Pakistan: Chính trường nóng bỏng
Tình hình tại Pakistan trong tuần qua đã trở nên căng thẳng tới mức khó kiểm soát sau khi Tổng thống Musharraf áp đặt tình trạng khẩn cấp hôm thứ Bảy tuần trước (3/11). Từ hôm thứ Hai (ngày 5/11), hàng ngàn luật sư đã xuống đường biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống vì cho rằng đây là một hành động nhằm ngăn chặn phán quyết bất lợi từ phía Toà án tối cao về tư cách ra tranh cử của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống hôm 6/10. Hôm thứ Tư (7/11), các đảng đối lập cũng đã nhóm họp để thảo luận biện pháp buộc Tổng thống Musharraf huỷ bỏ tình trạng khẩn cấp với sự tham gia của các nhân vật đối lập hàng đầu.
Cảnh sát, binh sĩ và lực lượng bán quân sự Pakistan được triển khai tại các vị trí quan trọng sau sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp. Ảnh: AFP.
Cựu Thủ tướng Benazir Bhutto còn ra tối hậu thư yêu cầu Tổng thống Musharraf phải từ chức Tổng tư lệnh quân đội và tổ chức bầu cử đúng thời hạn vào giữa tháng 1 tới. Như vậy là chẳng bao lâu sau khi về nước, bà Bhutto từ vị thế một liên minh của Tổng thống Musharraf đã chuyển sang thế đối đầu trực diện. Hôm thứ Sáu (9/11), cảnh sát đã phong tỏa tư dinh của bà Bhutto, vây ráp khoảng 5.000 người ủng hộ bà. Trước đó, hơn 800 nhà hoạt động của Đảng Nhân dân Pakistan của bà Bhutto cũng đã bị bắt giữ ngay trước khi Đảng này tổ chức một cuộc biểu tình lớn phản đối chính phủ áp đặt tình trạng khẩn cấp. Theo giới quan sát, việc Tổng thống Musharraf ban bố tình trạng khẩn cấp là một quyết định lợi bất cập hại. Nó đã đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 1999 đưa ông Musharraf lên nắm quyền tới nay và cũng khiến các đồng minh phương Tây chủ chốt của Pakistan phải cho rằng đây là một bước thụt lùi về dân chủ của nước này.
Tổng thống Mỹ G.Bush cho biết: "Tôi đã nói với Tổng thống Pakistan Musharraf rằng ông ấy không thể vừa là Tổng thống đồng thời là người đứng đầu quân đội và rằng chúng tôi mong chờ một cuộc bầu cử".
Trước sức ép trong và ngoài nước, Tổng thống Musharraf đã cam kết sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 2 tới và tình trạng khẩn cấp sẽ được dỡ bỏ trong 1 hoặc 2 tháng tới. Ông Musharraf cũng nhắc lại lời cam kết sẽ rời bỏ chức Tổng tư lệnh quân đội trước khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 song không thông báo thời điểm.
Gruzia: Khủng hoảng chính trị - Tổng thống ban bố tình trạ