bệnh nhân cùng lúc: suy thận, suy hô hấp và rối loạn nhịp tim đã thành công. Có lẽ với một bác sĩ luôn đặt tính mạng bệnh nhân lên hàng đầu như chị thì có gì vui hơn cứu sống họ.

Bác sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh.
Vốn sinh ra trong gia đình truyền thống ba đời liên tiếp theo ngành y, chị Hạnh có phần lợi thế thừa hưởng nhiều kiến thức từ ông và cha nhưng bên cạnh đó là tinh thần chịu khó, ham học hỏi là vô tận. Chị luôn ý thức việc tự học để nâng cao trình độ bản thân, để đóng góp vào công tác khám điều trị. “Làm bác sĩ, nếu không thường xuyên cập nhận kiến thức y khoa thì thật sự lạc hậu trong cách nghĩ của bản thân và nguy hại hơn là sinh mạng của người bệnh”, đó là quan điểm của chị trong suốt thời gian công tác tại bệnh viện. Nhờ vậy, suốt thời gian công tác, chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ điều trị, quản lý và đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ.
Chị Hạnh nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, danh hiệu Giỏi việc nước đảm việc nhà. Và vui mừng hơn nữa ở chị có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được công nhận có hiệu quả cho bệnh viện 3 năm liên tiếp (từ 2011-2013). Chị cộng sự đề tài “Nhận xét sơ bộ tình hình bệnh tai biến mạch máu não khoa Nội A năm 2011”, “Các yếu tố nguy cơ gây tiền đái tháo đường ở người > 45 tuổi tại Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre”. Đề tài “Nghiên cứu đạm niệu vi lượng và các yếu tố nguy cơ ở người tiền đái tháo đường > 45 tuổi”. Riêng đề tài: “Thang điểm findeics dự báo đái tháo đường trong 10 năm”, do chị làm chủ.
Chia sẻ với chúng tôi về danh hiệu cao quý được nhận sắp tới, chị nói thật sự bất ngờ và vinh dự. Trong niềm vui thì bản thân cố gắng nhiều hơn nữa để cống hiến sức mình cho ngành y cũng như với bệnh nhân.
Nữ điều dưỡng ôn hòa
Về Bệnh viện Đa khoa Ba Tri không khó để hỏi thăm chị Bùi Thị Chuyền - Điều dưỡng viên Khoa Cấp cứu hồi sức và tích cực chống độc. Chị Chuyền có thâm niên công tác trên 10 năm. Suốt thời gian công tác tại bệnh viên, chị Chuyền luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (từ 2005-2012). Dày đặc những thành tích trong nghề, đặc biệt chị đã làm chủ đề tài khoa học “Khảo sát kỹ năng giao tiếp của điều dưỡng đối với người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Ba Tri năm 2010”; nhiều đề tài cộng sự với bác sĩ trưởng khoa, như “Đề tài công tác chăm sóc người bệnh của điều dưỡng tại bệnh viện Đa khoa Ba Tri” mới đây nhất…

Điều dưỡng Bùi Thị Chuyền
Khi được hỏi về sự nỗ lực để có thành tích ấy, chị Chuyền chia sẻ: “Mình không nghĩ làm để đạt thành tích cho bản thân. Công việc cố gắng làm hết mình vì bệnh nhân, làm tròn trách nhiệm của người điều dưỡng thực hiện tốt 12 điều y đức đã được thấm nhuần từ trên ghế nhà trường…”. Từ người chưa biết gì về điều dưỡng, về công việc của ngành mà mình theo nhưng giờ đây, chị Chuyền đã có kiến thức khá vững từ giảng đường và những kinh nghiệm thực tiễn với nhiều bệnh nhân. Chính sự tận tâm luôn chăm sóc bệnh nhân như là người nhà của mình mà giờ đây chị được nhiều bệnh nhân biết đến và yêu mến.
Chúng tôi thật cảm phục thái độ nhiệt tình với công việc, đức tính khiêm tốn của chị Chuyền. Chị luôn ôn hòa, nhỏ nhẹ, từ tốn với tất cả người bệnh lẫn đồng nghiệp. Chúng tôi đã hiểu hơn về chị - người điều dưỡng trẻ từng đạt danh hiệu Điều dưỡng giỏi khu vực đồng bằng sông Cửu long. Chị Võ Thị Phương - bác sĩ Chuyên khoa I Trưởng Khoa nhận xét: “Chuyền xứng đáng với danh hiệu người Thầy thuốc trẻ tài năng và y đức. Dù ở bất kỳ mối quan hệ nào, Chuyền luôn được mọi người yêu mến. Trong công việc, ở Chuyền toát lên tố chất của người thầy thuốc luôn quan tâm lo lắng cho bệnh nhân, chỉ làm hết việc không kể sớm hay trưa. Những cá nhân như Chuyền đã góp cho Khoa những thành tích đáng mừng”. Được biết, Khoa đã nhận nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh về thành tích trong thực hiện nhiệm vụ.