COVID-19 tới 6h sáng 13-6-2021:

Thế giới trên 3,8 triệu người đã tử vong, 176,3 triệu ca nhiễm

13/06/2021 - 06:34

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 300.000 ca nhiễm và trên 5.800 ca tử vong, nâng tổng ca tử vong do đại dịch lên trên 3,8 triệu người.

Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 13-6-2021 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 176.347.956 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.806.337 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 314.612 và 5.828 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 160.260.664 người, 12.280.955 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 83.909 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (73.598 ca), Ấn Độ (65.973 ca), và Colombia (29.998 ca); Ấn Độ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 3.071 ca), tiếp theo là Brazil (với 1.922 ca) và Colombia (577 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 34.313.920 triệu người, trong đó có 615.034 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 29.424.006 ca nhiễm, bao gồm 367.577 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 17.374.818 ca bệnh và 486.272 ca tử vong.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Srinagar, thủ phủ mùa hè của khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, ngày 9-6-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Srinagar, thủ phủ mùa hè của khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, ngày 9-6-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 563 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 310 người và Bosnia-Herzegovina với 290 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện là tâm dịch của thế giới, với hơn 1,2 triệu ca tử vong trong hơn 34,7 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 53,5 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,14 triệu ca tử vong. Bắc Mỹ có hơn 625.000 ca tử vong trong hơn 34,8 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 528.200 ca tử vong trong hơn 38,1 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 145.700 ca tử vong, châu Phi ghi nhận hơn 134.000 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.100 người.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Iran. Ảnh: IRNA/ TTXVN
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Iran. Ảnh: IRNA/ TTXVN

Italy dừng tiêm vaccine AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi

Chính phủ Italy quyết định dừng tiêm vaccine AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi, và với những người đã tiêm một mũi, sẽ được tiêm mũi thứ hai bằng vaccine công nghệ mRNA để hoàn tất quy trình.

Theo quyết định trên, Italy từ nay sẽ chỉ tiêm vaccine của AstraZeneca cho người trên 60 tuổi. Thay đổi này được đưa ra sau khi Cơ quan Dược phẩm EU phát hiện mối liên hệ giữa vaccine Astra và chứng máu đông cục hiếm gặp, nhưng nhấn mạnh lợi ích của tiêm vaccine vẫn vượt trội so với rủi ro. Nghiên cứu tại Anh cho thấy khả năng xảy ra cục máu đông sau tiêm vaccine là 1/250.000 tương đương chỉ 0,0004%.

Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: THX/ TTXVN
Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: THX/ TTXVN

Saudi Arabia cho phép người đã tiêm chủng được hành hương

Truyền thông Saudi Arabia đưa tin nước này sẽ cho phép 60.000 người dân đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở nước này được phép tham dự cuộc hành hương thường niên. Theo chính quyền Saudi Arabia, cuộc hành hương năm nay sẽ "mở cửa cho các công dân và cư dân tại vương quốc, ở mức giới hạn là 60.000 người hành hương. Những người muốn tham gia hành hương phải đáp ứng các điều kiện như: không mắc các bệnh mãn tính, đã được tiêm chủng và ở trong độ tuổi từ 18 đến 65.

Iran: Trên 7.000 ca mắc mới

Iran cũng báo cáo 7.444 trường hợp mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này 3.020.522 người. Đại dịch cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của 81.911 người ở Iran, trong đó có 115 người trong 24 giờ qua. Tính đến ngày 12-6-2021, đã có 4.305.242 người ở nước này được tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó 802.594 người đã tiêm đủ cả hai liều.

Canada ủng hộ 100 triệu liều vaccine cho nước nghèo

Canada cho biết sẽ đóng góp 100 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho các quốc gia có thu nhập thấp. Thủ tướng Justin Trudeau dự kiến chính thức đưa ra thông báo này vào ngày 13-6-2021, khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Vương quốc Anh. Việc đóng góp số vaccine trên của Canada sẽ là một phần trong cam kết của các nhà lãnh đạo G7 về việc cung cấp tổng cộng ít nhất một tỷ liều vaccine phòng COVID-19 cho các quốc gia khác.

Người dân dùng bữa bên trong một trung tâm thương mại ở Richmond, British Columbia, Canada, ngày 26-5-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Người dân dùng bữa bên trong một trung tâm thương mại ở Richmond, British Columbia, Canada, ngày 26-5-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Hầu hết các khoản đóng góp của G7 sẽ được gửi tới COVAX, sáng kiến toàn cầu nằm đảm bảo các nước được tiếp cận công bằng với vaccine. Mỹ có kế hoạch mua 500 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech và tặng phần lớn cho COVAX, phần còn lại sẽ được chuyển đến các quốc gia có nhu cầu trong năm tới. Vương quốc Anh sẽ đóng góp 100 triệu liều cho COVAX bắt đầu từ tháng 9 tới, bằng cách "chuyển hướng" nguồn cung cấp mà nước này đã đặt hàng nhưng không cần đến nữa. 

Nga tái áp đặt hạn chế ở thủ đô Moskva

Tại châu Âu, chính quyền thủ đô Moskva (Nga) đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế do tình hình dịch bệnh COVID-19 có chiều hướng xấu đi tại thành phố này trong tuần qua. Cụ thể, chính quyền thành phố Moskva khuyến cáo các cơ quan, tổ chức chuyển ít nhất 30% số nhân viên sang làm việc từ xa, trong đó bao gồm những nhân sự trên 65 tuổi hoặc có bệnh nền (ngoại trừ những người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19). Ngoài ra, các nhà hàng, quán cà phê, quán bar, vũ trường, các câu lạc bộ ban đêm ngừng hoạt động từ 23h00 đến 06h00 sáng hôm sau. Các khu vui chơi trẻ em, khu ăn uống được khuyến cáo dừng hoạt động từ ngày 13 đến 20-6-2021. Thị trưởng Moskva Sergey Sobyanin cũng quyết định cho công chức nghỉ làm việc từ ngày 15 đến 19-6-2021 mà vẫn được hưởng lương. Như vậy, tính cả các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ (12-6-2021 - Ngày Nước Nga), nghỉ bù, người dân Moskva sẽ có đợt nghỉ dài 9 ngày (từ 12 đến 20-6-2021).

Trong 24 giờ qua, Nga có thêm 13.510 ca mắc bệnh COVID-19 - số ca ghi nhận trong ngày cao nhất kể từ ngày 15-2-2021 vừa qua, nâng tổng số người mắc COVID-19 ở nước này lên 5.193.964 trường hợp. Trong 24 giờ qua, Nga cũng có thêm 399 trường hợp tử vong do dịch COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi đại dịch ở nước này lên 126.073 trường hợp. Tính đến ngày 11-6-2021, đã có tổng cộng 32.267.143 liều vaccine COVID-19 đã được tiêm tại Nga.

Người dân uống cà phê tại một cửa hàng ở London, Anh ngày 1-6-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân uống cà phê tại một cửa hàng ở London, Anh ngày 1-6-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Moderna bác bỏ liên hệ giữa vaccine với chứng viêm tim

Hãng dược phẩm Moderna của Mỹ ngày 11-6-2021 cho biết chưa phát hiện mối liên hệ nào giữa vaccine COVID-19 do hãng sản xuất với những trường hợp mắc hội chứng viêm tim hiếm gặp được ghi nhận ở những thanh niên sau khi tiêm vaccine của hãng.

Moderna nhấn mạnh kết luận này được đưa ra sau khi "xem xét kỹ lưỡng dữ liệu an toàn sẵn có đối với vaccine COVID-19 của hãng đối với những trường hợp mắc chứng viêm cơ tim và/hoặc viêm màng ngoài tim".

Trong một tuyên bố, Moderna nêu rõ "sẽ tiếp tục theo dõi sát sao những thông tin liên quan và chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý cũng như giới y tế cộng đồng để đánh giá sâu hơn về vấn đề này". Đến nay, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) vẫn chưa đưa ra phản hồi về thông tin liên quan.

Trên 5 triệu người đã nhiễm COVID-19 tại châu Phi

Theo dữ liệu do hãng tin AFP tổng hợp kể từ cuối năm 2019 đến nay, trên 5 triệu người dân ở châu Phi đã mắc COVID-19. Tổng cộng 5.008.656 được ghi nhận ở 54 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm 109.800 ca trong vòng 7 ngày qua.

AFP cho biết con số thực nhiều khả năng cao hơn do năng lực xét nghiệm còn hạn chế và những trở ngại về chính sách.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Yogyakarta, Indonesia,ngày 8-6-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Yogyakarta, Indonesia,ngày 8-6-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Vượt 1,9 triệu ca nhiễm, Indonesia loại bỏ áp dụng hạn chế quy mô lớn

Theo tờ Jakarta Post, chính phủ Indonesia đã từ chối áp dụng các hạn chế quy mô lớn để ngăn chặn sự gia tăng ca lây nhiễm COVID-19 trong nước. Trong khi đó, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở một số khu vực đã quá tải bệnh nhân.

Các cơ quan y tế Indonesia đã ghi nhận sự gia tăng liên tục của các trường hợp mắc mới COVID-19 trong những tuần sau khi hàng triệu người bất chấp lệnh cấm đi lại của chính phủ, tham gia lễ hội Idul Fitri của người Hồi giáo. Indonesia đã ghi nhận ca lây nhiễm trung bình trong bảy ngày là 5.067 trường mắc mới mỗi ngày vào ngày 23-5-2021, khoảng một tuần sau lễ Idul Fitri. Đến ngày 11-6-2021, con số này đã tăng lên 7.201.

Campuchia có thể tái lập khu vực Đỏ ở Thủ đô

Ngày 12-6-2021, báo Khmer Times dẫn nguồn từ chính quyền thủ đô Phnom Penh cho biết nếu tỷ lệ người nhiễm mới COVID-19 tiếp tục tăng, thủ đô có thể tái áp đặt việc phân chia khu vực theo màu đỏ, vàng đậm và vàng để ngăn chặn dịch bệnh.

Cùng với thông báo trên, chính quyền Phnom Penh cũng đưa ra hướng dẫn bổ sung về siết chặt các biện pháp hành chính đối với các hoạt động nghề nghiệp và kinh doanh, tụ tập cá nhân hoặc hội họp trong thành phố. 

Đo thân nhiệt nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19 trước khi vào chợ tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 24-5-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Đo thân nhiệt nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19 trước khi vào chợ tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 24-5-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 12-6-2021, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận dịch COVID-19 tại nước này tiếp tục diễn biến phức tạp khi có thêm 638 ca mắc mới COVID-19 (trong đó có 44 ca nhập cảnh) trong 24 giờ qua, cao hơn số ca phục hồi (605 ca) và có 9 người tử vong. Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 37.959 ca mắc COVID-19, trong đó có 31.222 người khỏi bệnh và 320 người tử vong.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia Mam Bun Heng gửi công văn đến lãnh đạo các tỉnh, thành phố để nhắc nhở cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19 đối với tất cả những người nhập cảnh vào Campuchia bằng đường bộ, đường không và đường thủy. Nếu phát hiện ca dương tính với COVID-19, cần chuyển bệnh nhân tới bệnh viện để điều trị và những người đi cùng phải cách ly tại trung tâm đủ 14 ngày.

Tình nguyện viên khiêng thi thể nạn nhân COVID-19 ở Malaysia. Ảnh: Bernama
Tình nguyện viên khiêng thi thể nạn nhân COVID-19 ở Malaysia. Ảnh: Bernama 

Lào đã tiêm hơn 1 triệu liều vaccine 

Bộ Y tế Lào ngày 12-6-2021 cho biết tính tới thời điểm hiện tại, đã có 712.793 người tại nước này được tiêm 1 mũi vaccine (tương đương 9,7% dân số) và 385.921 người đã tiêm đủ hai mũi (tương đương 5,26% dân số). Tại cuộc họp báo trưa cùng ngày, đại diện Bộ Y tế Lào cũng hối thúc người dân đã tiêm mũi vaccine thứ nhất nhanh chóng đi tiêm mũi thứ 2, đồng thời thông báo thời gian biểu tiêm mũi 1 vaccine Pfizer cho những người đủ tiêu chuẩn. 

Liên quan tới tình hình COVID-19 tại Lào, Bộ Y tế nước này cho biết trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 11 ca mắc, trong đó có 3 ca cộng đồng ở thủ đô Viêng Chăn, số còn lại đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay và đều ở tỉnh khác.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 10-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 10-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong ngày 12-6-2021, Thái Lan có thêm 3.277 trường hợp mắc COVID-19 - con số thống kê theo ngày cao nhất trong hơn một tuần qua khi tình trạng lây nhiễm chéo trong các nhà tù đang gia tăng. Ngoài ra, nước này cũng có 29 ca tử vong trong 24 giờ qua. Thủ đô Bangkok vẫn là tâm dịch của cả nước, với 858 trường hợp mắc bệnh trong 24 giờ qua. Giới chức Thái Lan cho biết nước này đang xem xét loại bỏ dần quy chế cách ly miễn phí (do nhà nước đài thọ) đối với các công dân Thái Lan từ nước ngoài trở về. Theo kế hoạch này, từ ngày 1-7-2021 tới, các công dân Thái Lan từ nước ngoài trở về sẽ phải tự chi trả chi phí ăn ở trong thời gian cách ly 14 ngày theo quy định, nhưng sẽ được chính phủ thanh toán các chi phí y tế và chăm sóc sức khỏe trong thời gian này. 

Bộ Y tế Malaysia cho biết nước này ghi nhận có thêm 5.793 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số người mắc căn bệnh này trên toàn quốc lên 652.204 người. Trong số các bệnh nhân nêu trên, có tới 5.787 trường hợp là lây nhiễm trong cộng đồng. Cũng trong 24 giờ qua, Malaysia có thêm 76 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi đại dịch lên 3.844 người.

Tại Philippines, đã có 8.027 trường hợp mắc COVID-19 được xác nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.308.352 người. Số ca tử vong hiện cũng đã là 22.652 người, sau khi có thêm 145 ca tử vong do virus SARS-CoV-2. 

TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN