COVID-19 tới 6 giờ 3-4-2021:

Thế giới trên 130,7 triệu ca bệnh, Mỹ tiêm vaccine cho 100 triệu người

03/04/2021 - 07:05

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 614.426 trường hợp mắc COVID-19 và 9.824 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 130,7 triệu ca bệnh, trong đó trên 2,84 triệu người không qua khỏi.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 25-3-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 25-3-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 3-4-2021 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 130.779.425 ca, trong đó có 2.849.609 người tử vong.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 105.378.069 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 22.651.437 ca và 96.392 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 2-4-2021, thế giới có tới 134 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 103 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ, Ba Lan và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine.

Mỹ hiện vẫn đứng đầu thế giới cả về số ca nhiễm với 31.308.949 ca mắc và số ca tử vong là 567.487. Brazil đứng thứ hai với 12.910.082 ca nhiễm và 328.206 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ ba với số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 12.391.129 và 164.141.

Đáng lo ngại, dịch bệnh đang "nóng" lên tại nhiều nước ở châu Mỹ. Trong 24 giờ qua, Cuba đã ghi nhận 1.013 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới vượt mức 1.000 ca. Trong số ca mắc mới, thủ đô La Habana, tâm dịch tại nước này, chiếm gần 50% với 490 ca.

Hiện tổng số ca mắc tại Cuba là 76.26 ca, trong đó có 425 trường hợp không qua khỏi. Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại nhiều nước đang có chiều hướng gia tăng, Chile đã đóng cửa tất cả các đường biên giới của nước này từ ngày 5-4-2021, trong khi Bolivia đóng cửa biên giới với Brazil và Peru vào dịp Lễ Phục sinh.

Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Miami, bang Florida, Mỹ ngày 1-4-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Miami, bang Florida, Mỹ ngày 1-4-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ ngày 2-4-2021 cho biết nước đã cung cấp ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19 cho tổng cộng 101.804.762 người - tương đương hơn 30% dân số Mỹ, đạt mục tiêu ban đầu mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đặt ra.

Theo số liệu của CDC, gần 58 triệu người trong tổng số hơn 100 triệu người nói trên đã được tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19, theo chế độ 1 liều duy nhất hoặc 2 liều. Hơn 50% trong số đó là những người từ 65 tuổi trở lên.

Trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng được tăng tốc, Tổng thống Biden hồi tuần trước đã cam kết rằng khoảng 90% người Mỹ trưởng thành sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước ngày 19/4.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở London, Anh. Ảnh: AFP/ TTXVN
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở London, Anh. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại Ấn Độ - quốc gia chịu ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng thứ 3 thế giới, số ca nhiễm mới tại nước này trong một ngày đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua. Cụ thể, Ấn Độ đã ghi nhận 81.466 ca mắc và 469 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia Nam Á này lần lượt là 12.303.131 ca, trong đó có 163.428 ca tử vong.

Quốc gia Nam Á khác là Bangladesh cũng đã ghi nhận thêm 6.830 ca mắc COVID-19 - mức cao chưa từng thấy kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này là 624.594 ca, trong đó có 9.155 người không qua khỏi.

Trong khi đó, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản đã ra chỉ thị yêu cầu chính quyền các địa phương trên toàn Nhật Bản chủ động củng cố hệ thống xét nghiệm trong tháng 4 này nhằm đối phó với làn sóng dịch COVID-19 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay có thể xảy ra. Trong những ngày gần đây, dịch COVID-19 tại Nhật Bản đã có dấu hiệu gia tăng trở lại tại một số địa phương sau khi chính phủ dỡ bỏ lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Tương tự, quốc gia láng giềng của Nhật Bản là Hàn Quốc cũng đã quyết định từ ngày 2-4-2021 tăng cường các biện pháp phòng dịch tại một số thành phố lớn, trong đó có Busan và Jeonju, khi số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc duy trì ở mức 500 ca/ngày trong 3 ngày liên tiếp. Hàn Quốc ghi nhận làn sóng lây nhiễm thứ ba (bắt đầu từ giữa tháng 11-2020) chưa có dấu hiệu chậm lại khi số ca nhiễm mới mỗi ngày vẫn dao động ở ngưỡng trên dưới 400 ca.

Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Sejong, Hàn Quốc, ngày 31-3-2021. Ảnh: Yonhap/ TTXVN
Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Sejong, Hàn Quốc, ngày 31-3-2021. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Các chuyên gia y tế Hàn Quốc cũng cảnh báo về một làn sóng lây nhiễm khác khi các ổ lây nhiễm tập thể liên tiếp xuất hiện tại nhiều cơ sở khác nhau, bao gồm phòng tắm hơi, điểm tụ tập tôn giáo và cả nơi làm việc. Trong bối cảnh chuẩn bị có thêm nhiều sự kiện trong tuần tới như Lễ Phục sinh và cuộc bầu cử địa phương bổ sung ngày 7/4, nhà chức trách Hàn Quốc kêu gọi người dân tuân thủ các quy tắc về giãn cách xã hội.

Hiện nhiều nước châu Á và châu Âu đều đang trải qua làn sóng dịch thứ 3. Thổ Nhĩ Kỳ thông báo ghi nhận 40.806 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bùng phát cách đây hơn 1 năm, đồng thời xác nhận thêm 176 ca tử vong. Những số liệu trên đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ bước vào làn sóng dịch thứ 3. Tình hình này đã buộc Tổng thống Tayyip Erdogan ban hành các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt vốn đã được nới lỏng từ tháng 3.

Cùng ngày, Kazakhstan cũng ghi nhận số ca mắc mới trong một ngày cao nhất từ trước đến nay với 2.077 ca, đưa tổng số ca mắc tại quốc gia Trung Á này lên 248.931 ca với 3.078 ca tử vong.

Trong khi đó, Ukraine có thêm 19.893 ca mắc - cao nhất từ đầu dịch. Số ca tử vong trong một ngày cũng tăng lên mức cao mới với 433 ca trong 24 giờ qua, vượt cả mức cao nhất từng được ghi nhận trước đó là 421 ca ngày 1-4-2021. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca tử vong trong ngày tại Ukraine tăng cao kỷ lục. Đến nay, quốc gia Đông Âu này xác nhận tổng cộng 1.711.630 ca mắc với 33.679 ca không qua khỏi.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở ngoại ô Paris, Pháp ngày 1-4-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở ngoại ô Paris, Pháp ngày 1-4-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Pháp cũng đã ghi nhận 50.659 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 1-4-2021, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp số ca lây nhiễm mới trên mức 50.000 ca. Cũng trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 308 ca tử vong. Tổng số ca mắc tại Pháp tính đến nay là 4.695.082 ca, trong đó có 95.976 ca tử vong. Theo Thủ tướng Pháp Jean Castex, số ca mắc mới tăng cao như vậy là do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 nguồn gốc tại Anh có khả năng lây lan nhanh hơn.

Slovenia cũng đã bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa thứ 3 nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới do biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh. Lệnh mới này sẽ kéo dài đến ngày 11-4-2021 tới. Tuy nhiên, các cuộc tụ họp với quy mô gồm 2 hộ gia đình vẫn được phép tổ chức vào ngày Lễ Phục sinh sắp tới (4-4-2021). Giới chức y tế Slovenia cho biết biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Anh đang lây lan nhanh chóng và hiện chiếm hơn 40% tổng số ca bệnh tại nước này.

Số ca mắc COVID-19 tăng vọt và tiến độ tiêm chủng chậm chạp đã phủ bóng đen lên các lễ hội được mong đợi ở châu Âu trong năm thứ hai liên tiếp. Mới đây nhất, Ban tổ chức liên hoan truyện tranh nổi tiếng thế giới ở Angouleme (Pháp), dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 tới, đã thông báo hủy sự kiện này do lo ngại dịch COVID-19.

Người dân mua sắm đồ tại một siêu thị ở Berlin, Đức ngày 1-4-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân mua sắm đồ tại một siêu thị ở Berlin, Đức ngày 1-4-2021. Ảnh: THX/TTXVN

7 lễ hội văn hóa dự kiến diễn ra tại Đức và Thụy Sĩ cũng bị ảnh hưởng gồm Deichbrand, Hurricane, Southside, Rock am Ring, Rock im Park, onneMondSterne và Greenfield. Trong khi đó, hai bữa tiệc văn hóa lớn là Sonar và Primavera ở Barcelona (Tây Ban Nha) cũng bị hủy trong năm thứ hai liên tiếp.

Trước những diễn biến trên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã thống nhất kêu gọi thiết lập một hiệp ước quốc tế về chuẩn bị và ứng phó với đại dịch COVID-19, cũng như các đại dịch khác có thể xuất hiện. Mục tiêu chính của hiệp ước quốc tế trên sẽ là thúc đẩy cách tiếp cận của tất cả các chính phủ trên thế giới, cũng như toàn xã hội, tăng cường năng lực quốc gia, khu vực và toàn cầu, cũng như khả năng ứng phó các đại dịch có thể xuất hiện. Hiệp ước này sẽ được hỗ trợ với các công cụ y tế toàn cầu hiện có, đặc biệt là các Quy định Y tế quốc tế.

Để có thể kêu gọi người dân đi tiêm chủng ngừa COVID-19, Chính phủ Mỹ đã phát động một chiến dịch quảng cáo lớn, với phương châm "Chúng ta có thể làm được điều này", đang được phát sóng trên các kênh truyền hình của Mỹ bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.

Cùng với đó, Chính phủ Mỹ cũng đang chi hàng triệu USD để đưa chương trình quảng cáo trên lên các đài phát thanh phục vụ cho các cộng đồng người da đen, người gốc Tây Ban Nha, người Mỹ gốc Á và người Mỹ bản địa, những cộng đồng được cho là chịu ảnh hưởng nặng nề do virus SARS-CoV-2. Dự kiến, chiến dịch quảng cáo trên sẽ kéo dài đến cuối tháng 4.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 1-8-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 1-8-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, sau nhiều ngày đàm phán, đại sứ các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí điều chỉnh hệ thống phân bổ vaccine giữa các nước thành viên. Theo đó, 5 nước hiện đang gặp khó khăn nhất trong ứng phó dịch bệnh, gồm Bulgaria, Croatia, Estonia, Latvia and Slovakia, sẽ nhận được 2,85 triệu trong tổng số 10 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech mà khối này dự kiến tiếp nhận trong quý II-2021.

Bồ Đào Nha - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU cho biết quyết định này được khối đưa ra nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết chia sẻ khó khăn với các nước thành viên đang đối mặt với nhiều thách thức trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, Áo, CH Séc và Slovenia đã phản đối quyết định nói trên. Do vậy, 3 nước này vẫn sẽ được tiếp nhận đầy đủ số lượng vaccine theo hệ thống phân bổ hiện nay căn cứ theo quy mô dân số của các nước. 19 nước thành viên EU còn lại sẽ chia sẻ 6,66 triệu liều vaccine.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 20-3-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 20-3-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 2-4-2021, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 22.136 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 59.138 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Campuchia và Malaysia.

Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cao nhất khu vực. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng dịch bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với mấy ngày trước.

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao gấp nhiều lần “tâm dịch” Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong lại tăng mạnh trở lại so với các ngày trước.

Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch bệnh.

Thái Lan dù đã qua những ngày “nóng nhất” song số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 2-4-2021 ghi nhận thêm 58 ca bệnh mới.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 12-3-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 12-3-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 69 bệnh nhân mới trong ngày 2-4-2021 và 2 ca tử vong. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 59.138 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 121 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.880.616 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.521.508 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Brunei và Lào không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh (Myanmar không công bố số liệu).

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN